Câu chuyện “hóa hổ’’ và “sợi chỉ đỏ” kết nối Việt Nam với tri thức và thịnh vượng toàn cầu
Với khát khao xây dựng một mạng lưới rộng lớn trí thức và chuyên gia người Việt toàn cầu, GS Nguyễn Đức Khương - Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam trong danh sách Các nhà khoa học kinh tế và tài chính hàng đầu thế giới của Research.com năm 2022 - đặt niềm tin rất lớn vào sức mạnh đoàn kết để đưa Việt Nam “hoá hổ” trở thành nền kinh tế tri thức, sáng tạo, tạo ra được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có ID Việt Nam, bản sắc Việt Nam và tạo ra vị thế cạnh tranh cho Việt Nam trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Thời gian gần đây, báo chí quốc tế có những bài viết cho rằng Việt Nam đang có cơ hội phát triển cao, thậm chí còn có nhận định Việt Nam có thể trở thành "con hổ mới của châu Á". Theo ông, cơ hội để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với những "con hổ" lớn trong khu vực là có không?
Đây là một viễn cảnh khả thi. Chúng ta tạm tính toán đơn giản như thế này. GDP của Việt Nam được dự báo đạt 408 tỷ USD năm 2022 theo giá hiện hành, xếp thứ 39 toàn cầu, theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tháng 4 vừa qua.
Sau khi loại bỏ ảnh hưởng của lạm phát, GDP thực tế ước tính đạt 394 tỷ USD. Giả định nền kinh tế nước ta tăng trưởng trung bình 6,5% từ nay đến 2045 thì khi đó GDP nước ta sẽ đạt khoảng 1.677 tỷ USD.
Với dân số sấp xỉ 109 triệu người đến năm 2045 theo ước tính của Ngân hàng thế giới (World Bank), GDP bình quân đầu người sẽ vào khoảng 15.385 USD, cao hơn ngưỡng chỉ tiêu GDP bình quân đầu người của nhóm các nước có thu nhập cao, được ước tính vào khoảng 13.713 USD dựa trên tốc độ thay đổi của chỉ số này trong giai đoạn 2011-2021. Năm 2021, ngưỡng này là 12.695 USD.
Trong trường hợp kém khả quan hơn, tỷ lệ tăng trưởng trung bình của nước ta chỉ đạt 6% trong giai đoạn 2023-2045, thì GDP bình quân đầu người nước ta sẽ vào khoảng 13.807 USD. Lúc đó Việt Nam vẫn vào nhóm có thu nhập cao (vượt ngưỡng 13.713 USD), nhưng nằm ở nhóm đứng cuối danh sách.
Đó là những con số được tính toán rất cơ học. Nếu nói cụ thể về chiến lược, thì cơ sở nào sẽ giúp Việt Nam hoá hổ?
Có ba chủ đề cần được đặt ra để bàn bạc và lựa chọn chiến lược hành động. Thứ nhất là chúng ta chọn kịch bản trở thành "hổ Châu Á", tiến đến mức phát triển cao hơn như Hàn Quốc, Singapore, và Nhật Bản hay chỉ dừng ở mức trung bình khá và đi vào đình trệ, không bứt phá tiếp lên được như Indonesia, Philippines, và Thái Lan.
Ở thời điểm này, Trung Quốc cũng là ví dụ của sự phát triển thần kì, thành công trên rất nhiều mặt, từ mức sống người dân, công ăn việc làm, đến việc kiến tạo các tiền đề cho phát triển của tương lai về thị trường, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là khoa học công nghệ.
Chủ đề thứ hai là các giải pháp thúc đẩy chất lượng của tăng trưởng, trong đó chúng ta phải xây dựng một mô hình thực sự đi vào hạnh phúc và chất lượng sống của người dân, bình đẳng xã hội, sức khoẻ, tăng tính bền vững của môi trường sinh thái.
Chủ đề thứ ba là phải tìm cách đột phá thực sự, tiến vào chuỗi giá trị bậc cao của nền kinh tế thế giới và tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm đầu ra (dựa vào chính sách cho chương trình Make in Vietnam). Quan trọng hơn nữa là kiên trì phát triển bền vững dựa trên việc tìm ra các động lực phát triển mới, thay cho những tài nguyên sẵn có, như đất đai, khoáng sản, hay dầu mỏ..., và đặc biệt phải có nền tảng khoa học và công nghệ bậc cao.
Vậy nếu chọn kịch bản trở thành "hổ châu Á", thì với thành công của một số nước Đông Bắc Á, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, chúng ta có những bài học nào thưa ông?
Tôi cũng có đọc rất nhiều bài viết hay về kinh nghiệm hoá hổ, hoá rồng của Đức (Kỳ tích sông Rhin), Hàn Quốc (Kỳ tích sông Hàn), Nhật Bản, và quốc đảo Sư tử Singapore. Đặc điểm chung là các quốc gia này đều xây dựng và phát triển từ sự đổ nát sau chiến tranh hay từ sự nghèo khó, không có tài nguyên. Cũng có những yếu tố về bối cảnh hợp tác chiến lược đặc biệt, ví dụ như Hàn Quốc và Nhật Bản nhận được rất nhiều nguồn vốn đầu tư đến từ Mỹ.
Bài học đầu tiên có thể kể đến là tinh thần, ý chí dân tộc, cùng với dấu ấn của lãnh đạo và chính quyền trung ương với quyết tâm vươn lên mạnh mẽ, và xây dựng chiến lược "quyền lực mềm" quốc gia.
Tổng thống Park Chung Hee đã giúp Hàn Quốc đặt nền móng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, khoa học công nghệ, và thương hiệu quốc gia với tầm nhìn kinh tế-văn hoá-đối ngoại.
Ở Singapore đã có sự chuyển biến đột phá khi Thủ tướng Lý Quang Diệu thúc đẩy quốc đảo theo tầm nhìn hội nhập, khai thác vị trí địa lý chiến lược trong chuỗi sản xuất – cung ứng toàn cầu, và xây dựng lực lượng lao động chất lượng hàng đầu. Trung Quốc thì đang thực thi tầm nhìn rất dài hạn cho "giấc mơ Trung Hoa" phục hưng, thịnh vượng khi tập trung vào cải cách bộ máy, chống tham nhũng tạo lòng tin cho nhân dân, đầu tư vào những ngành mũi nhọn của tương lai.
Tiếp đến là mô hình khác biệt và đúng thời điểm. Cách này tạo ra lợi thế cạnh tranh. Ví dụ như Nhật Bản và Hàn Quốc theo đuổi mục tiêu cung cấp cho thế giới sản phẩm hàng hoá chất lượng cao (điện tử, công nghệ thông tin, đồ gia dụng…), vào thời điểm cả thế giới còn chưa có nhiều gam hàng này. Trung Quốc bắt đầu bằng việc theo đuổi chính sách "công xưởng của thế giới"" khi nhu cầu mua sắm và đầu tư của thế giới gia tăng để thu hút doanh nghiệp nước ngoài, thúc đẩy sản xuất quy mô lớn, tận dụng lao động rẻ, nguồn tài nguyên dồi dào, và từ đó tạo ra năng lực cạnh tranh.
Bài học kinh nghiệm có ý nghĩa tiên quyết nhất đối với tôi, chính là xây dựng và phát triển nguồn lực con người, tri thức bậc cao. Điều này đúng không phải chỉ vì "nhân tài là nguyên khí quốc gia", mà còn là chủ thể và mục tiêu của mọi tiến trình phát triển. Các quốc gia "hoá hổ" kể trên đều coi trọng phát triển, thu hút, và sử dụng người lao động kỹ năng cao, nhân tài trong các chương trình chiến lược.
Tại sao việc xây dựng phát triển nguồn lực con người, tri thức bậc cao lại có ý nghĩa nhất với ông?
Năm 2019, AVSE Global có thực hiện một nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế trong thu hút nhân tài, bao gồm cả ba quốc gia nổi bật ở Châu Á (Hàn Quốc, Singapore, và Trung Quốc). Kết quả rất thú vị.
