Cầu bắt đáy giúp OCB hồi phục mạnh, HDB vẫn được khối ngoại miệt mài gom mua
Phiên giao dịch 20/6 chứng kiến diễn biến tích cực tại nhiều cổ phiếu ngân hàng trên thị trường UPCoM.
Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa tuần giao dịch mới với sắc đỏ bao trùm cả ba sàn với hàng loạt mã giảm sàn. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 36,9 điểm (-3,03%) xuống 1.180,4 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 407 mã giảm (139 mã giảm sàn) và 36 mã đứng giá. HNX-Index giảm 12,14 điểm (-4,33%) xuống 267,92 điểm. Toàn sàn có 39 mã tăng, 178 mã giảm (54 mã giảm sàn) và 23 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,66 điểm (-1,91%) xuống 85,44 điểm.
Bên nhóm ngân hàng, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế với 18 mã giảm, 7 mã tăng và 2 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, áp lực bán mạnh vào cuối phiên khiến STB giảm sàn 6,91% với thanh khoản ở mức cao. Bên cạnh STB, một loạt mã ngân hàng khác cũng giảm mạnh từ 4 đến 6% như BID (-6,6%), VIB và MSB (-6,5%), NVB (-5,3%), VBB (-4,8%), NAB (-4,4%), TCB (-4,3%),…
Ở chiều ngược lại, KLB của Kienlongbank bất ngờ tăng 13,9% lên 23.800 đồng/cp. Tuy nhiên, cả ngày chỉ có 6.200 cổ phiếu này được trao tay giữa các nhà đầu tư với giá trị chưa đầy 140 triệu đồng.
Cùng với KLB, SGB cũng bật tăng mạnh gần 6,5%. Ba mã ngân hàng giao dịch trên UPCoM khác cũng đóng cửa trong sắc xanh là PGB (+1,1%), VAB (+1,1%) và BVB (+0,8%).
Sàn HoSE chỉ đóng góp 2 mã tăng trong phiên hôm nay gồm SHB (+3,1%) và EIB (+0,2%).
Ngày hôm nay cũng ghi nhận 2 mã trên HoSE giữ được giá tham chiếu là SSB và OCB nhờ lực cầu mạnh mẽ vào cuối phiên. Trong đó, OCB từ mức giảm gần 2,8% đã quay đầu mạnh mẽ trong phiên ATC với gần 484.000 cổ phiếu được sang tay, tương đương gần 21% tổng khối lượng giao dịch cả ngày.
Liên quan đến cổ phiếu này, hồi cuối tháng 5, NHNN đã chấp thuận cho OCB tăng vốn điều lệ thêm gần 59 tỷ đồng. Trong đó, tăng vốn điều lệ thêm 50 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và thêm 8,82 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (ngân hàng Aozora – Nhật Bản) theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên 2021 thông qua.
Xét về thanh khoản, STB dẫn đầu ngành ngân hàng với gần 16,9 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức khớp lệnh. Đứng kế sau lần lượt SHB (hơn 14,4 triệu cp), VPB (gần 9,9 triệu cp), MBB (gần 9,7 triệu cp), CTG (hơn 4,7 triệu cp), TCB ( hơn 4 triệu cp),…
Đối với giao dịch của khối ngoại, nhóm này tiếp tục mua ròng tại nhiều cổ phiếu ngân hàng như CTG (1,283 triệu cp), TPB (860.000 cp), HDB (193.000 cp), SHB (192.000 cp). Trong đó, đây là phiên mua ròng thứ 8 liên tiếp tại HDB. Hơn 1 tháng trở lại đây, nhà đầu tư nước ngoài tập trung gom mạnh HDB và chỉ có một phiên bán ròng duy nhất (phiên 8/6 bán ròng 496.100 cổ phiếu).
Từ ngày 9/6, HDBank đã giảm "room" ngoại từ 21,5% xuống còn 18%, tương đương hơn 365,9 triệu cp. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu hơn xấp xỉ 341,8 triệu cp, tương đương gần 16,5%. Như vậy, khối ngoại chỉ được phép nắm giữ thêm hơn 23,1 triệu cp HDB.
Mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng tại một số mã ngân hàng như STB (441.000 cp), VCB (373.000 cp), BID (121.000 cp).
Hàng loạt công ty chứng khoán nhận định cổ phiếu ngân hàng đã về vùng giá hấp dẫn