Câu chuyện cuộc đời: Chai rượu trắng

Chia sẻ Facebook
26/08/2023 11:22:02

Hồi những năm 1960 ở miền Bắc thực hiện hợp tác xã triệt để nên ở vùng nông thôn cái gì cũng thiếu thốn, khó kiếm, khó mua. Bữa cơm gia đình hầu như chỉ trông vào những thứ tự trồng ra từ mảnh vườn quanh nhà hoặc trên miếng đất gọi là 5%.

Cảnh lao động tập thể tại miền Bắc Việt Nam, năm 1969. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Chợ quê vẫn họp, nhưng lèo tèo dăm thứ vặt vãnh. Hạt muối ăn thường ngày cũng phải xếp hàng mỗi khi hợp tác xã mua bán có đợt muối về mới bán chút ít cho xã viên. Vì vậy, nhà nào cũng phải trữ một vại muối trong bếp. Tương, cà là những thứ không thể thiếu được trong mỗi nhà, trên mỗi bữa cơm thường nhật dù cuộc sống lao động trên ruộng đồng thật là vất vả. Những dịp nhà có công việc như giỗ, chạp,… là cả một vấn đề đối với gia chủ.

Một bữa, nhà tôi có đám giỗ nhưng trái với mọi khi, không khí trong nhà trước và sau ngày giỗ cứ nặng nề một cách khó hiểu. Bà ngoại thì không nói gì, còn mẹ tôi trốn biệt ở nhà ngoài, đến bữa ăn cũng chẳng thấy về.

Sau một thời gian khá dài, để ý tìm hiểu tôi mới biết ra cơ sự.

Nguyên do là để lo cho đám giỗ, cách ngày giỗ khá lâu, bà ngoại chả biết do ai mách mới kiếm được chai rượu trắng về dành cho đám giỗ đó. Nhưng do cái gì cũng cấm, nhất là rượu, nếu ai cũng biết rồi đến tai lãnh đạo hợp tác xã, chính quyền có khi gay go to (Làng tôi cũng có người do tham gia buôn bán nên bị bắt đi tù rồi!). Vì vậy, bà ngoại giấu cái chai rượu đó vào khe chạn bát (khi đó còn gọi là cái gác-măng-giê) nơi xó bếp mà không nói cho ai biết.

Cũng cần nói thêm là hồi đó, cái sự thiếu thốn cũng ghê gớm lắm. Đến cái chai thủy tinh đựng rượu cũng rất hiếm! Nó hiếm đến nỗi, khi đi ăn cỗ ở đâu đó, mỗi người cắp một chai rượu đến nhưng khi về nhất định phải đợi lấy bằng được cái chai đựng rượu đã đem đến! Mấy lần tôi có hỏi, sao rượu còn mang đến được mà lại tiếc cái chai thì mẹ tôi nói: kiếm được cái chai nửa lít giờ khó lắm?! Ôi, tình làng nghĩa xóm mà trong cái thời buổi cái chai rỗng cũng khó khăn thì thật là thảm!

Gần đến ngày giỗ, mẹ tôi chắc cũng lo phải có chút rượu mời hàng xóm, trước là hương khói cho các cụ, sau là có chút gì trong mâm cỗ với hàng xóm (tục lệ vùng nông thôn xưa dù nghèo khó đến đâu thì đám giỗ cũng vẫn phải có chút đưa cay) mà không kiếm được cái chai thủy tinh đi mua giấu chút rượu đó nên khi thấy cái chai đựng đầy nước (rượu) trong xó chạn nhem nhuốc kia, đã đổ hết để lấy chai không đi kiếm rượu?! Tất nhiên, rượu kiếm về cũng lại giấu đâu đó để không ai biết. Khi bà ngoại không thấy cái chai ở xó chạn đâu thì mẹ tôi tình đầu thuật lại. Thế là hai mẹ con giận nhau, khiến cho không khí trong nhà nặng nề mất một thời gian dài!


Sau này lớn lên đọc những chuyện như “Quà tặng đêm Noel” , “Miếng bit tết” ,… mới thấy câu chuyện cái chai rượu trắng nhà tôi còn trớ trêu hơn cả những gì thế giới đã viết!

Ôi, một thời khốn khó, thật khó quên!


Dzung Nguyễn
Đăng dưới sự cho phép của tác giả


Đăng lại từ Fanpage Làng Việt xưa & nay
Mời độc giả ghé thăm

Câu chuyện cuộc đời: Nợ người dễ trả hơn nợ chính mình


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook