Câu hỏi "nóng": Dưới 1 tỉ đồng, đầu tư bất động sản thế nào?
Nhiều người mua đất nền ở tỉnh chỉ cần thông tin quy hoạch đất vườn có thể lên thổ cư là "nhảy" vào ngay nhưng lại bỏ qua yếu tố mất bao lâu mới được phép xây dựng?
Tại hội nghị đầu tư chủ đề "Dòng tiền thông minh" do Tạp chí Forbes vừa tổ chức, nhiều câu hỏi được nhà đầu tư quan tâm là với số vốn khởi điểm 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng có thể đầu tư bất động sản không? Đầu tư vào đâu để ít rủi ro, dễ sinh lợi?
Về những băn khoăn này, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, chia sẻ thời gian qua có trào lưu nhiều người quen, bạn bè cùng góp tiền với nhau để mua đất vùng ven. Phương thức này có thể phù hợp với những người đang có từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng nhưng vẫn có rủi ro khi những người góp tiền không đồng thuận.
Đồng thời, giá đất thời gian vừa qua đã tăng cao rất nhiều nên nhà đầu tư cần cân nhắc rất kỹ giá trị của bất động sản trước khi "xuống" tiền.
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư có thể chọn căn hộ tầm trung, phù hợp với túi tiền của nhiều người vì đây là phân khúc có nhu cầu ở thực nhiều nhất, có thể khai thác cho thuê được...
Theo ông Phúc, nhà đầu tư có thể chọn căn hộ tầm trung. Dạng căn hộ này phù hợp với túi tiền của nhiều người, vì đây là phân khúc có nhu cầu ở thực nhiều nhất, có thể khai thác cho thuê được. Nếu có năng lực vay và thu nhập bảo đảm dòng tiền, chỉ cần có trước vốn ban đầu 20-30% là có thể mua được căn hộ.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Việt An Hòa, nhận định số vốn từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, muốn tìm sản phẩm bất động sản hiện nay là khó. Thay vào đó, người mua có thể dùng đòn bẩy với tỉ lệ 50%, khi đó sẽ có 1-2 tỉ đồng để dễ lựa chọn sản phẩm hơn. Chẳng hạn, ngay tại TP HCM, nhà đầu tư có thể lựa chọn căn hộ của các dự án cũ trong khoảng giá 1,5 - 2 tỉ đồng. Theo ông, thị trường này đang bị bỏ quên nhưng có cơ hội sinh lời tốt.
Thời gian qua, trong cơn sốt bất động sản xảy ra ở nhiều nơi, không ít nhà đầu tư đã "nhảy" vào thị trường này mà không tìm hiểu rõ. Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam, lưu ý không chỉ trong thị trường chứng khoán hay tiền mã hóa, ngay cả với bất động sản cũng có nhiều người đầu tư theo phong trào mà không hiểu biết.
Ông Kiệt kể ông từng chứng kiến nhiều người quen nói mới mua được đất ở tỉnh với giá rẻ nhưng lại cao hơn nhiều so với giá thực tế của người dân địa phương đang giao dịch, không hiểu vị thế lô đất đó thế nào. Nhiều nhà đầu tư chỉ chú ý mình có bao nhiêu tiền nhưng không cân nhắc về khả năng kiểm soát dòng tiền của mình.
"Có những dự án người mua cảm thấy rất hấp dẫn, chỉ cần thanh toán trước 20-30% nên liền đặt cọc, "nhảy vào" vì thấy thị trường đang lên. Tuy nhiên, khi dòng tiền trục trặc, không đủ khả năng chi trả cho các đợt thanh toán tiếp theo, họ phải chấp nhận bán rẻ, thậm chí cắt lỗ" - ông Kiệt dẫn chứng.
Để đầu tư bất động sản thành công, tránh thua lỗ, ông Trần Khánh Quang khuyên nhà đầu tư nên tránh bất động sản "mồ côi" mà hãy mua bất động sản "sáng đèn". Khái niệm "mồ côi" để chỉ những lô đất, dự án nằm đơn lẻ, không có tính kết nối, không có gì xung quanh trong bán kính khoảng 1km.
"Bất động sản mua được thì phải ở được, bán được. Nhà đầu tư hãy tránh những dự án dù được dán mác cao cấp nhưng xung quanh không có tiện ích hay hạ tầng kết nối nào. Còn từ "sáng đèn" để chỉ những dự án có nhu cầu ở thực, sẽ có giá, còn như đi ngang một chung cư đã bàn giao mà chỉ có mỗi ánh đèn từ phòng bảo vệ thì không nên mua" - ông Quang nêu kinh nghiệm.
Pháp lý phải đặt lên hàng đầu
Theo ông Ngô Quang Phúc, để tránh rủi ro, nhà đầu tư phải đặt yếu tố pháp lý lên hàng đầu. Nếu mua bất động sản của doanh nghiệp đầu tư, phát triển, cần quan tâm tới giấy phép xây dựng của họ. Còn nếu mua nhà đất riêng lẻ của người dân thì nên đến UBND phường, xã, phòng công chứng để kiểm tra tình trạng pháp lý của bất động sản đó có ổn hay không…
Theo Thái Phương