Cậu bé bán vé số từ năm 6 tuổi và hành trình thành thủ khoa “đổi đời”
Dù sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ lại bệnh tật nhưng Trần Văn Quí Em vẫn xuất sắc đỗ “thủ khoa kép” ngành thời trang và trở thành NTK tài ba.
Mỗi người sinh ra trong cuộc đời đều mang một sứ mệnh và gắn bó với hoàn cảnh riêng biệt. Không ít người trưởng thành trong gia đình nghèo khó, cái ăn cái mặc - những yếu tố cơ bản cũng trở thành nỗi trăn trở lớn, do đó, họ phải nỗ lực thật nhiều mới có thể đạt được ước mơ của đời mình.
Đó cũng chính là câu chuyện của chàng trai trẻ Trần Văn Quí Em (Quí Trần). Là con út trong một gia đình thuộc xã khó khăn của tỉnh Đồng Tháp. Quí Trần đã trở thành niềm tự hào của gia đình khi đỗ thủ khoa đầu vào lẫn đầu ra của Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh.
Chân dung NTK trẻ tài ba Trần Văn Quí Em (Quí Trần). (Ảnh: Vietnamnet)
Báo Vietnamnet đưa tin, dù sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha lâm bệnh nặng khi cậu mới lên lớp 3. Mẹ là thợ may gia công tại nhà với một loạt bệnh kinh niên đeo bám. Còn anh hai, do khù khờ nên công việc làm thêm không ổn định. Dù hoàn cảnh khó khăn, Quí Em vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và đạt các thành tích nổi bật khiến ai nấy đều ngưỡng mộ.
Thấm thía với cảnh thiếu thốn, ngay từ hè năm lớp một cậu đã bắt đầu hành trình mưu sinh bằng công việc bán vé số. Thấy sự vất vả mà cha mẹ đang gồng gánh từng ngày. Cậu ý thức rằng phải biết kiếm ra tiền, phải tự nỗ lực vươn lên bằng đôi chân của mình.
Công việc bán vé số được cậu duy trì đến hè năm lớp 9. Khi Quí Em chuẩn bị thi tuyển vào lớp 10, cha của cậu ra đi mãi do những di chứng căn bệnh năm xưa. Dù đau buồn nhưng vì sự kỳ vọng của gia đình và tương lai bản thân, Quí Em vực dậy bước tiếp.
Quí Em nỗ lực thực hiện ước mơ của mình. (Ảnh: Vietnamnet)
Sau khi đỗ vào cấp 3, vì công việc bán vé số ế ẩm, Quí Em xin vào làm cho một xưởng may gần nhà. Sang hè lớp 11, cậu đã có thể nhận đồ về nhà may đo cho khách. Đối với Quí Em, những năm tháng tuổi thơ nhọc nhằn ấy chính là động lực để bản thân không ngừng phát triển và nỗ lực để thoát nghèo. Quí Em tin rằng, chỉ có con đường học vấn mới giúp cậu thoát khỏi cảnh khó khăn, có thể giúp đỡ được gia đình và xã hội tốt hơn.
Quí Em luôn quyết tâm phải học thật giỏi, cậu tận dụng mọi thời gian để học. Sự chăm chỉ chịu khó đã giúp anh chàng luôn đạt kết quả cao trong học tập. 12 năm liền Quí Em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, tham gia đều đặn các cuộc thi năng khiếu vẽ và đạt các giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh. Đó là hành trang để cậu tự tin xác định Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh và chuyên ngành Thời trang là lựa chọn tiên quyết và duy nhất khi bước "vào đời”.
Năm 2016, cậu thi đỗ đúng ngôi trường, ngành học mơ ước. Hơn thế nữa, Quí Em còn đứng đầu danh sách trúng tuyển, nhận danh hiệu thủ khoa đầu vào. Chi phí sinh hoạt và học tập nơi Sài Gòn đắt đỏ, dù vậy mẹ Quí Em vẫn cố gắng nuôi ước mơ cùng con. Nửa năm đầu lên đại học, cậu đã nếm đủ những khó khăn nơi đô thị.
Quí Em xuất sắc đỗ "thủ khoa kép" ngành thời trang. (Ảnh: Vietnamnet)
Mọi chi phí đều do mẹ Quí Em gửi từ quê, thương mẹ vất vả nên suốt những năm đại học cậu đã rất nỗ lực để “săn” học bổng. Cậu luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất các bài tập và đồ án, tham gia trau dồi kĩ năng mềm của tất cả các phong trào nhà trường, đoàn, hội. Anh chàng cũng làm thêm một loạt công việc, từ vẽ tranh tường, vẽ diễn hoạ thời trang đến thiết kế rập, may đồ cho khách… Những điều đó cộng gộp lại giúp Quí Em có cơ hội nhận được nhiều học bổng, thêm chi phí trang trải.
Định hình phong cách từ sớm, chàng sinh viên Quí Em - và sau này là nhà thiết kế (NTK) trẻ Quí Trần - liên tục tham gia các cuộc thi để khẳng định tên tuổi. Năm 2020, Quí Trần “gặt” được một danh hiệu nữa là thủ khoa đầu ra của trường. Ngay khi ra trường bắt tay luôn vào xây dựng thương hiệu cá nhân. Đồng thời, Quí Trần cũng nhận thêm nhiều dự án làm trang phục cho nghệ sĩ, khách hàng…
Hình ảnh trong BST của NTK Quí Trần. (Ảnh: Vietnamnet)
Những thiết kế của Quí Trần luôn hướng đến giá trị tinh thần đúc kết được trong quá trình trưởng thành và trải nghiệm riêng. Cậu luôn nỗ lực sáng tạo, tìm hiểu thị trường, xu hướng để thương hiệu có chất riêng nhưng đảm bảo được tính mới mẻ.
Cũng ở trong một gia đình vô cùng khó khăn, điều kiện kinh tế không có, cô nữ sinh nghèo Trịnh Thị Thanh Huyền (19 tuổi, quê Hà Nam) đã từng phải tạm dừng ước mơ đến trường và đi làm công nhân may. Báo Tuổi Trẻ viết, Huyền cố gắng ngày đi làm, tối về học thêm để không quên kiến thức.
Em Trịnh Thị Thanh Huyền từng phải nghỉ học đại học giữa chừng. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Em đã từng đêm nào cũng về khóc với mẹ, xin để được đi học nhưng gia đình thực sự quá khó khăn. Huyền biết, chỉ có thể nỗ lực bằng chính khả năng của mình vì vậy tiền lương mỗi tháng Huyền sẽ cố gắng đưa mẹ 2 triệu, số còn lại em giữ lại để làm học phí sau này.
Công nhân may là một nghề rất vất vả. (Ảnh minh hoạ: Đầu tư)
Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, em đã trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng. Với số điểm 28,05 khối A00 chưa tính điểm cộng, em trở thành thủ khoa đầu vào của ngành Kế toán.
Huyền vừa đi làm công nhân may vừa học buổi tối ở nhà. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Trường Học viện Ngân hàng là nơi đào tạo nhiều sinh viên xuất sắc. (Ảnh minh hoạ: Học viện Ngân hàng)
Từng bước vượt lên hoàn cảnh khó khăn, Quí Em và Thanh Huyền chính là tấm gương lớn cho những bạn trẻ về thái độ sống tích cực và sự nỗ lực bền bỉ. Ngoài ra, họ còn là hình mẫu cho sự sáng tạo và giàu khát vọng sống của một thế hệ trẻ tài năng.
Cùng cập nhật những tin tức hấp dẫn tại YAN !
Có thể thấy, với những xuất phát điểm kém may mắn, có không ít người than thân trách phận; nhưng cũng không ít người chọn cách vươn lên để có một cuộc vươn giả, một tương lai tươi sáng hơn. Như câu chuyện của chàng trai trẻ Quí Em là một ví dụ, chàng trai ấy đã đem hoàn cảnh làm động lực để phát triển và không ngừng nỗ lực. Có thế mới thấy, hoàn cảnh hoàn toàn mang yếu tố quyết định tương lai của mỗi người, mà điều quan trọng cốt lõi chính là ý chí và sự kiên định của người sống trong hoàn cảnh ấy.
Cùng tìm hiểu những câu chuyện thú vị khác TẠI ĐÂY