Cất cánh tháng 9: Xúc động những câu chuyện về "nơi ta sống"
Cất cánh tháng 9 chia sẻ những câu chuyện về những "Nơi ta sống", đó là nơi mà các khách mời của chương trình sinh sống mà hơn cả, họ dành cho nơi ấy cả tâm hồn.
Cất cánh tháng 9 đã chia sẻ những câu chuyện về những "nơi ta sống". Đó có thể là sự gắn bó máu thịt với mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, là tình yêu cho quê hương thứ 2, là ước mơ giúp cho người dân quê mình có cuộc sống ấm no, giàu có hơn, là lòng biết ơn với những thế hệ đi trước đã hi sinh để bảo vệ mảnh đất này. Mỗi mái nhà, mỗi mảnh đất này là nơi ta đang sống, là nơi mà tâm hồn ta thuộc về.
Người phụ nữ Đức gắn bó 20 năm với Việt Nam
Câu chuyện đầu tiên của Cất cánh tháng 9 là của một người phụ nữ từ nước Đức xa xôi đã lựa chọn Việt Nam là nơi làm việc, gắn bó suốt 2 thập kỷ qua. Cô Elke Schwierz hiện đang công tác tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC), Vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình. Đến với chương trình, cô tâm sự bản thân luôn ở trong rừng, hiếm khi rời khỏi đó nên khi xuất hiện ở đường băng cất cánh, cô đã rất lo lắng và run.
"Đây là lần đầu tiên tôi ngồi trên sân khấu lớn như thế này, cho nên nếu có gì chưa tốt, tôi mong mọi người thông cảm cho tôi", cô nói.
"Tháng 5/2002, tôi đã tạm biệt gia đình và bạn bè để lên đường đến Việt Nam. Tôi đã ký hợp đồng làm việc 1 năm tại Trung Tâm. Lúc đó, trung tâm chỉ có 8 nhân viên chăm sóc và 80 cá thể động vật. Tôi vừa mới học xong tại Vườn thú Berlin. Tôi đã rất may mắn vì đã học được nghề Zoo Keeper (người chăm sóc động vật tại sở thú), vì từ bé tôi đã rất yêu động vật và thiên nhiên", cô Elke Schwierz kể.
"Trước khi sang Việt Nam, tôi đã sống nhiều năm ở thành phố lớn ở Đức. Nhưng tôi rất thích ở trong rừng. Cúc Phương là nhà của tôi, tôi không cần nhà to nhà đẹp trong thành phố. Sống ở trong rừng tôi rất là thoải mái khi xung quanh có chim, sóc, không khí trong lành, không ồn ào. Ở thành phố tối rất hay bị stress vì không khí ô nhiễm và ồn ào".
"Tôi đã liên tục gia hạn hợp đồng trong 20 năm qua" - cô Elke Schwierz nói tiếp - "Chắc chắn tôi sẽ còn ở Cúc Phương thêm mấy năm nữa. Nhưng ước mơ của tôi là trong tương lai, động vật hoang dã ở Việt Nam sẽ không bị người ta săn bắn nữa. Và các nhân viên người Việt Nam cũng sẽ có đủ kinh nghiệm để làm tốt công việc bảo tồn động vật mà không cần sự giúp đỡ nhiều từ các chuyên gia nước ngoài. Tôi cũng rất biết ơn Vườn thú LeipZig ở Đức vì đã tài trợ cho Trung tâm cứu hộ Linh trưởng và công việc của tôi nhiều năm.
"Trước khi tôi kết thúc câu chuyện của mình, tôi vẫn muốn nói lời cảm ơn mọi người Việt Nam. Vì bình thường việc của tôi là dạy mọi người, nhưng mọi người cũng đã dạy lại tôi rất nhiều, tôi được học Tiếng Việt và được tìm hiểu về văn hoá Người Việt".
Câu chuyện của cô gái trẻ trở về quê hương để viết nên định nghĩa "hạnh phúc" của riêng mình
Nguyễn Thuý An, năm nay 31 tuổi, đến từ Đaklak. Công việc chính của cô hiện tại là trồng rau chăm cá, gà và giúp mọi người hiểu hơn về cuộc sống đồng ruộng quê hương thông qua mạng xã hội.
