Câu chuyện quả cà chua trong lạm phát
Nhiệt độ cao do hạn hán khiến cà chua mất nước, không thể đáp ứng đúng kích thước tiêu chuẩn và ngày càng trở nên nhỏ hơn.
California trước nay vẫn nổi tiếng là tiểu bang dẫn đầu thế giới về sản xuất cà chua chế biến - loại cà chua được đóng hộp và sử dụng trong chuỗi các nhà bếp thương mại. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết cực đoan cùng tình trạng nắng nóng kéo dài trong lịch sử 1.200 năm đang khiến nông dân California chật vật bảo vệ vụ mùa. Giá một loạt món ăn sản xuất từ cà chua, trong đó có sốt spaghetti, đứng trước nguy cơ tăng giá mạnh chưa từng có.
“Chúng tôi rất cần mưa. Chúng tôi sắp không còn hàng tồn kho để tiếp tục cung ứng cho thị trường nữa rồi’’, Mike Montna, người đứng đầu Hiệp hội những người trồng cà chua California cho biết.
Theo Bloomberg, khan hiếm nước đang làm giảm sản lượng cà chua của California - nơi vốn đóng góp tới 25% sản lượng toàn thế giới. Điều này tác động lớn tới giá cà chua và tương cà, và thậm chí, có thể khiến chúng tăng nhanh hơn cả tỷ lệ lạm phát của Mỹ vốn đã đang ở mức cao nhất sau 43 năm do hạn hán và nguồn cung hạn hẹp. Sau khi các dự báo về biến đổi khí hậu của California được đưa ra, viễn cảnh cho các hộ gia đình nông nghiệp tại đây càng trở nên u ám.
“Thật khó để trồng một cây cà chua ngay bây giờ. Thứ nhất là hạn hán ảnh hưởng đến chi phí trồng trọt bởi bạn không có đủ nước để nuôi cây. Thứ hai là lạm phát khiến nông trại và loạt chi phí từ nhiên liệu đến phân bón tăng mạnh’’, Montna phàn nàn.
Ngoài ra, các hạn chế của California đối với việc sử dụng nước ngầm cũng khiến các nhà sản xuất, trong đó có Woolf Farming, phải đau đầu. Theo Rick Blankenship, phó Chủ tịch phụ trách hoạt động nông nghiệp, chi phí trồng và chế biến cà chua tại trụ sở quận Fresno hiện rơi vào khoảng 4.800 USD/mẫu đất so với 2.800 USD 10 năm trước đó. Sự gia tăng chủ yếu diễn ra trong 2 năm trở lại đây.
“Năng suất đã giảm trong năm nay”, Blankenship chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. “Nhiệt độ cao do hạn hán khiến cà chua mất nước và không thể đáp ứng đúng kích thước tiêu chuẩn. Cà chua đang ngày càng nhỏ hơn’’.
Tình trạng khó khăn khiến mức giá thương lượng 105 USD/tấn cà chua trong mùa vụ này, dù đã là mức cao nhất mọi thời đại, song vẫn không đủ để vượt qua những thách thức của ngành.
“Bạn có thể thấy đây là một cuộc chạy đua của người nông dân. Trên thực tế, chi phí đầu vào đã tăng quá mức khiến lợi nhuận của chúng tôi bị mất gần hết”, Blankenship nói.
Tình trạng thiếu nước đang khiến một loạt nông dân cân nhắc chuyển đổi loại cây trồng với mong muốn thu về nhiều nhất lợi nhuận. Bruce Rominger, một nông dân chia sẻ với tờ Bloomberg rằng, anh đã cắt giảm 90% diện tích lúa để nhường chỗ trồng cà chua. Anh hy vọng sẽ kiếm được một chút từ thửa ruộng 800 mẫu bắt đầu thu hoạch vào tháng 7, dù biết rằng đây chính xác là một canh bạc.
“Đây là một loại cây trồng rủi ro cao và năng suất của chúng tôi là dưới mức trung bình’’, Rominger cho biết.
Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng cao, nguồn cung cà chua chế biến tại các vùng trọng điểm trong vài thập kỷ tới. Trong đó, Mỹ, Italy và Trung Quốc dự kiến giảm 6% vào năm 2050, theo một nghiên cứu được công bố trên Nature Food. Một báo cáo hồi tháng 6 cũng cho biết các hạn chế về nhiệt và nước có thể khiến California và Italy đặc biệt gặp khó khăn trong việc duy trì mức năng suất hiện tại.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, vụ mùa tại California đạt năng suất kỷ lục 14,4 triệu tấn vào năm 2015. Tuy nhiên, trong năm nay, con số dự kiến đã giảm xuống chỉ còn 11,7 triệu tấn.
“Đơn giản là chúng tôi không có đủ lượng cà chua chế biến để đảm bảo rằng mọi người được đáp ứng đủ nguồn cung. Nước quá đắt hoặc không có sẵn với bất kỳ giá nào’’, R. Greg Pruett, Giám đốc kinh doanh và năng lượng của Ingomar Packing Co., một trong những nhà chế biến cà chua lớn nhất thế giới, cho biết.
Theo: Bloomberg
Tương lai ngành xe điện sẽ ra sao?
Vũ Anh