Cập nhật sức khỏe của 18 học sinh tiểu học khóc lóc, ngất xỉu đột ngột ở Cao Bằng
Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết 18 học sinh bị ngất xỉu đột ngột tại trường Nà Rại thuộc Tiểu học Cốc Pàng hiện sức khỏe đã bình thường.
Theo đó, ngày 24/11/2022, Sở Y tế nhận được thông tin về những biểu hiện lạ của các em học sinh tại Phân trường Nà Rại thuộc Trường Tiểu học Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng . Sau đó, Sở Y tế đã tổ chức Đoàn công tác đến kiểm tra, đánh giá tình hình sức khỏe của các em học sinh tại Phân trường Nà Rại.
Theo lời kể của thầy cô giáo, từ khoảng tháng 4/2022 ở Phân trường Nà Rại có một số học sinh có biểu hiện lạ như ngất, khóc lóc vô cớ, co cứng chân tay, đánh người... Ban đầu xuất hiện ở 2 cháu, 3-5 ngày xuất hiện một lần, với thời gian khoảng 3-5 phút sau đó tăng dần lên 10-30 phút, thường xuất hiện vào buổi sáng, lúc đông người.
Đến thời điểm hiện tại có 18 trẻ có biểu hiện như trên (2 nam, 16 nữ), có 5 em mỗi ngày xuất hiện cơn kích động 4 đến 5 lần, mỗi lần kéo dài khoảng từ 20 đến 30 phút; còn lại 11 em khoảng 3-5 ngày mới xuất hiện các biểu hiện này một lần.
Sau cơn các em ngủ lịm khoảng 10 đến 20 phút thì tỉnh lại và tiếp xúc bình thường. Một số cháu bị kích động kéo dài trên 30 phút, giáo viên gọi người nhà đến đón về nhà thì các cháu lại trở lại bình thường.
Qua thăm khám trực tiếp cả 4 cháu trong tình trạng rối loạn cảm xúc, có phản ứng thờ ơ, gọi hỏi trả lời, kèm theo các rối loạn vận động như động tác lắc đầu, gật đầu, cào cấu, đánh người, kích động.
Ngoài cơn các cháu tỉnh táo, tiếp xúc được. Khám thực thể sau cơn, các trẻ tỉnh, tiếp xúc tốt, da niêm mạc hồng, tim nhịp đều, rõ; phổi thông khi đều 2 bên; bụng mềm không chưởng, không có điểm đau khu trú; gan, lách không to. Ngoài ra không phát hiện bệnh lý thực thể bất thường.
Khám tâm thần sau cơn: các trẻ biểu hiện lo lắng, sợ hãi, không trả lời khi được hỏi bệnh. Sau khi được điều trị tại chỗ bằng một số nghiệm pháp tâm lý cơ bản thì hầu hết các cháu hồi phục hoàn toàn, có thể trở về lớp học bình thường.
Qua quá trình quan sát, thăm khám, tham khảo thông tin từ các thầy cô tại Phân trường Nà Rại và phụ huynh, phát hiện trẻ chỉ có các biểu hiện bất thường khi ở nơi đông người, không xuất hiện lúc ở một mình. Chủ yếu xuất hiện các cơn bất thường tại trường học, không xuất hiện tại nhà. Các cơn bất thường có tính chất lây lan. Ban đầu khởi phát bắt đầu từ một học sinh sau đó lan truyền sang các em học sinh khác, càng tập trung nhiều người chú ý, chăm sóc lại càng có nhiều em học sinh phát bệnh.
Kiểm tra điều kiện an toàn vệ sinh khu vực xung quanh của Phân trường Nà Rại Trường Tiểu học xã Cốc Pàng, Trường Mầm non xã Cốc Pàng và công tác an toàn vệ sinh thực phẩm khu vực bếp ăn chưa được đảm bảo vệ sinh, công tác kiểm thực ba bước (kiểm tra nguyên liệu thực phẩm đầu vào trước khi chế biển, trước khi ăn và lưu mẫu thức ăn) chưa dùng theo quy định, trường sử dụng nguồn nước tự chảy từ khe về. Đoàn đã tiến hành lấy mẫu nước tại téc nước dự trữ của Phân trường Na Rai mang về xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.
Qua những lời kể và quan sát, thăm khám, Đoàn kiểm tra kết luận các em học sinh mắc chứng rối loạn phân ly tập thể (theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế lần thứ 10 là F.44). Đoàn công tác Sở Y tế đã hướng dẫn cho các giáo viên xử lý khi xảy ra ca bệnh: Giáo viên cần giữ thái độ bình tĩnh, không trầm trọng hóa vấn đề, giữ trật tự trong lớp học, nhanh chóng đưa học sinh bị bệnh ra ngoài phòng riêng, yên tĩnh để theo dõi; thông báo cho gia đình học sinh biết và phối hợp theo dõi, chăm sóc trẻ.
Đối với các trường hợp học sinh có biểu hiện lên cơn tái lại nhiều lần trong ngày và kéo dài nhiều ngày, nhà trường báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình học sinh thực hiện biện pháp chăm sóc và theo dõi tại nhà từ 5 đến 7 ngày, nếu tình trạng học sinh ổn định, tiếp tục học tập bình thường. Chính quyền địa phương cần tăng cường truyền thông để người dân hiểu và tự tham gia vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu; theo dõi tình hình sức khỏe các em học sinh và thông tin kịp thời cho ngành Y tế để tiếp tục có các biện pháp can thiệp y tế phù hợp.