"Mùa hè năm 2009, má tôi chuẩn bị khăn gói cho tôi lên TP HCM thi cử. Tôi không biết ở đó như thế nào, chỉ biết đó là nơi cần đến. Như bao bạn trẻ, tôi khát khao được bước vào cánh cổng Đại học, dù là ăn mì tôm suốt tháng. Má lo lắm nhưng cuối cùng tôi lọt vào danh sách các sĩ tử có điểm thi tốt của trường ĐH Mở TP.HCM, An học ngành Đông Nam Á học. Má và mấy đứa em khi ấy ở quê mừng lắm, nấu hẳn một nồi chè đậu đãi xóm", Thúy An kể về hành trình của mình.
"Năm 2014, tôi ra trường. Sau khi cầm tấm bằng ĐH trên tay, tôi lại loay hoay làm nhiều công việc. Tôi ở TP.HCM 9 năm, 4 năm cơm chung với tụi bạn sinh viên, năm năm còn lại, mỗi đứa một nơi, tôi ăn cơm một mình. Bữa thì cà men mang theo, bữa thì vô cửa hàng tiện lợi gần đó pha gói mì ăn tạm..., cứ thế ăn cho qua ngày. Cuối tháng nhận lương mà thấy nặng lòng. Thành phố xa hoa như bóp tôi teo lại".
Sau những ngày tháng loay hoay sống ở TP.HCM, Thúy An quyết định về nhà. "Về quê đúng là kẹt thật. Chẳng có tiền ra vô để mua sắm chưng diện, chỉ đủ cơm ngày ba bữa và nuôi tụi lắm lông khỏe mạnh thôi. Tôi với má nấu thêm bánh tét bán ngoài chợ, thỉnh thoảng vài công việc online mấy đứa em giới thiệu cũng giúp tôi chút đỉnh. Đối với tôi sống nơi mô cũng được, chỉ cần ăn cơm ngon miệng, đêm về ngon giấc. Lúc đó bạn bè cũng hỏi thăm sống ở quê có cực không, tôi chỉ nhắn tin - Sống tốt . Tôi mang điện thoại ra quay giới thiệu vườn cây ăn trái con con và vườn rau của má đăng lên facebook cá nhân cho các bạn xem. Đó là những bước khởi đầu của An, mình cứ làm thôi, không nghĩ gì nhiều đâu", Thúy An kể lại.
"Nhiều người thấy tôi không rõ nhỏ này làm cái gì mà cắm điện thoại vào cái que, đi qua đi lại ngoài đồng. Chả ai hiểu tôi làm gì, người thì tò mò nhưng tôi cười kệ. Vì tôi nhớ một câu thế này: Đừng tìm kiếm ai đó khiến bạn hành phúc, hãy tự làm mình hạnh phúc" - Thúy An nói.
Anh chàng dân tộc Tày trở về quê hương để làm giàu cho quê hương
Lý Đức Dân, năm nay 29 tuổi, là người dân tộc Tày, được sinh ra và lớn lên tại một mảnh đất anh hùng bất khuất trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc của tỉnh Hà Giang trong những năm 1979 – 1989. Sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm Nghiệp, Lý Đức Dân đã trở về quê hương, tuyên truyền vận động các hộ dân trồng chè trên địa bàn xã thành lập hợp tác xã trồng và chế biến chè.
HTX Trồng và chế biến chè Thanh Thủy có 13 thành viên, chủ yếu sản xuất, chế biến chè với quy mô 150 ha tại 4 thôn: Nà Toong, Cốc Nghè, Nặm Ngặt và Lùng Đoóc; tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động địa phương với thu nhập bình quân hàng tháng từ 4 – 6 triệu đồng/người. Riêng gia đình Đức Dân còn đầu tư phát triển chăn nuôi gà, lợn, thu nhập hàng năm đạt trên 150 triệu đồng. Sau nhiều nỗ lực, năm 2020, sản phẩm Chè chốt 468 của HTX đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh, là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic Agriculture.
Chương trình Cất cánh tháng 8 với chủ đề Mầm hy vọng đã mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khi lắng nghe những câu chuyện xúc động về sự hy sinh cao cả.