Cậu bé theo ba xin ăn đã chạm ước mơ ĐH, hứa sẽ trả ơn cuộc đời

Chia sẻ Facebook
10/11/2022 15:40:59

Lớn lên trong trung tâm bảo trợ xã hội, chứng kiến những mảnh đời thiếu thốn như mình nên chàng trai Hà Dữ Danh luôn tự nhủ sẽ cố gắng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Bước vào đại học, mỗi người có một mục tiêu và dự định khác nhau. Có người phấn đấu vì tương lai của chính mình, nhưng cũng có người muốn bước tiếp để trả ơn cuộc đời. Giống như chàng tân sinh viên trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng tên Hà Dữ Danh, năm nay 19 tuổi.

Chàng nam sinh Hà Dữ Danh đã đỗ vào trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: FB Đại học Đà Nẵng/Tuổi Trẻ)

Báo Tuổi Trẻ đăng tải, Danh đã phải trải qua một tuổi thơ cơ cực, nhưng đó lại là thử thách để rèn luyện nên một chàng trai rắn rỏi như ngày hôm nay.

Ba của Danh vốn rất nghèo, ông nên duyên với mẹ của Danh là một người có nhận thức không tỉnh táo. Trong căn nhà tình thương nhỏ bé giữa thành phố Huế, hai anh em Danh lần lượt ra đời. Những ngày ấy, mẹ của Danh cứ thế cõng 2 đứa con đỏ hỏn trên lưng nhặt nhạnh đồ khắp chợ Tây Lộc, chợ An Hòa (TP.Huế).

Dữ Danh (ngoài cùng bên phải) đã trưởng thành sau nhiều vất vả. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Năm Danh 4 tuổi, ba bất ngờ đổ bệnh, không thể làm việc nên đành dắt các con đi xin ăn. Bất kể là ngày đông giá buốt hay trưa hè nóng nắng, 3 ba con Danh đều lang thang khắp con đường, ngõ hẻm, mệt đâu nghỉ đó, nếm trải cảnh màn trời chiếu đất.

Chợ Tây Lộc là nơi Danh từng cùng mẹ và anh trai lang bạt. (Ảnh: Du lịch Huế)

Cũng từ đây, trong ký ức của cậu bé đã in hằn những ám ảnh về sự thiếu thốn và cả những cái nhìn thiếu thiện cảm từ người đời. Năm Danh lên 5 tuổi, ba cậu ra đi, hai anh em chẳng còn nơi nào nương tựa nên được đón vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em Xuân Phú, chấm dứt chuỗi ngày lang thang xin ăn.

Sống trong vòng tay thương yêu của các thầy cô tại trung tâm, Danh luôn cố gắng học hành, nghe lời người lớn. Sau này, mẹ của Danh cũng được một trung tâm bảo trợ xã hội nhận nên cứ cuối tuần Danh lại cùng anh trai đến thăm mẹ, trò chuyện.

Những khó khăn, vất vả đã tôi luyện lên một chàng trai rắn rỏi. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Ngày biết mình đỗ vào ngành kỹ thuật xây dựng dân dụng và công nghiệp của Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Danh vội vàng đến báo với mẹ đầu tiên. Thế nhưng trong tâm trí của người mẹ, chuyện đỗ đại học là cái gì đó quá khó hiểu và xa vời. Chàng trai trẻ nhẹ nhàng giải thích với mẹ rằng đó sẽ nơi mình bắt đầu thực hiện ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn.


Danh hứa với mẹ sau khi ra trường sẽ kiếm việc làm để lo cho mẹ, cho anh trai và những đứa trẻ có hoàn cảnh giống như mình. Đáp lại, mẹ Danh trìu mến dặn dò: "Ráng học nghe con, để sau ni (sau này) đón mẹ về, nuôi mẹ."

