Câu chuyện kẻ bán tranh giả cho đối thủ kiếm 400 triệu USD, thậm chí còn bị đạo nhái lại chính tác phẩm 'rởm' của mình

Chia sẻ Facebook
03/05/2022 10:10:27

Han Van Meegeren bán tranh giả cho Đức Quốc Xã và ông đã khiến toàn bộ tòa án lẫn báo giới "đứng hình" khi thị phạm, chứng minh mình không bán nước.


Vào tháng 11/1947, một cuộc thăm dò tại Hà Lan đã thực hiện để tìm kiếm người được nhân dân yêu thích nhất. Kết quả, vị trí đầu tiên thuộc về thủ tướng mới Louis Joseph Maria Beel, còn người thứ hai là một họa sỹ tên Han Van Meegeren. Vậy người đàn ông này là ai mà lại được người dân Hà Lan yêu thích như thế?

Han Van Meegeren tại phiên tòa tranh giả năm 1945

Trả thù

Han Van Meegeren sinh năm 1889 tại Hà Lan. Ông là con thứ 3 của một gia đình 5 người con. Dù đam mê hội họa từ nhỏ nhưng cha và các người anh em của Meegeren đều không coi trọng sở thích này của ông.

Đến khi học tại trường Higher Burger School, Meegeren gặp người thầy hội họa Bartus Korteling của đời mình. Bản thân Korteling vốn rất mê tranh của Vermeer và chính ông là người đã truyền cảm hứng cho Meegeren về tình yêu với tác phẩm của họa sĩ đại tài này cũng như cách phối màu của Vermeer. Đây là yếu tố rất quan trọng cho thành công làm nhái tranh sau này của Meegeren.

Bất chấp tài năng của con trai, bố của Meegeren vẫn ép con theo học thành kiến trúc sư. Dù học giỏi ngành kiến trúc nhưng Meegeren vẫn không hết đam mê với hội họa. Ông thậm chí từ bỏ thi cuối kỳ để chuyển sang học nghệ thuật ở trường The Hauge vào năm 1913.

Meegeren bắt đầu trưng bày các tác phẩm của mình vào năm 1917 nhưng chúng chỉ gây tiếng vang nhất thời. Những nhà thẩm định hội họa thời kỳ này cho rằng các tác phẩm của ông không có tiềm năng khi hướng đến trường phái vẽ tranh cũ, trong khi xu thế thời đó là kiểu trang lập thể, trường phái siêu thực.

Nhắc đến những kiệt tác nổi tiếng trong lịch sử nghệ thuật phương Tây, có ba tác phẩm nổi tiếng nhất mà ai ai cũng biết đó là "Mona Lisa" của Leonardo da Vinci, "The Night Watch" của Rembrandt van Rijn và "Girl with a Pearl Earring" của Johannes Vermeer.

Johannes Vermeer sinh năm 1632 tại thị trấn Delft, Hà Lan. Các nhà sử học thế hệ sau coi ông, cùng Rembrandt và Frans Hals là ba bậc thầy về hội họa ở Hà Lan.

Nổi giận vì không được coi trọng, Meegeren quyết định chứng minh cho cả thế giới thấy được tài năng của mình bằng cách nhái các bức họa của những tác giả nổi tiếng trước đây, bán chúng với giá tranh gốc và biến các nhà thẩm định thành những tên hề.

Trong khoảng 1932-1937, Meegeren đã tập vẽ nhái hàng loạt các tác phẩm của Frans Hals, Pieter de Hooch, Gerard ter Borch và Johannes Vermeer. Cuối cùng ông chọn Vermeer là đối tượng để chứng minh tài năng của mình do những kiến thức học được từ người thầy Korteling.

Ngoài ra, những tác phẩm còn sót lại của Vermeer chỉ vào khoảng 35 bức tranh, bằng 1/10 so với những họa sỹ nổi tiếng khác. Bởi vậy nhiều người tin rằng Vermeer còn những bức tranh khác chưa được tìm thấy và đây là cơ hội cho Meegeren.

Khác với những nghệ sỹ nhái tranh khác, Meegeren nghiên cứu rất kỹ tiểu sử, trường phái, kỹ thuật vẽ, cách làm chữ ký, chất liệu sử dụng và thậm chí là công thức pha màu của Vermeer. Ông thậm chí mua tranh sơn dầu thật của thế kỷ 17 và tìm ra cách pha màu riêng để làm cũ bức tranh.

Bức tranh giả "The Supper at Emmaus" của Meegeren được giới phê bình tung hô là tác phẩm đẹp nhất của Vermeer, được bán với giá tương đương 4 triệu USD hiện nay.

Thông thường, tranh sơn dầu mất hàng chục năm mới khô hoàn toàn và tranh mới sẽ dễ bị phát hiện nếu các chuyên gia chạm vào. Bởi vậy Meegeren đã pha màu riêng để làm chúng như tranh cổ, rồi làm khô tranh trong lò với phenol formaldehyde để nước sơn cứng lại. Sau đó, ông sẽ cuộn tròn tranh lại để tạo thêm vết rạn và trông như đồ cổ.

