Cậu bé giao báo trở thành CEO
17 năm trôi qua, anh Lê Trương Vĩnh Phú (35 tuổi) vẫn chưa quên khoảnh khắc nhận được suất học bổng Tiếp sức đến trường năm 2005 của báo Tuổi Trẻ.
Từ người "được nhận" cơ hội, anh đã nỗ lực không ngừng và trở thành người "cho đi". Bao năm qua, anh vẫn âm thầm đóng góp vào quỹ học bổng này để nối tiếp những giấc mơ cho đàn em...
Trong đầu tôi chưa bao giờ xuất hiện hai từ bỏ học mà quyết phải học bằng mọi giá. Nếu gia đình quá khó khăn tôi sẽ đi làm thêm nhiều hơn hay tìm đến các nguồn vay xã hội hoặc chương trình học bổng như của Tuổi Trẻ.
_ Lê Trương Vĩnh Phú _
Không quên tháng ngày cha mẹ tảo tần
Hai lần trong buổi trò chuyện, anh Phú nhắc "thời thơ ấu của tôi cũng không quá sóng gió, nó êm đềm và ấm áp lắm". Êm đềm với anh Phú là những ngày học tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa), khi bạn bè còn đang say giấc nồng, anh Phú đã dậy từ 4h30 sáng đi lấy và giao báo. Có những ngày việc nhiều, anh Phú đến trường trễ hoặc có khi hẹn với chúng bạn cùng tắm biển nhưng đến nơi đã chẳng còn ai...
Cha anh Phú ngày sửa xe đạp, tối làm bảo vệ một tòa nhà. Mẹ anh là giáo viên tiểu học. Khi về hưu, ông bà chọn công việc giao báo. "Tôi không bao giờ buồn vì biết những nỗ lực của mình chẳng thấm gì so với sự hy sinh lớn lao của cha mẹ. Ba chị em chúng tôi hiếm khi đóng học phí trễ dù cha mẹ chắc chắn phải rất vất vả để có thể làm được điều đó", anh Phú nhớ lại.
Gần 30 năm trôi qua, anh vẫn rưng rưng cảm xúc mỗi khi nhắc về những tháng ngày khó thể nào quên. Ấy là lần tình cờ cậu bé Phú tỉnh giấc nửa khuya, thấy mẹ kiệt sức nằm gục trên bàn do chấm bài liên tục. Lần khác vào đêm giao thừa, mấy mẹ con đi chùa về ghé ngang tòa nhà cha đang làm bảo vệ để chúc tết nhưng cả nhà phải đứng xa hai bên cánh cổng sắt do công ty sợ người "xông đất" không phù hợp. Anh bảo mình nhớ hoài dù mấy chuyện đấy nhỏ thôi nhưng khắc sâu tình yêu thương dào dạt mà hai đấng sinh thành dành cho mình.
Anh Phú học lớp chuyên lý và học giỏi có tiếng, đậu vào lớp kỹ sư tài năng, khoa công nghệ thông tin (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM). Vui đó nhưng lo cũng đến ngay vì chi phí học hành, ăn ở tại thành thị khiến gia đình trĩu lòng. May mắn nhờ công việc giao báo, anh Phú được một số anh chị giới thiệu biết chương trình học bổng Tiếp sức đến trường . Và anh Phú vỡ òa được chọn!
Ngày đến tòa soạn nhận suất học bổng trị giá 3 triệu đồng (năm 2005), bỡ ngỡ bước vào tòa nhà, cảm nhận của chàng sinh viên tỉnh lẻ là sao mọi thứ tươm tất đến thế! Suất học bổng đó không chỉ giúp cậu tân sinh viên ngày ấy đủ tiền đóng học phí, mà còn thắp trong anh Phú một giấc mơ, tham vọng "đổi đời".
Hoàn thành chương trình đại học với kết quả tốt cùng vốn tiếng Anh "xịn" (7.5/9), anh Phú đã trúng tuyển chương trình thạc sĩ tại ngôi trường hàng đầu của Singapore, xếp hạng 18 thế giới là Đại học Quốc gia Singapore (NUS).
Âm thầm "tiếp sức" cho đàn em
Rời NUS, anh Phú đầu quân vào một tập đoàn công nghệ đa quốc gia tại Singapore có tên Kronex. Khi đặt chân đến đảo quốc sư tử năm 2010, anh nhận ra điều kiện học tập và chất lượng cuộc sống ở đây rất tốt. Nó thôi thúc anh nỗ lực, tiến xa hơn nữa và phải thành công mới có điều kiện quay về làm điều gì đó cho quê hương, cho giới trẻ quê nhà.
"Đó cũng là một trong những lý do chính để tôi thuyết phục ban quản trị công ty thành lập văn phòng tại Việt Nam và về nước năm 2013. Tôi dồn sức để phát triển công ty trong nước thành trung tâm nghiên cứu, phát triển mạnh nhất có thể", anh Phú nói.
Như một sự tiếp nối, cũng từ năm 2013 đến nay, anh âm thầm, đều đặn đóng góp cho học bổng Tiếp sức đến trường mà đến vài năm sau nhiều người mới được biết. Anh kể chính thời tham gia đội công tác xã hội khi học ở Bách khoa, anh có dịp đi đến một số miền quê, vùng sâu vùng xa hay đến các cô nhi viện và biết đến nhiều mảnh đời bất hạnh. Điều đó một lần nữa nhắc anh nhớ bản thân còn rất may mắn hơn nhiều người, nên càng trân quý lại càng phải chia sẻ sự may mắn của mình đến nhiều người hơn nữa.
Hiện là giám đốc của Kronex Việt Nam kiêm tổng quản lý Kronex Group, anh Phú nói cuộc sống của anh đang rất trọn vẹn. "Tôi lập gia đình, có hai con nhỏ. Tôi và vợ quen nhau thông qua những hoạt động cộng đồng ở Bách khoa nên lại thêm lý do để tôi biết mình phải sống vì cộng đồng, phải cho đi. Tôi cũng mong con mình thẩm thấu được điều này", anh Phú cười tươi.
Người mê hoạt động cộng đồng
Bạn học cùng trường đại học với anh Vĩnh Phú - anh Nguyễn Duy Xuân Bách (hiện là CEO Công ty FMB) - nói dù không tiếp xúc nhiều với anh Phú lúc đi học nhưng biết anh ấy là người thân thiện và rất tích cực tham gia hoạt động cộng đồng thời sinh viên. Nói về chuyện học thì chỉ có gọi là xuất sắc.
Anh Xuân Bách chia sẻ có hơi bất ngờ nhưng vô cùng xúc động khi biết nhiều năm qua người bạn của mình vẫn âm thầm đóng góp các suất học bổng cho chương trình Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.
"Được chọn làm đại diện một công ty ở nước ngoài, bạn ấy chắc chắn không chỉ có các tố chất chuyên môn mà còn có khả năng lãnh đạo, tầm nhìn xa. Với tôi, Phú là tấm gương khá vẹn toàn mà tôi nghĩ rằng năng lượng tích cực từ cậu ấy sẽ được lan tỏa đến nhiều bạn trẻ khác", anh Xuân Bách bộc bạch.
Công Nhật
Tuổi trẻ Online