Câu chuyện “giảm thiểu rủi ro” của Đức và EU đối với Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
28/03/2024 03:09:26

Sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc chủ yếu là vấn đề của Đức, không phải vấn đề của châu Âu.


Bất chấp cách tiếp cận “giảm thiểu rủi ro” (de-risking) mà Đức và khối EU rộng lớn hơn đang theo đuổi, mối quan hệ làm ăn giữa Trung Quốc và nền kinh tế đầu tàu châu Âu vẫn “rất kiên cường”.


Đó là bình luận mà Đại sứ Trung Quốc tại Đức Wu Ken đã đưa ra trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) công bố hôm 26/3.


“Trong năm qua, các công ty Đức đã tích cực đón nhận thị trường Trung Quốc và thực hiện các bước thiết thực, giống như là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho thị trường Trung Quốc, và điều đó nêu bật khả năng phục hồi mạnh mẽ của quan hệ kinh tế và thương mại Trung-Đức”, ông Wu cho biết.


“Giảm thiểu rủi ro”


Từ năm ngoái, EU đã đề ra chiến lược “giảm thiểu rủi ro” trong mối quan hệ với Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc quá mức về kinh tế của khối 27 quốc gia vào Bắc Kinh. EU hiện thâm hụt gần 300 tỷ Euro (325 tỷ USD) với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai của khối.


Cùng với EU, hồi năm ngoái Đức cũng đã công bố chiến lược đầu tiên về Trung Quốc, kêu gọi các công ty của mình “giảm thiểu rủi ro” từ Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của nước này.


Nhưng nhiều doanh nghiệp Đức dường như thờ ơ với chiến lược này và tiếp tục đầu tư mạnh vào Trung Quốc. Ví dụ, năm ngoái, hãng xe hơi danh tiếng Volkswagen và gã khổng lồ điện tử Bosch, mỗi bên đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào thị trường xe điện Trung Quốc, và Siemens đã chi 140 triệu Euro (151 triệu USD) để mở rộng nhà máy sản xuất công nghệ cao tại quốc gia tỷ dân.


Đầu tư trực tiếp của Đức vào Trung Quốc đã tăng 4,3% lên mức cao kỷ lục 11,9 tỷ Euro vào năm ngoái, Reuters dẫn một báo cáo của Viện Kinh tế Đức (IW), một viện nghiên cứu kinh tế tư nhân có trụ sở tại Cologne, cho biết.

Đại sứ Trung Quốc tại Đức Wu Ken.


Theo Đại sứ Wu, gần đây cả Berlin và Brussels đều có “sự hiểu biết đúng đắn ngày càng tăng về Trung Quốc” khi ngày càng nhiều người bắt đầu suy ngẫm về “những rủi ro do việc giảm thiểu rủi ro mang lại”.


“Nhiều doanh nhân nói với tôi rằng họ không đồng ý với cái gọi là giảm rủi ro với Trung Quốc”, ông nói với tờ SCMP. “Họ luôn lạc quan về thị trường Trung Quốc và triển vọng hợp tác với Trung Quốc. Họ thẳng thắn thừa nhận rằng sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội hơn là thách thức – việc từ bỏ thị trường Trung Quốc chẳng khác nào nói lời tạm biệt với các cơ hội và sự tăng trưởng”.


Một cuộc khảo sát niềm tin kinh doanh do Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc công bố vào tháng 1 cho thấy 91% trong số 566 công ty Đức dự định tiếp tục kinh doanh tại Trung Quốc, và hơn một nửa dự định tăng đầu tư vào Trung Quốc. Khoảng 64% tin rằng tình trạng hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc chỉ là tạm thời và nền kinh tế số 2 thế giới có thể phục hồi sau 1-3 năm.


Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến của Trung Quốc, các quy định thắt chặt về đầu tư nước ngoài và căng thẳng gia tăng với Mỹ đang khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy khỏi Trung Quốc. Trong khi hầu hết các công ty Đức vẫn đang tái đầu tư lợi nhuận vào Trung Quốc, họ lại ngần ngại rót vốn mới, đồng thời đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các nước châu Á khác để “giảm thiểu rủi ro”.


“Nói dễ hơn làm”


Sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc chủ yếu là vấn đề của Đức, không phải vấn đề của châu Âu, tờ Foreign Policy nhận xét. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Đức sang Trung Quốc chiếm hơn 3% GDP của Đức – tỉ lệ cao nhất trong EU và cao hơn gấp đôi so với mức được ghi nhận ở Pháp, Italy và Tây Ban Nha.


Các công ty Đức cũng có sự hiện diện rất lớn ở Trung Quốc, nơi doanh thu hàng năm của họ chiếm tới 6% GDP của Đức, gấp đôi mức trung bình của 6 nền kinh tế lớn nhất châu Âu.


Đáng chú ý, ngành công nghiệp ô tô và hóa chất của Đức đặc biệt phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này mang lại cho Bắc Kinh đòn bẩy để trả đũa các kế hoạch giảm rủi ro của EU, chẳng hạn như thông qua tẩy chay các công ty Đức.


Mức độ phụ thuộc khác nhau vào Trung Quốc giúp giải thích tại sao quan điểm về Trung Quốc lại rất rời rạc trên khắp châu Âu. Một mặt, Berlin và Paris không ác cảm với mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.


Mặt khác, hầu hết các nước Đông Âu từ lâu đã có quan điểm “diều hâu” với Trung Quốc, và phản ứng của Bắc Kinh với chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine chỉ khiến lập trường của họ cứng rắn hơn.


Sự phân mảnh của EU không phải là mới; hầu như không có chủ đề nào đoàn kết người châu Âu. Tuy nhiên, nếu không có sự đồng thuận về Trung Quốc, bất kỳ sự khởi đầu nào trong việc “giảm thiểu rủi ro” sẽ khó khăn, giống như “nói dễ hơn làm”.

Xe điện BMW i3 được nhìn thấy trên dây chuyền lắp ráp tại nhà máy BMW ở Thẩm Dương, Trung Quốc, tháng 6/2022. Ảnh: Getty Images


Xung đột Nga -Ukraine đã phủ bóng đen lên mối quan hệ của Trung Quốc với các nước EU, khiến Brussels hoài nghi về lập trường trung lập và các nỗ lực hòa bình của Bắc Kinh vì mối quan hệ chặt chẽ của nước này với Moscow.


Đặc phái viên của Bắc Kinh về các vấn đề Á-Âu, Li Hui (Lý Huy), đã kết thúc chuyến công du hòa bình lần thứ 2 trong tháng này. Ông đã gặp các quan chức từ một số nước châu Âu, bao gồm cả Đức, trong một nỗ lực rõ ràng nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine.


Không tiết lộ chi tiết, nhưng Đại sứ Wu nói với SCMP rằng Trung Quốc và Đức đã tìm thấy nhiều sự đồng thuận về cuộc khủng hoảng, các bước tiếp theo có thể thực hiện và triển vọng đàm phán hòa bình.


Trong chuyến đi của mình, ông Lý được cho là đang thúc đẩy sự tham gia của Nga vào Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình Ukraine sắp tới ở Thụy Sĩ. Cả Nga và Ukraine trước đó đều bác bỏ khả năng Moscow tham gia Hội nghị Thượng đỉnh.


Ông Wu nói: “Trung Quốc ủng hộ việc triệu tập kịp thời một hội nghị hòa bình quốc tế được cả Nga và Ukraine công nhận, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và thảo luận công bằng về tất cả các kế hoạch hòa bình, đồng thời sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine” .


Minh Đức (Theo SCMP, Foreign Policy)

Chia sẻ Facebook