Cố nén nỗi lo, Danh nhờ anh trai thay mình chăm sóc cho mẹ, thường xuyên đưa bà đi khám chữa bởi ngoài bệnh về tâm thần, bà còn nhiều bệnh khác. Mang theo lời động viên của mẹ, cùng với sự giúp đỡ của trung tâm bảo trợ, nhà trường, các mạnh thường quân và quỹ học bổng, hiện nay chàng tân sinh viên đã ổn định cuộc sống mới.

Danh đang cố gắng để đạt được ước mơ về một tương lai tươi sáng. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Danh còn đăng ký trở thành thành viên của đội tình nguyện vì muốn có cơ hội chia sẻ giúp đỡ những mảnh đời khó khăn và trau dồi bản thân mình.

Nhắc đến nơi đã nuôi dạy mình trong suốt 12 năm vừa qua, chàng trai bày tỏ sự biết ơn và hy vọng có thể góp chút sức lực nhỏ bé đem lại những điều nhân văn cho xã hội.

Giống như Hà Dữ Danh, em Hồ Thị Phương Nha (sinh năm 2004, trú tại Đội 4, thôn Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) cũng có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, mẹ không tỉnh táo. Nhưng bằng nghị lực phi thường, em đã được 2 trường đại học tuyển thẳng.

Phương Nga chính là một trong những tấm gương vượt khó tiêu biểu. (Ảnh: Vietnamnet)

Vietnamnet viết, ba của Nha là ông Hồ Dần (sinh năm 1968) bị khiếm thị và mất 82% sức lao động. Mọi gánh nặng đều đổ dồn lên vai vợ là bà Phạm Thị Thu (sinh năm 1972). Dù cũng mất sức lao động 81% và tinh thần không ổn định nhưng bà vẫn phải cố gắng làm việc, ai thuê gì làm nấy để nuôi 3 chị em Nha.


Sau này, sức khỏe sa sút, không thể đi làm thuê nên bà đành đi nhặt ve chai, lo 5 miệng ăn trong nhà. "Bệnh tật cứ đeo bám cả 2 vợ chồng nên 3 đứa con phải sống trong cảnh thiếu trước hụt sau. Tuy vậy các con tôi học rất tốt. Tôi và vợ luôn lấy việc đó làm tự hào", ông Dần nói trên Vietnamnet.

Vợ chồng ông Dần đều có sức khỏe khá yếu. (Ảnh: Vietnamnet)

Hiểu hoàn cảnh gia đình nên những lúc rảnh rỗi, Nha và 2 em đều giúp mẹ thu lượm, phân loại ve chai, quán xuyến việc gia đình.

Cô nữ sinh chẳng ngại giúp mẹ thu nhặt ve chai. (Ảnh: Vietnamnet)

Vất vả là vậy nhưng Nha học rất giỏi, còn đạt giải Nhì trong kỳ thi môn Ngữ văn cấp tỉnh. Nhờ đó mà 2 được xét tuyển thẳng vào 2 trường đại học tại Đại học. Cuối cùng em lựa chọn theo học ngành Marketing, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng.

Những tấm bằng khen chính là động lực để Nha cố gắng hơn nữa. (Ảnh: Vietnamnet)

Con đường phía trước của Danh và Nha sẽ còn rất dài. Nhưng trên hành trình đó, chắc chắn các em sẽ không cô đơn vì luôn có của cộng đồng bên cạnh. Mong rằng với sự động viên này, các em sẽ sớm hoàn thành mục tiêu của mình.


Cùng cập nhật thêm nhiều thông tin tại YAN nhé!

Học tập không phải con đường duy nhất để thành công, nhưng chắc chắn nó sẽ là con đường ngắn và nhanh nhất để chúng ta vươn tới một tương lai tốt đẹp hơn. Càng tiếp cận với nhiều tri thức thì cơ hội chạm tay đến thành công càng cao. Vì vậy dù có ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo như thế nào đi chăng nữa cũng đừng bỏ cuộc, giống như Danh và Nga. Các em đã chứng minh được một điều rằng, chỉ cần chúng ta nỗ lực thì chắc chắn sẽ gặt hái được "quả ngọt".


Xem thêm tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook