Cất cánh tháng 8: Những hy sinh thầm lặng để gieo mầm hy vọng

Chia sẻ Facebook
21/08/2022 08:31:41

Chương trình Cất cánh tháng 8 với chủ đề Mầm hy vọng đã mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khi lắng nghe những câu chuyện xúc động về sự hy sinh cao cả.

Mẹ đỡ đầu: Hành trình tìm lại nụ cười, hạnh phúc cho các con sau đại dịch


Tháng 8 một năm về trước, Cất cánh đã lên sóng trong một bối cảnh chưa từng có tiền lệ. Tất cả những câu chuyện đều không được kể trên đường băng, mà trực tiếp từ tâm dịch – những câu chuyện từ chính những F0, những người từng ngày từng giờ giúp F0 vượt qua cửa tử.

Những F0 đó có những người nằm trong số hàng vạn đồng bào đã không qua khỏi. Những đứa trẻ bỗng dưng trở thành trẻ mồ côi.

Tháng 8/2022, cùng với những đứa trẻ khác, các em đang chuẩn bị bước vào một năm học mới. Những "mầm hy vọng" vẫn đang nỗ lực, khao khát vươn lên dù vắng bóng mẹ cha nhưng các em vẫn nhận được rất nhiều tình yêu thương từ các "Mẹ đỡ đầu".

Chương trình "Mẹ đỡ đầu" do TW Hội LHPN Việt Nam phát động đã kết nối, vận động hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do COVID-19 và mồ côi do các nguyên nhân khác. Những người phụ nữ, với vai trò người mẹ chăm sóc con cái của mình, giờ lại tiếp nối hành trình yêu thương trở thành Mẹ đỡ đầu của các em nhỏ mồ côi.


Đến với chương trình Cất cánh tháng 8, khách mời diễn giả - Trung tá Nguyễn Ngọc Thúy - Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an Thành phố Cần Thơ không khỏi xót xa khi chứng kiến những những người vợ bỗng chốc góa chồng, những đứa con trơ trọi vì mất đi người thân… Chị cũng là một trong những người mẹ đỡ đầu của những đứa trẻ mồ côi do COVID-19.

"Chương trình của chúng tôi nhằm dành trọn tình yêu thương, sự hỗ trợ, chăm sóc, đỡ đầu bảo trợ cho các cháu đến năm 18 tuổi. Giúp các con trưởng thành trong một môi trường tốt, một môi trường toàn diện từ gia đình và cộng đồng. Chương trình Mẹ đỡ đầu của chúng tôi được triển khai sau 9 tháng thì Hội Phụ nữ Công an Thành phố Cần Thơ đã nhận đỡ đầu được 51 trẻ. Để chăm lo cho các con, ngoài vật chất chúng tôi còn động viên tinh thần thông qua những chuyến đến thăm để chia sẻ lắng nghe tâm tư tình cảm của các con", chị Thúy chia sẻ.


Từ khi triển khai Chương trình đến nay, Hội Phụ nữ Công an thành phố Cần Thơ đã phối hợp tham mưu nhận bảo trợ chi phí học tập, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể đến năm 18 tuổi cho 51 em. Với đùm bọc từ cộng đồng cùng các mẹ đỡ đầu, các em nhỏ mồ côi sớm tìm được một điểm tựa trong cuộc sống.

Hành trình đi đến phép màu của bác sĩ Lê Thanh Truyền

Tháng 8/2022 là thời điểm đánh dấu năm thứ 20 của học bổng "Tiếp sức đến trường" trao cơ hội tiếp cận tri thức cho 22.000 tân sinh viên. Và đến với đường băng cất cánh tháng 8, khán giả vô cùng hạnh phúc, tự hào khi chứng kiến sự thành công của một vị bác sĩ trẻ từng là một trong hàng ngày sinh viên được nhận học bổng từ quỹ "Tiếp sức đến trường".

7 năm trước, nhiều bạn đọc báo Tuổi trẻ đã rơi nước mắt trước câu chuyện của anh chàng tân sinh viên Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh "nghèo hơn cả nghèo".

