Cậu bé 4 tháng tuổi làm con nuôi bệnh viện vì mang chiếc đầu 'bự'
Những đứa trẻ mang chiếc đầu to bất thường - là nỗi tuyệt vọng của không ít cha mẹ khi nghĩ đây là căn bệnh vô phương cứu chữa. Nhưng thực tế, các em vẫn có cơ hội được sống và trưởng thành.
“Tèo ở bệnh viện với các cô cũng được 4 tháng rồi nhỉ? Háu ăn lắm, đến cữ mà không có sữa là quạu đó”. Tèo - là tên cậu bé mắc bệnh não úng thủy, bị bỏ lại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.
"Bé đầu bự" bị cha mẹ bỏ rơi
Điều dưỡng Trần Thị Cẩm Nhung vừa mắng yêu vừa trìu mến nhìn bé Tèo, 4 tháng tuổi ngoan ngoãn nằm trong nôi. Chiếc nôi đặt giữa phòng hành chính chỉ toàn giấy tờ, nhưng giúp các chị yên tâm quan sát cậu bé.
Tèo cười toe toét khi thấy người nói chuyện. Ở đây, em là con nuôi của khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Ai cũng cưng em, dù em có vòng đầu to hơn bình thường vì não úng thủy.
Bác sĩ Lê Quang Mỹ, khoa Ngoại thần kinh cho biết, Tèo nhập viện khi mới 1 ngày tuổi vì dị tật nứt đốt sống - dị tật rất nặng nề. Sau đó, lại xuất hiện tình trạng não úng thủy và phải mổ nội soi. 3 tuần sau, Tèo lại phải đặt ống dẫn lưu khi kết quả ca mổ không khả quan.
“Phẫu thuật xong thì bệnh viện không liên hệ được với cha mẹ của Tèo nữa. Chúng tôi gọi điện thoại nhiều lần, họ nói, gửi con lại cho bệnh viện”. Tèo như một tia sáng bé nhỏ xuất hiện trong căn phòng vốn bộn bề và căng thẳng công việc.
Khác với hình dung về những trẻ mắc não úng thủy nặng, Tèo lanh lợi, hay cười đùa. Chị Trân, một điều dưỡng cho biết: “Tèo hay đòi bế. Đứa trẻ nào cũng vậy, rất thèm tình thương và được bế ẵm!”
"Cha mẹ Tèo là công nhân, thu nhập thấp, dịch bệnh làm mọi thứ càng khó khăn hơn. Có thể họ nghĩ, ở đây Tèo sẽ được chăm sóc y tế tốt hơn vì con mang theo bệnh tật mà. Chăm một em bé não úng thủy cũng không dễ dàng gì…”, bác sĩ Lê Quang Mỹ chia sẻ.
Bác sĩ Mỹ cho biết, não úng thủy có 2 nhóm nguyên nhân: bẩm sinh và thứ phát. Nhóm bẩm sinh có thể phát hiện từ trong thai kỳ hoặc thời gian ngắn sau chào đời. Nhóm não úng thủy thứ phát xuất hiện ở trẻ bị u não, viêm màng não hoặc sau chấn thương sọ não...
Ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ bị não úng thủy ở nhóm bẩm sinh nhỉnh hơn so với nhóm thứ phát. Riêng Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tiếp nhận khoảng 200 trẻ mắc bệnh lý này mỗi năm. Không ít cha mẹ đã tuyệt vọng khi nghĩ đây là căn bệnh vô phương cứu chữa.
Trẻ bị não úng thủy có cơ hội sống và phát triển
“Nếu phát hiện sớm, điều trị đúng giai đoạn, các bé có thể sống, phát triển và hòa nhập. Tất nhiên, chất lượng sống như thế nào còn phụ thuộc vào mức độ và các bệnh lý kèm theo.
Tôi đã phẫu thuật cho một bé gái 3 tháng tuổi, đến nay con học tiểu học rồi và rất thông minh, được nhiều giấy khen. Nếu không nói, chắc không ai biết con bị não úng thủy”, bác sĩ Lê Quang Mỹ chia sẻ.
Bác sĩ Mỹ được nhiều người biết đến với tên gọi "Bác sĩ bé đầu bự”, bởi anh gắn bó nhiều năm với những em bé đặc biệt, có chiếc đầu to. Thậm chí anh lập hẳn Fanpage chuyên tư vấn miễn phí cho phụ huynh về vấn đề này.
Trong hàng trăm trường hợp đã can thiệp thành công, anh và đồng nghiệp vẫn bất lực nhìn những em bé đến viện ở giai đoạn muộn. Đứa trẻ mang theo chiếc đầu to đến lệch cả người.
Trong đó, có một em bé vài tháng tuổi được chẩn đoán não úng thủy dạng nhẹ, được mổ năm 2021. Tuy nhiên, vòng đầu tiếp tục tăng sau mổ chứng tỏ bệnh vẫn đang diễn tiến. vì dịch Covid-19, gia đình không thể đi tái khám.
7 tháng sau, bé quay lại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, vòng đầu đã tăng từ 48cm đến 62cm, to hơn người lớn.
“Não úng thủy hay bệnh đầu nước, nếu không chẩn đoán sớm thì diễn tiến nặng. Chẩn đoán sớm, mà điều trị không liên tục, cũng bị nặng thêm. Vì vậy, chữa bệnh này là cả một quá trình. Chúng tôi luôn dành rất nhiều thời gian cho lần khám đầu tiên của các bé để kiểm tra và giải thích rõ cho phụ huynh về hành trình này”, bác sĩ Mỹ nói.
Em bé vì dịch bệnh nên phải hoãn tái khám. Kết quả, bệnh nặng hơn rất nhiều.
Hình ảnh: Fanpage Bác sĩ bé đầu bự
Hiện nay, não úng thủy có 2 phương pháp can thiệp là mổ nội soi (được ưu tiên nhất) và đặt ống dẫn lưu. Tùy từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phù hợp, tối ưu nhất.
Tuy nhiên, phẫu thuật hay đặt ống dẫn lưu chỉ giải quyết được vấn đề giãn não thất/não úng thủy trong khi trẻ thường kèm theo nhiều vấn đề khác. Trên 50% trẻ sau khi can thiệp vẫn bị chậm vận động, chậm nói, chậm đi…Do đó, phải có sự phối hợp với chuyên gia thần kinh, vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu…
Trong trường hợp muộn, các nhu mô não bị tổn thương gây mất chức năng. Khi đó,dù được phẫu thuật, trẻ cũng mang di chứng như không đi đứng được, chỉ biết quay qua quay lại, không biết đi vệ sinh, bị động kinh, loét, viêm phổi…có thể khiến bé tử vong về sau.
Bác sĩ Mỹ cho biết, trẻ sinh non, cực non, trẻ bị viêm màng não, xuất huyết não… là những yếu tố nguy cơ. Do đó, phụ huynh cần hết sức chú ý số đo vòng đầu của trẻ.
Nếu có lo lắng, cha mẹ nên đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa Nhi thăm khám. Một cách dễ dàng hơn, phụ huynh có thể nhắn tin đến Fanpage Bác sĩ bé đầu bự để được giải tỏa các băn khoăn liên quan đến não úng thủy ở trẻ nhỏ.
Linh Giao