Tiếp đó, thay vì sao chép y nguyên những bức tranh cũ, Meegeren sáng tác các bức tranh mới của Vermeer dựa trên kiến thức hiểu biết rất sâu của ông về họa sỹ này. Kết quả là với tài năng của mình, những bức tranh giả của Meegeren đã được các nhà thẩm định tung hô lên tận mây xanh, coi đó là các tác phẩm đẹp nhất họ từng biết đến.

Tiếp theo đó, hàng triệu USD chảy vào túi của Meegeren còn ông thì hả hê với những lời khen ngợi từ các nhà phê bình, vốn từng coi thường tài năng của mình. Tới thời điểm bị phát hiện, Meegeren đã kiếm được 30 triệu USD, tương đương 400 triệu USD theo tỷ giá ngày nay. Vậy nhưng, đây mới chỉ là khởi đầu cho câu chuyện trở thành người hùng Hà Lan của Meegeren.

Lừa cả Đức Quốc Xã

Năm 1942, Đức xâm chiếm Hà Lan và một số bức tranh của Meegeren bắt đầu bị các nhà thẩm định nghi vấn. Nguyên nhân chính là với sức khỏe đi xuống, Meegeren không còn giữ được chất lượng các tác phẩm như trước.

Việc nghiện thuốc lá, rượu bia và Morphine cùng thuốc ngủ đã tàn phá cơ thể ông. Tuy nhiên, các nhà thẩm định thời kỳ này không có bản gốc để đối chứng dễ dàng như ngày nay do phần lớn bảo tàng đã đóng cửa hoặc bị hủy hoại do chiến tranh.

Bởi vậy, Meegeren vẫn bán được tranh giả dưới tên của những họa sỹ nổi tiếng. Thậm chí nhân vật số 2 của Đức Quốc Xã là Hermann Goerring đã trao đổi 137 bức tranh mà quân Đức cướp được để lấy 1 tác phẩm của ông.

Khi Thế chiến II kết thúc, vụ giao dịch với Goerring của Meegeren bị phát hiện và ông bị bắt giữ vào ngày 29/5/1945 với tội danh câu kết với kẻ thù, bán di sản Hà Lan cho Đức Quốc Xã. Tội danh này sẽ bị phán tử hình và trước áp lực của cái chết cùng tai tiếng, Meegeren buộc phải thừa nhận mình đã vẽ tranh giả suốt bao năm qua.

Phiên tòa xét xử tranh giả của Meegeren

Ban đầu chẳng mấy ai tin lời Meegeren khi ông không có tiếng tăm trong làng vẽ. Thế nhưng khi ông vẽ bức tranh giả cuối cùng mang tên "Jesus among the Doctors" theo phong cách Vermeer trước sự chứng kiến của các nhà báo, nhà thẩm định trong khoảng thời gian bị giam giữ tháng 7-12/1945 tại Amsterdam, tất cả mọi người đều choáng váng.

Sau khi chứng minh được mình bán tranh giả, cáo buộc đối với ông chuyển thành tội lừa đảo và chỉ bị kết án tù 1 năm. Người dân Hà Lan sau khi biết tin đã ca ngợi Meegeren là anh hùng khi lừa Đức Quốc Xã đổi 1 bức tranh giả lấy về 137 tác phẩm nghệ thuật.

Trên thực tế Meegeren chẳng phải ở tù một năm mà chỉ có vài tháng, sau đó được tha bổng. Ông vẫn tiếp tục sáng tác nhưng lần này với bút danh thật và ký tên bản thân. Vào ngày 30/12/1947, Meegeren qua đời vì trụy tim ở tuổi 58.

Thế nhưng trái với dự đoán, danh tiếng của Meegeren không hề giảm sút sau cái chết của ông. Những bức tranh giả của Meegeren trở nên hút hàng trong khi các nhà thẩm định thì hổ thẹn với những lời chê bai năm xưa dành cho ông. Thậm chí, giá những bức tranh giả sau khi ông mất còn tăng cao hơn nữa dù mọi chuyện đã vỡ lở.

Thật trớ trêu là với danh tiếng tăng cao, những bức tranh nhái của Meegeren lại trở nên có giá trị đối với giới vẽ tranh giả. Thế là ngày càng có nhiều họa sỹ vẽ nhái những bức tranh giả của Meegeren. Khi phát hiện ra điều này, Meegeren đã tuyên bố sẽ chấp nhận bất kỳ bức tranh giả nào nhái theo ông nếu đạt được tiêu chuẩn đề ra.

Meegeren chứng minh trước báo giới và hội đồng chuyên môn rằng mình vẽ tranh giả

Nguyên nhân chính là Meegeren đã tốn rất nhiều công sức nghiên cứu và thực tế là một họa sỹ tài năng để có thể cho ra đời những tác phẩm trên. Trên thực tế những bức tranh giả này là một kiệt tác thực sự của chính Meegeren, cái ông cần chỉ là danh tiếng cũng như chứng minh rằng các chuyên gia thẩm định thời đó có tầm nhìn hạn hẹp.

Đáng tiếc thay cho đến tận ngày nay vẫn chưa có họa sỹ nào nhái tranh thành công được như Meegeren. Ngay cả người con Jacques Van Meegeren cũng đã cố nhái theo cha nhưng không thành công.


Băng Băng

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook