Cáp ngầm hay điện tái tạo cho Côn Đảo?
Đề xuất kéo lưới điện quốc gia ra Côn Đảo bằng hệ thống cáp ngầm với vốn đầu tư hơn 4.950 tỉ đồng đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Vì sao không đầu tư hệ thống điện tái tạo thay cho hệ thống cáp ngầm quá tốn kém?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Yến, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, nói Côn Đảo là một hòn đảo tiền tiêu, cửa ngõ của Biển Đông, có vị trí đặc biệt quan trọng trong bảo vệ quyền, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...
Vì vậy, việc cấp điện lưới cho Côn Đảo để đảm bảo nguồn điện ổn định, phục vụ nhu cầu phát triển và nâng cao đời sống của nhân dân huyện Côn Đảo là cấp thiết và tất yếu.
Cần nguồn điện ổn định
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, để thực hiện phương án cấp điện tại chỗ cho Côn Đảo, EVN đã giao cho Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) nghiên cứu tích hợp cấp điện trên đảo gồm điện mặt trời, diesel với công suất và quy mô nhỏ chỉ 3MW. Sau nhiều năm, EVNSPC vẫn chưa hoàn thành dự án này với lý do vướng về xử lý đất rừng.
Rừng Côn Đảo đều là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng cần bảo tồn tuyệt đối, không được xâm phạm nên việc đầu tư điện mặt trời trên đảo là "cực kỳ khó".
Trong khi đó, việc triển khai dự án điện gió trên bờ cũng khó khăn do diện tích hạn chế. Nếu đầu tư điện gió ngoài khơi, với độ sâu cho mỗi cột điện gió từ 20 - 80m, chi phí đầu tư khoảng 2 triệu USD/MW, với nhu cầu điện đến năm 2035 thì cần tới 200 triệu USD.
Hơn nữa đây lại đều là những nguồn điện không ổn định, phải lắp thêm thiết bị lưu trữ để tích điện với số vốn đầu tư 300 tỉ đồng cho 100MW. Cùng với việc chạy dầu, phương án cấp điện qua hệ thống năng lượng tái tạo sẽ tốn kém thêm chi phí nhiều hơn.
Phương án đầu tư nhà máy điện khí LNG cũng được tính đến, nhưng chi phí còn cao hơn nhiều và còn phát thải khí CO2 gây ảnh hưởng tới môi trường.
Trước đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có báo cáo và đánh giá các phương án cấp điện, gồm cấp điện bằng lưới điện quốc gia, cấp điện bằng nguồn tại chỗ sử dụng LNG và dầu diesel...
Kết quả cho thấy việc đầu tư điện gió, điện mặt trời chỉ có thể bổ sung thêm nguồn mà không đảm bảo nguồn điện chính vì thiếu tính ổn định, phụ thuộc vào tốc độ gió theo mùa và số giờ nắng.
Chưa kể điện mặt trời chiếm quỹ đất khá lớn với khoảng 01MW/1,2ha, trong khi quỹ đất còn lại của Côn Đảo để đầu tư phát triển là hạn chế.
Nghiên cứu của Viện Năng lượng (Bộ Công thương) cũng cho hay tiềm năng nguồn điện tại chỗ ở Côn Đảo với công suất khả dụng điện gió và mặt trời chỉ đạt hơn 8,1MW. Nguồn điện diesel vẫn là chủ đạo với 28MW nhưng chi phí vận hành cao.
Nguồn tuôcbin khí có thể xây dựng là 27MW, nhưng chi phí cao khiến Nhà nước tiếp tục phải bù lỗ giai đoạn 2016 - 2035 (ước tính khoảng 363 triệu USD).
Cũng theo Bộ Công thương, việc xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở Côn Đảo cũng không khả thi vì tổ máy nhỏ nên không đủ công suất và nhu cầu cấp điện cho đảo, lại gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với xu hướng cắt giảm phát thải.
"Các dự án cấp điện ra đảo không chỉ thuần túy xem xét vấn đề hiệu quả kinh tế mà tổng hợp kinh tế, an ninh, quốc phòng và chủ quyền biển đảo. Như với Cô Tô dù xa hơn vẫn phải làm, hoặc cấp cho miền núi, ở những chòm xóm và thôn bản nằm trên vùng núi cao. Với Phú Quốc, khi có lưới điện, phát triển du lịch sẽ rất mạnh mẽ" - một lãnh đạo Bộ Công thương nói.
Phải cân nhắc các phương án
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Thịnh - chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận - cho biết trên đảo Phú Quý của tỉnh Bình Thuận (cách đất liền trên 100km, dân số khoảng 30.000 người - PV) đang sử dụng kết hợp các nguồn điện bao gồm máy phát điện diesel vận hành hỗn hợp với hệ thống điện gió và năng lượng mặt trời với tổng công suất 16,8MW.
Theo ông Thịnh, nếu đặt mục tiêu vận hành hệ thống điện ổn định thì việc kéo cáp ra biển là phương án tối ưu bởi hệ thống điện từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời không ổn định.
