Câu cá dưới đường điện cao thế - Thú vui "nguy hiểm"
Trong 5 năm trở lại đây, số bệnh nhân nhập viện do bỏng điện cao thế khi đi câu cá có xu hướng tăng lên.
Theo thông tin chia sẻ của bác sĩ Trần Quang Phú, Khoa Điều trị bỏng Người lớn, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, về hoàn cảnh bị bỏng, các hồ câu thường ở nơi có không gian rộng và gần các đường điện cao thế. Việc sử dụng các loại cần kim loại có chiều dài trên 5m làm tăng nguy cơ bị phóng điện từ đường điện xuống cần câu.
Trên khía cạnh tổn thương bỏng, bỏng điện do câu cá mang đầy đủ các đặc điểm tổn thương do dòng điện cao thế gây ra. Về cơ chế, khi dòng điện chạy qua cơ thể, cơ thể sẽ trở thành một "điện trở". Các phần cơ thể có chỉ số trở kháng cao như cổ tay, cổ chân, xương sọ… sẽ bị nóng lên với nhiệt lượng rất cao. Từ đó, có thể gây ra bỏng toàn bộ da, tổ chức dưới da, mạch máu thần kinh và cơ xương khớp. Đôi khi mức độ tổn thương cơ và gân xương không tương ứng với tổn thương trên bề mặt da. Tổn thương thường xảy ra ở tay phải (tay thuận cầm cần câu) với nguy cơ cắt cụt chi thể cao.
Ngoài ra, một đặc trưng tổn thương phải kể đến là điểm tiếp xúc của đuôi cần câu với cơ thể (thông thường ở ngực hoặc bụng). Dạng thương tổn này có thể dẫn đến hậu quả là khuyết hổng thành bụng, thoát vị các tạng trong ổ bụng.
Bác sĩ Trần Quang Phú cho biết: Quá trình điều trị vết thương bỏng do dòng điện cao thế thường gặp nhiều khó khăn. Các biến chứng nặng như nhiễm khuẩn huyết, suy thận cấp cũng thường xuyên gặp trên các bệnh nhân bỏng diện rộng. Bệnh nhân phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật lớn nhỏ như cắt cụt chi thể, cắt lọc hoại tử, và ghép da tự thân. Đôi khi phải sử dụng các kỹ thuật phức tạp như phẫu thuật chuyển vạt vi phẫu, chuyển vạt có cuống mạch nuôi, hay hút áp lực âm để che phủ xương khớp và mạch máu thần kinh.
Theo bác sĩ Phú, thời gian điều trị cho bệnh nhân bỏng điện cao thế kéo dài từ 1 đến 3 tháng, gây tốn kém về kinh tế cho gia đình và xã hội. Các chi phí trực tiếp bao gồm: xét nghiệm, giường bệnh, thuốc men, thay băng, phẫu thuật, và dinh dưỡng cho bệnh nhân và người chăm sóc. Các chi phí gián tiếp như người chăm sóc, sinh hoạt phí và đi lại. Sau thời gian điều trị vết thương, bệnh nhân cần phải trải qua quá trình phục hồi chức năng với cường độ cao để có thể tái hòa nhập với cuộc sống thường ngày.
Dòng điện cao thế là một tác nhân nguy hiểm trong các vụ tai nạn sinh hoạt trong giai đoạn hiện nay, thường để lại nhiều hậu quả nặng nề cho nạn nhân. Mặc dù các ban ngành chức năng đã có những cảnh báo về vấn đề hành lang an toàn của đường điện cao thế, tuy nhiên điều đó gần như là chưa đủ. Nhiều người vẫn chưa ý thức được việc thú vui câu cá có mức độ nguy hiểm tới đâu.
Vì vậy, với thú vui câu cá này, mỗi người cần phải luôn để ý vấn đề an toàn trong khi câu, như tránh xa đường điện hoặc kèm theo các phương tiện bảo hộ. Mặt khác, cũng cần có các cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng khác nhau để hạn chế các tai nạn do điện cao thế gây ra nói chung và việc câu cá dưới đường điện cao thế nói riêng.