Mẹ bỏ đi khi Truyền mới hơn 1 tuổi, em trai tròn 2 tháng tuổi, cha Truyền lâm bệnh nằm liệt nhiều năm rồi qua đời. Nhưng Truyền chưa bao giờ từ bỏ ước mơ của đời mình.

Từng nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" của Tuổi trẻ năm 2015, bảy năm sau, Truyền đã là bác sĩ và đang làm việc tại Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh.

Anh nhớ lại những năm tháng nhọc nhằn và trắc trở đã qua để hoàn thành giấc mơ.

Trải qua 19 năm, chương trình "Tiếp sức đến trường" đã gieo mầm hy vọng cho cả một thế hệ đã lần lượt ra đời, lớn lên, vượt mọi khó khăn để học tập, trưởng thành, để hôm nay được đứng trước cánh cửa rộng mở của tương lai. 19 năm ấy, "Tiếp sức đến trường" cũng dần lớn, cũng vượt khó, cũng trưởng thành...

Khởi đầu từ sự lay động và mong muốn sẻ chia với cảnh đời nghiệt ngã của một bạn trẻ đã hai lần đậu đại học mà vẫn không được đến giảng đường và rồi 19 năm, "Tiếp sức đến trường" đã tiếp sức đến hơn 22.000 tân sinh viên.

22.000 tấm vé lên chuyến tàu đến tương lai được trao đi, hẳn nhiên hàng ngàn bạn trẻ vốn đã thông minh, chăm chỉ, nghị lực, quyết tâm của những năm ấy nay đã đến được tương lai rực sáng của mình.

Hàng ngàn cuộc đời đã thay đổi. Hàng ngàn gương mặt cha mẹ với những nếp nhăn nhọc nhằn chi chít đã giãn ra trong tự hào.

Những trái tim xanh của các chiến sĩ Phòng cháy chữa cháy

Nếu không có hy vọng, không có những cánh tay chìa ra đúng lúc, chúng ta khó có thể vượt qua và vươn lên.

Những trái tim xanh của người lính PCCC đã ngừng đập để cứu sống đồng bào mình. Mới đây nhất là vụ cháy xảy ra ngày 1/8 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, 3 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh, cứu sống 8 người dân.

Xuất hiện trong chương trình Cất cánh tháng 8, thầy giáo - Trung tá Ngô Văn Anh - Phó Trưởng Khoa chữa cháy, Đại học Phòng cháy chữa cháy đã chia sẻ về sự hy sinh của những đồng đội mình và cả những niềm hy vọng.

"Chưa có một tháng 8 nào lại có nhiều sự cố cháy nổ phức tạp như năm nay. Thiệt hại do cháy gây ra quá khủng khiếp, mất mát do cháy gây ra quá đau thương. Đó là những vết bỏng nặng từ chân đến tay của chiến sĩ Trần Tiến Đạt khi tham gia chữa cháy tại Hoàng Mai, Hà Nội. Đó là sự mất mát của 3 mẹ con ngày 7/8 tại Đà Nẵng... Và đau đớn tột cùng hơn là sự hy sinh anh dũng của 3 đồng chí Đội PCCC và CNCH Công an quận Cầu Giấy Hà Nội ngày 1/8/2020. Khi các đồng chí đã cứu được 8 người thoát khỏi lưỡi hái tử thần từ trong đám cháy", Trung tá Ngô Văn Anh xúc động chia sẻ.

"Sự hy sinh của các đồng đội chúng tôi không hề uổng phí, mà đã đem lại mầm hy vọng cho những người khác - đó là những nạn nhân, những người được các đồng chí cứu ra".


Những người cảnh sát phòng cháy chữa cháy sẵn sàng hy sinh cả bản thân để bảo vệ tài sản, tính mạng và sự bình yên cho nhân dân.

Mỗi số một chủ đề gắn với thời điểm phát sóng, "Cất cánh" luôn mang đến những câu chuyện cảm xúc và giàu thông điệp từ các khách mời trên đường băng.

Chia sẻ Facebook