'Cạp' trái phép hàng chục hecta đất ruộng cả ngày đêm, không ai bị xử lý?
Ít nhất cả chục hécta đất ruộng bị nhóm người dùng máy cuốc lấy đất đưa lên các sà lan chở đi nơi khác, biến ruộng thành ao sâu. Đặc biệt, nhóm người này “cạp đất” liên tục ngày đêm nhiều tháng qua nhưng không ai bị xử lý.
Tuổi Trẻ Online ghi nhận vào đầu tháng 5 tại khu vực ấp Láng Cơm, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, Kiên Giang có hàng chục máy Kobe (máy cuốc) đang múc đất ven bờ kênh ranh (giáp ranh xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, An Giang).
Nhiều máy Kobe đang hì hục múc đất ruộng đưa lên các sà lan đang đậu dày đặc hơn 2km ở đoạn kênh ranh, để "chờ tài" vào chở đất đưa đi khắp nơi làm gạch.
Hiện trường khu vực khai thác đất mặt ruộng này nằm sâu giữa đồng vắng giáp ranh An Giang và Kiên Giang. Để vào được nơi này, chúng tôi phải vượt qua nhiều tuyến đường lầy lội do đường chưa được láng nhựa và khu vực này rất vắng người qua lại.
Ông H., ngụ xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, An Giang (có đất canh tác gần khu vực hiện trường khai thác đất mặt ruộng) cho biết nhóm người này đã khai thác đất mặt ruộng hơn 6 tháng nay.
Ước tổng số trên 12ha đất nông nghiệp khu vực ấp Láng Cơm, xã Bình Giang đã bị nhóm múc đất mặt. Mỗi hầm có độ sâu từ từ 5-6m và khu vực này có hàng chục hầm như thế.
"Họ cạp đất mặt ruộng đưa lên các sà lan chờ gần đó để di chuyển khắp nơi. Khu vực này bị họ lấy đất nay đã thành hầm hố hết, chỉ có thể nuôi cá chứ không thể nào phục hồi lại được. Khi nào có người lạ đến thì họ dừng một thời gian, sau đó họ làm tiếp. Họ làm suốt ngày vì khu vực này rất ít người qua lại", ông H. nói.
Ngày 9-5, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Thanh Nhàn - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - xác nhận: "Sau khi nhận thông tin của PV Tuổi Trẻ , chúng tôi đã chỉ đạo kiểm tra thì đúng là có vụ này.
Hiện tại tôi đã chỉ đạo chủ tịch UBND huyện Hòn Đất phối hợp cùng các ngành chức năng sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để sớm xử lý vụ việc này. Nếu cấn thông tin cụ thể có thể liên hệ huyện Hòn Đất".
Để hiểu rõ hơn vì sao có tình trạng "biến đất ruộng thành ao" với quy mô lớn, Tuổi Trẻ Online đã nhiều lần điện thoại liên hệ với ông Quách Văn Toàn - phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Kiên Giang thì ông Toàn kêu gửi câu hỏi.
Tuy nhiên, sau khi gửi xong câu hỏi và đến tận trụ sở nơi làm việc thì ông Toàn nói bận họp và giao chánh văn phòng Sở để….ghi nhận lại vụ việc.
TT (ĐBSCL) - Hiện nay người dân các tỉnh ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu... đang bán đất mặt ruộng cho những người có nhu cầu san lấp mặt bằng, tôn cao nền nhà với giá khoảng 2,5-3 triệu đồng/công (1.000m2).