Cất cánh - Nấc thang cuộc đời: Cảm hứng từ những câu chuyện dám ước mơ, dám thực hiện

Chia sẻ Facebook
24/10/2022 10:32:43

Cất cánh tháng 10 với chủ đề Nấc thang cuộc đời mang đến cho người xem nguồn cảm hứng về sự nỗ lực, dám mơ ước, dám thực hiện, vượt qua giới hạn bản thân và vươn lên.


Bốn nấc thang cuộc đời của một người gồm: nấc thang đầu tiên là một phiên bản giống với ai đó, nấc tháng thứ 2 là khi đi tìm chính bản thân mình, nấc thang thứ 3 là khi cố gắng để vươn tới những phiên bản tốt của chính bản thân và nấc tháng thứ 4 là khi có những thành tựu, thành quà được ghi nhận. Dù ở lứa tuổi nào, mỗi người đều đang có quá trình nỗ lực đi những nấc thang của bản thân. Chương trình Cất cánh tháng 10 có chủ đề "Nấc thang cuộc đời", với sự tham gia của khách mời bình luận – nhà báo Phùng Huy Thịnh, cùng các diễn giả Vũ Phương Thanh, NTK Lan Hương, đạo diễn - NSƯT Bùi Như Lai.

Các khách mời trong Cất cánh tháng 10.


"Nữ siêu nhân" không ngừng chinh phục thử thách

Cách đây 4 năm, một cô gái Việt Nam đã trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên vượt qua 1.000 km từ 4 sa mạc khắc nghiệt nhất. Đó chính là vận động viên Vũ Phương Thanh. Thời điểm đó, đây có lẽ là giới hạn lớn nhất mà cô gái ấy từng nghĩ mình có thể đạt được.

Sau 4 năm, Vũ Phương Thanh là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự Swissultra 2022, trở thành quán quân thế giới giải The Untra Triathlon, một trong những giải đua 3 môn phối hợp khắc nghiệt nhất hành tinh. Vũ Phương Thanh đã hoàn thành xuất sắc phần thi 38km bơi, 1.800 km đạp xe và 422 km chạy bộ, với tổng thành tích là 328 giờ 27 phút 55 giây, để lên ngôi vô địch nữa. Một giới hạn nữa được Phương Thanh chinh phục nhưng trên tất cả là tinh thần bứt phá với những thách thức ngày càng lớn để mang dấu ấn của Việt Nam ra thế giới.

Chia sẻ về quá trình hoàn thành những nấc thang cuộc đời mình, Vũ Phương Thanh nói: "Với phương châm sống luôn là phiên tốt nhất của chính mình, tôi luôn mong tiếp cận với những giải, thử thách khó, xa hơn, độc đáo hơn để tháo bỏ giới hạn bản thân và vươn lên tầm cao mới".

"Đây không phải những bậc thang cuối cùng của tôi" – Vũ Phương Thanh bộc bạch – "38km bơi, 1.800 km đạp xe và 422 km chạy bộ, mọi người có thể nghĩ những thách thức này khó. Nhưng nó sẽ không khó nếu mọi người chia nhỏ. Nếu nhìn lên, bạn sẽ không thể thấy bậc thang kết thúc ở đâu, không thấy đỉnh nhưng có thể nhìn được bậc tiếp theo, hãy làm thật tốt nó… Từng bước, từng bước một, không bao giờ bỏ cuộc. Đó là cách tôi tiến tới vạch đích".


Người phụ nữ truyền bá văn hóa Việt qua tà áo dài

Đó là một người phụ nữ yêu đến tận cùng và luôn khát khao những tà áo dài Việt Nam được hiện diện và kiêu hãnh không chỉ trên quê hương mà còn khắp các sàn diễn thời trang danh giá thế giới. Cô là nghệ nhân ưu tú Lan Hương.

Năm 2004, áo dài Lan Hương đã tỏa sáng trên sân khấu triển lãm Vân Hồ và vinh dự được chọn làm lễ phục cho các Hội nghị thượng đỉnh ASEM 5 và APEC. Năm 2010, dịp Đại lễ ngàn năm Thăng Long Hà Nội, cặp đôi áo dài thêu 1.000 hình rồng, phượng của nhà thiết kế Lan Hương không chỉ được trưng bày phục vụ khách thăm quan đến từ khắp thế giới mà được công nhận kỷ lục Việt Nam. Từ một cô bé vùng sơn cước trở thành nhà thiết kế nổi tiếng, nghệ nhân ưu tú Lan Hương đã trải qua từng nấc thang của cuộc đời mình, và không mềm mại như tà áo dài mà cô đam mê.

"Những khó khăn đã xây dựng cho tôi con đường thành công của hiện tại. Áo dài đã cất cánh cho tôi bay xa. Từng được đi tới những kinh đô thời trang trên khắp thế giới, tôi cảm thấy những nơi đó rất thân quen với mình. Lục lại ký ức, tôi chợt nhận ra tôi đã từng đến Paris trong những khi tôi gánh sắn nặng vai leo dốc, tôi từng đến Milan khi phải chịu rét buốt lội bùn lấy rau nuôi lợn. Đó là sự tưởng tượng khi tôi còn rất nhỏ và giờ đã hiện thực hóa được nó. Tôi là một minh chứng sống cho việc dám ước mơ", nhà thiết kế Lan Hương tâm sự.


Người đàn ông giữ thang của những mảnh đời yếu thế

Những câu chuyện như của Vũ Phương Thanh hay nhà thiết kế Lan Hương đã là minh chứng cho thấy rằng vượt qua giới hạn chính là cách để tiến đến bước tiếp theo của cuộc đời. Còn câu chuyện của đạo diễn – NSƯT Bùi Như Lai không chỉ là sự tiến lên những nấc thang của chính mình mà còn trở thành một chiếc vững chãi cho những người khác dựa vào.

Nếu đã xem các vở diễn Đừng đợi tới ngày mai, Được là chính mình, Tôi ơi đừng tuyệt vọng… thì sẽ thấy bất ngờ khi các diễn viên trong vở diễn đều là những người yếu thế, từng bị tổn thương trong xã hội. Họ là diễn viên không chuyên nhưng được đạo diễn Bùi Như Lai đưa hình ảnh cuộc đời mình lên sân khấu. Họ diễn mà như không viên về chính đời mình.

Là một nghệ sĩ nổi tiếng từ khá sớm, được biết đến là một nghệ sĩ sân khấu đương đại năng động, luôn tìm tòi những lối đi mới mẻ, đạo diễn Bùi Như Lai là trưởng đoàn kịch 1 của Nhà hát Tuổi trẻ, hiện là Trưởng khoa Sân khấu, trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Đạo diễn Bùi Như Lai luôn là nghệ sĩ của nhiều khát vọng trong việc chinh phục những đỉnh cao mới, không ngừng làm mới chính mình và quan trọng hơn là giúp người khác bước lên bậc thang của chính họ.

"Với tôi, mỗi ngày hãy cố gắng tiến trên một nấc thang nhỏ. Sau một tuần, chúng ta sẽ tiến thêm một nấc thang lớn hơn. Mỗi năm chúng ta sẽ có một nấc tháng đáng tự hào. Cộng nhiều năm lại, chúng ta sẽ có nấc thang đáng để sống", đạo diễn Bùi Như Lai chia sẻ.

Cùng lắng nghe những câu chuyện của các diễn giả Cất cánh tháng 10 qua video dưới đây:

Chia sẻ Facebook