Câu chuyện ông lão đánh cá và cơn khủng hoảng tài chính Sri Lanka
Cơn khủng hoảng tồi tệ được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến sự “sinh tử” của những ngư dân đã dành phần nhiều thời gian của cuộc đời mình ở ngoài biển lớn.
Sau 3 tuần lênh đênh trên biển, ngư dân ở đảo Sri Lanka đang đếm số lượng đánh bắt của họ trên bến cảng Negombo. Họ là một cộng đồng ngư dân gắn bó sâu sắc với nhau trên bờ biển phía tây của hòn đảo.
Nhưng những thành quả đánh bắt lần này có vẻ không khả quan với người đàn ông 44 tuổi tên Anton Fernando. Ông lo sợ việc buôn bán của mình sẽ không thể giúp ông kiếm tiền đủ sống được nữa.
Sri Lanka đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948. Giá cả tăng cao đang đè nặng lên các ngư dân, từ chi phí nhiên liệu cho tàu thuyền đến lương thực cho gia đình họ.
"Trong 21 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi đã kiếm được 40.000 rupee (123 USD). Số tiền này không đủ để trang trải các chi phí trong gia đình. Ngay cả trước khi về nhà, chúng tôi đã biết rằng số tiền này không đủ để trả tiền điện, tiền nước, học phí và thực phẩm."
Mặc dù đánh bắt cá chỉ chiếm chưa đến 2% nền kinh tế Sri Lanka, nhưng tác động của nó rất lớn. Đây là nghề kiếm sống của 1/10 dân số Sri Lanka và dĩ nhiên, số người nhờ nó mà số người được ăn, được học còn nhiều hơn thế nữa.
Tại một bãi biển gần đó ở khu phố biển của Negombo, ngư dân 47 tuổi G.K. Chaminda nói rằng ông đang phải vật lộn để trả khoản vay từ 3 năm trước.
"Chúng tôi thực sự đang gặp khó khăn. Chúng tôi chỉ ăn một bữa mỗi ngày và hàng tạp hóa cũng rất khó mua, sữa bột cho trẻ em cũng không có. Những thứ thiết yếu khác cũng chẳng có, vậy có lẽ tương lai đã rõ ràng rồi. Chúng tôi cảm giác rằng rồi đây mình sẽ chẳng còn gì để ăn và sẽ chết. Tình cảnh là vậy đó."
Theo các quan chức địa phương, cuộc khủng hoảng tài chính đã ảnh hưởng đến ít nhất một nửa đội tàu đánh cá trong khu vực. Việc này được dự đoán có thể ảnh hưởng đến chuyện sống chết của họ trong vòng 3 đến 6 tháng tới.
Cuộc khủng hoảng này đã làm nổ ra những cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần cách đó chỉ 25 dặm ở thủ đô thương mại Colombo. Đây là nơi những người biểu tình đang yêu cầu các giải pháp cũng như việc phế truất Tổng thống Gotabaya Rajapaksa.
Bộ trưởng tài chính Sri Lanka nói với Reuters trong tháng này rằng ưu tiên hàng đầu của chính phủ là khôi phục những thứ thiết yếu như nhiên liệu. Đồng thời, họ cũng đang tìm kiếm một số viện trợ từ các tổ chức cho vay như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương về kinh tế của đất nước.
Bộ tài chính và thủy sản của Sri Lanka đã không trả lời ngay trước yêu cầu đưa ra bình luận về các biện pháp cụ thể đang được thực hiện để giúp ngành đánh bắt cá khắc phục khó khăn.