Singapore, hiện đứng thứ hai trên thế giới về chỉ số thu hút tài năng toàn cầu, đã thực hiện từ rất lâu chính sách Singapore là "ngôi nhà của nhân tài", cho phép người tài nhập cư, người nổi tiếng, doanh nhân, nghệ sĩ lớn, chính khách lớn, tạo điều kiện cho gia đình của người tài hòa nhập và hội nhập.
Còn Trung Quốc, họ thành công trong thu hút một lực lượng lớn các nhân tài của họ ở nước ngoài đóng góp phần rất lớn vào thành tựu và sự phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo (AI), thương mại điện tử, tài chính, xây dựng, giao thông công cộng, y tế, hàng không vũ trụ, tự động hoá, năng lượng tái tạo. Với các chính sách thu hút, đãi ngộ hiệu quả và nền kinh tế phát triển nhanh, du học sinh của Trung Quốc trở về nước làm việc tăng gấp đôi trong giai đoạn 2011-2016.
Thực tế, thách thức phát triển bây giờ ngày một lớn hơn. Rất khó để tạo ra sự khác biệt vì các yếu tố tiền vốn, tài nguyên đã tới hạn, trong khi môi trường CMCN 4.0 yêu cầu kỹ năng, đổi mới sáng tạo ở trình độ cao. Do đó, điều tôi muốn nhấn mạnh khi nói đến việc phát triển nguồn lực con người, là sẽ không thể có đổi mới sáng tạo hiệu quả và đột phá, nếu không tập trung vào đào tạo con người, phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản và thu hút nhân tài.
Ông từng nói về việc, để phát triển đất nước, sức mạnh đoàn kết của dân tộc là yếu tố khởi nguồn. Điều này có liên hệ gì với kinh nghiệm hoá hổ của các nước châu Á ông nhắc đến ở trên không?
Tôi luôn tư duy rằng, làm việc lớn cần có sự đoàn kết, tinh thần tập thể, trí tuệ tập thể và cống hiến tập thể rất cao. Đặc biệt là khi nguồn lực không nhiều.
Có lẽ, trước hết là do tôi có hứng thú với lịch sử từ khi còn nhỏ. Tất cả những trang lịch sử hào hùng đã chứng minh, mỗi khi rơi vào tình thế khó khăn, thậm chí ngay cả các quốc gia hùng mạnh cũng không thể vượt qua, thì Việt Nam đều chiến thắng nhờ sức mạnh đoàn kết dân tộc.
Ví dụ như Trung Quốc, lớn mạnh là thế, nhưng khi Nguyên Mông tấn công, họ thất bại nhanh chóng và trở thành thuộc địa gần trăm năm. Trong khi với Việt Nam, ba lần Nguyên Mông tấn công thì cả ba lần họ đều thua. Họ thua trước tinh thần của Hội nghị Diên Hồng, của sự đồng thuận quốc gia, sự gắn kết quân dân của chúng ta.
Thứ hai, bản thân tôi, trong công việc cũng thấy rất rõ rằng, khi đoàn kết, khi có cộng sự xung quanh cùng chia sẻ ý kiến, có sự đóng góp của trí tuệ tập thể cho lựa chọn những giải pháp chung thì khả năng thành công là rất cao. Gặp bất kỳ khó khăn nào cũng không nản chí vì luôn có những người bên cạnh truyền lửa cho mình.
Còn nói sâu hơn, theo tôi, một việc rất quan trọng là tạo ra sự gắn kết và sức hút với chất xám, với nguồn lực lao động chất lượng cao và các mối quan hệ hợp tác cấp cao từ bên ngoài đến với Việt Nam. Việc này cũng hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng hình ảnh một Việt Nam cởi mở, năng động, hiện đại, hội nhập và có trách nhiệm với sự phát triển chung của toàn thế giới.
Là một trí thức đang sống và làm việc ở nước ngoài, ông có suy nghĩ gì về vai trò của những chuyên gia, người Việt Nam có tầm ảnh hưởng trên thế giới trong việc hỗ trợ kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn?