Trường hợp ưu tiên năng lượng tái tạo thì hệ thống điện diesel trên đảo vẫn phải giữ vai trò chạy nền hoặc sử dụng bộ lưu trữ điện (Energy Storage System - ESS), nhưng tại VN hiện chưa sử dụng ESS trong khi chi phí khá đắt đỏ.
Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hơn 4.950 tỉ đầu tư hệ thống truyền tải ra Côn Đảo, ông Thịnh cho rằng đây là khoản đầu tư lớn, cần tính toán kỹ "bài toán đánh đổi" giữa việc kéo lưới điện và nâng cấp hệ thống phát điện diesel trên đảo, kết hợp sử dụng các nguồn tái tạo, đưa thêm hệ thống lưu trữ chạy ban đêm... để chọn phương án tối ưu, hợp lý nhất cả về kinh tế, kỹ thuật, an ninh quốc phòng.
Một chuyên gia về năng lượng cũng cho rằng "cần cân nhắc thiệt hơn" trước khi duyệt phương án đầu tư hàng ngàn tỉ kéo điện ra Côn Đảo.
Theo vị này, trước đây doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất thực hiện dự án điện mặt trời 5MW trên đảo, song từ 2015 cơ chế thay đổi, không có giá bán điện mới đối với hệ thống điện độc lập trên đảo không nối lưới. Do đó, doanh nghiệp này buộc phải rút lui.
Do đó, vấn đề là cần có cơ chế về giá điện đối với các đảo không nối lưới để huy động nguồn vốn xã hội hóa.
"Nếu đưa ra được chính sách giá mua điện khoảng 20 cent/kWh (gần 5.000 đồng) thì nhà đầu tư sẵn sàng làm điện gió, đầu tư luôn hệ thống lưu trữ để ổn định nguồn, rẻ hơn nhiều so với chạy diesel trong bối cảnh giá dầu cao hiện nay" - nhà đầu tư này nói và cho rằng việc kéo cáp điện chỉ nên áp dụng đối với những đảo gần, có dân số đông và lượng khách du lịch lớn như đảo Phú Quốc.
Với Côn Đảo, do đặc thù xa đất liền, dân số ít, lượng khách du lịch chưa lớn, theo vị này, có thể làm điện gió trên biển kết hợp hệ thống điện mặt trời và mở rộng nhà máy điện diesel hoặc đầu tư nhà máy điện sử dụng khí hóa lỏng (LNG) với vai trò là nguồn điện nền. Ngoài ra có thể đầu tư hệ thống lưu trữ ESS để làm nguồn điện nền, dự phòng cho đảo.
"Thay vì chi ngân sách gần 5.000 tỉ để kéo điện ra đảo, với việc huy động xã hội hóa xây dựng nguồn điện, Nhà nước chỉ cấp bù cho chênh lệch bán điện. Khi đó, lợi ích kinh tế mang lại sẽ lớn hơn nhiều và thực hiện theo đúng cam kết của VN về việc đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050", vị này khẳng định.
Vì sao dự án điện gió chưa triển khai?
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lâm Xuân Tuấn - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam - cho biết trong năm 2021 điện thương phẩm tại Côn Đảo đạt hơn 24,2 triệu kWh, ngành điện bù lỗ hơn 83 tỉ đồng.
Dự kiến năm nay điện thương phẩm đạt 28,5 triệu kWh, chi phí giá thành khoảng 9.425 đồng/kWh, ngành điện bù lỗ hơn 174 tỉ đồng. Theo EVN, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện Côn Đảo vào năm 2025 khoảng 28,7MW và giai đoạn 2030 khoảng 87,6MW.
Liên quan các đề xuất phát triển điện gió, ông Tuấn cho hay theo quy hoạch được duyệt, tại Côn Đảo có các dự án điện gió gồm Côn Đảo 1 công suất 4MW (vận hành năm 2016 - 2020) và điện gió Côn Đảo 2 công suất 3MW (vận hành năm 2026 - 2035).
Trong đó, dự án điện gió Côn Đảo 1 đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận đầu tư (4,5MW).
Tuy nhiên, giá điện khi nhà đầu tư làm việc với Bộ Công thương và UBND tỉnh vượt giá mua bán điện so với quy định nên đến nay nhà đầu tư chưa triển khai bởi suất đầu tư lớn, không mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư.
Số tiền ngân sách nhà nước bù lỗ để cấp điện cho Côn Đảo khi chạy dầu diesel
Năm 2015 - 55 tỉ đồng Năm 2016 - 65,6 tỉ đồng Năm 2017 - 62,9 tỉ đồng Năm 2018 - 79 tỉ đồng Năm 2019 - 104 tỉ đồng Năm 2020 - 120 tỉ đồng
Để chạy máy phát điện diesel trên huyện Côn Đảo, ngành điện đã bù lỗ chi phí lên đến 446 tỉ đồng trong giai đoạn 2015-2020 và dự kiến năm nay sẽ bù lỗ gần 175 tỉ đồng. Ngành điện đề xuất kéo cáp ngầm 4.950 tỉ đồng ra Côn Đảo.