Qua kinh nghiệm xây dựng và phát triển tổ chức AVSE Global, tôi thấy cộng đồng trí thức và chuyên gia người Việt ở nước ngoài rất đông đảo, có trình độ cao, được đào tạo tốt, hội nhập tốt vào cộng đồng nước ngoài và đặc biệt là được bạn bè quốc tế tôn trọng. Điều đáng quý nữa là ai cũng có một tấm lòng hướng về quê hương, luôn đưa ra những đề xuất, ý tưởng sáng tạo với mong muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất cho Việt Nam.
Tôi thấy cần một "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt, gắn kết trí thức, chuyên gia lại với nhau, có định hướng, và bền chặt hơn. "Sợi chỉ" chung đó, có thể là lịch sử hào hùng của dân tộc, tạo cho mọi người niềm tự hào khi là người Việt, hay ước muốn cho đất nước vươn thật xa, thật nhanh, thì sức mạnh đoàn kết của dân tộc sẽ được thể hiện rõ ngay. Điều đó sẽ tạo sức mạnh cộng hưởng tập thể của các kiến thức đa ngành, bổ trợ, đan xen với nhau, và lan tỏa lớn hơn rất nhiều so với từng cá nhân riêng lẻ cộng lại.
Con tàu phát triển của thế giới đã đi rất nhanh, trong khi con tàu của Việt Nam thì mới chỉ vào đường ray, hai tốc độ là rất khác. Làm thế nào để con tàu Việt Nam bứt phá, bắt kịp với tốc độ của thế giới? Nếu như không có sự gắn kết tập thể, không có sự chia sẻ, động viên và tiếp lửa thường xuyên thì chúng ta có thể rất nhanh nản chí, cũng như thiếu hụt kiến thức để hỗ trợ đất nước hiệu quả hơn.
Trong vai trò Chủ tịch AVSE Global – Tổ chức có đóng góp lớn vào việc kết nối trí thức Việt Nam trên toàn cầu, ông thấy mình đã làm được điều gì khiến bản thân tự hào nhất?
Những thành công mà AVSE Global đạt được đều là thành công chung của Tổ chức, từ các anh chị em thành viên có mặt trên hơn 20 quốc gia khác nhau, thường xuyên làm việc với các chương trình, dự án gắn bó rất mật thiết với Việt Nam. Trong đó, chúng tôi tự hào đã tạo dựng và phát triển được một mạng lưới rộng lớn các chuyên gia, trí thức người Việt rất nhiệt huyết, sáng tạo, có tinh thần cống hiến tập thể và một lòng vì sự phát triển của đất nước. Điều này phát huy rất rõ nét truyền thống của những trí thức người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là cộng đồng chuyên gia, nhà khoa học ở Pháp.
Ngay từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt ở đây, Bác cũng đã gắn kết rất nhiều trí thức hàng đầu. Ngay cả trong chiến tranh, hay thời điểm điều kiện làm việc ở Việt Nam rất thiếu thốn, họ vẫn sẵn sàng đóng góp hết khả năng của mình cho đất nước. Đó là truyền thống quý báu.
Tiếp đến, cũng đặc biệt quan trọng, là các chuyên gia và trí thức trong tổ chức đã cùng nhau tìm ra cách làm việc tốt, hiệu quả với rất nhiều đối tác trong nước, chia sẻ được tầm nhìn, cách thức và chiến lược hành động. Điều này rất quan trọng vì nếu tiếng nói chung không có thì rất khó có thể đồng hành và hợp tác.
Ông từng nói nhất định sẽ đưa AVSE Global thành một nơi kết nối tri thức bậc cao xứng tầm quốc tế. Điều này đang được thực hiện ra sao?
Không chỉ AVSE Global mà nhiều tổ chức khác cũng mong muốn kết nối tri thức bậc cao, làm nền tảng cho sự phát triển vượt bậc của Việt Nam. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã làm tốt vấn đề này. Như tôi nhắc đến ở trên, Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản trong thời kỳ xây dựng phát triển đất nước, bắt đầu mong muốn đất nước phải có vị thế lớn hơn trên trường quốc tế, kể cả về mặt kinh tế, xã hội và chính trường thế giới, họ đều nhận thức được rằng phải thu hút được giới chuyên gia trí thức bậc cao cả trong và ngoài nước.
Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng nền tảng đổi mới sáng tạo V-Space và nền tảng chuyên gia trí thức V-Expert, giúp các chuyên gia có thể cộng tác với trong nước một cách dễ dàng, tạo ra sự gắn kết cộng đồng thông qua các chương trình, dự án. Chúng tôi cũng có những chương trình kết nối lớn như Một Việt Nam toàn cầu (One Global Vietnam), Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng (Vietnam Global Leaders Forum), hay các chương trình hội thảo, diễn đàn chính sách quốc tế để hội tụ nguồn lực tri thức cho cả những bài toán cụ thể như tham vấn tư vấn phát triển, hay triển khai các dự án môi trường, xã hội.
Trên phương diện cá nhân, được biết, tần suất về Việt Nam làm việc của ông khá cao. Đó có phải để làm một cầu nối hiệu quả?
Trước khi Covid-19 xảy ra, thường xuyên làm việc ở Việt Nam cũng là một trong số những mục tiêu mà tôi đặt ra, gần như mỗi tháng tôi đều về Việt Nam.
Đợt cao trào dịch, tôi cũng vẫn cố gắng về, để thực sự được hiểu rõ Việt Nam đang cần gì, từ đó mới có thể cùng với các cộng sự, anh chị em ở Việt Nam và quốc tế thúc đẩy hỗ trợ từ bên ngoài một cách chính xác và cụ thể hơn. Đó là kỷ niệm quý giá.
Trong mọi dự án hợp tác, tôi cũng muốn thường xuyên gặp gỡ với cơ quan tổ chức trong nước, để có sự trao đổi, chia sẻ dễ dàng hơn. AVSE Global mong muốn chuyển kiến thức hàn lâm thành ngôn ngữ chính sách, ngôn ngữ về quản lý điều hành, ngôn ngữ hữu dụng cho xã hội. Kiến thức là rất cần nhưng nếu không có sự trải nghiệm thực tiễn thì rất khó để ứng dụng sáng tạo được. Và không hiểu được thực tiễn thì cũng không thể truyền cảm hứng được cho cộng sự của mình.
Mới đây, ông đã có tên trong danh sách các nhà khoa học về kinh tế, tài chính hàng đầu của Research.com. Trước đó ông cũng đã nhiều lần lọt top các danh sách khác trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế. Ý nghĩa của những thành tích cá nhân này với ông là gì?
Với tôi thì ý nghĩa cá nhân của các xếp hạng đó không nhiều, không làm thay đổi cuộc sống, cách nhìn nhận, phương pháp làm việc, hay thái độ trong công việc của tôi. Có chăng, đó là một đánh giá định lượng, để dựa vào đó tôi có thể xác định mục tiêu mới, tạo cho mình tiền đề để hoàn thiện thêm và động lực để mình cùng với các cộng sự, đồng nghiệp xây dựng nền tảng tốt hơn.
Còn nếu nói về ý nghĩa với cộng đồng trí thức, khoa học, chuyên gia, thì cũng có thể việc được ghi nhận sẽ tạo ra niềm vui, góp phần vào sự vươn lên của cộng đồng khoa học Việt Nam trong và ngoài nước. Đồng thời giúp mạng lưới của chúng tôi có thể kết nối dễ dàng hơn với những chuyên gia, trí thức bậc cao của thế giới.
Tôi sẽ tiếp tục cập nhật kiến thức đa dạng về kinh tế, kết hợp với địa chính trị, và xã hội để tham gia đề xuất chiến lược, chính sách kinh tế phù hợp, tìm cách huy động nguồn lực kinh tế và biến các ý tưởng thành hiện thực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Và điều không thể thiếu, đó là tôi sẽ tiếp tục kết nối sức mạnh trí tuệ tập thể, trên nền tảng con người - tri thức - công nghệ
Từ đó, tôi mong muốn Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách phát triển, về phát triển kinh tế xã hội với các nền kinh tế tiên tiến hàng đầu thế giới, bứt phá với định danh riêng của mình. Chân trời mới của nước ta chính là sự vươn lên ấn tượng của "hổ" Việt Nam, có vị thế toàn cầu, đem lại hạnh phúc cho mọi người con đất Việt.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Bài: Thái Trang Ảnh: Ben Media Thiết kế: Hải An