Cặp đôi Hoa hậu Mai Phương Thuý, Ngọc Hân đầu tư chứng khoán

Chia sẻ Facebook
21/03/2022 20:19:01

Hoa hậu chia sẻ kinh nghiệm đầu tư cổ phiếu, thay đổi nhân sự cấp cao tại FPT, tham vọng mới của ông Nguyễn Đức Tài là những thông tin đáng chú ý.


Chốt lãi không bao giờ sai

Ngày 17/3, trên livestream, Hoa hậu Ngọc Hân đã chia sẻ về cách đầu tư trên thị trường chứng khoán của bản thân. Hoa hậu Ngọc Hân tham gia thị trường từ năm 2017 và khoản đầu tư lãi nhất khi mới tham gia thị trường của cô đạt mức 150%. Ngọc Hân cho biết trong đầu tư sẽ cắt lỗ khi ở mức 7-15%.

"Hôm nay xanh thì vui vẻ, hôm nào đỏ thì buồn ơi là buồn mặc dù tất cả chỉ là con số thôi nhưng rất dễ chạm vào cảm xúc của mỗi người. Thực ra thì Hân đã trải qua đoạn đấy rồi nên mình có được một chút kinh nghiệm hơn", cô chia sẻ.

Khi được hỏi về kinh nghiệm đầu tư chứng khoán cá nhân, Ngọc Hân cho biết cô phân bổ danh mục khá rõ ràng. Cô dành 2/3 vốn vào những mã cổ phiếu cảm thấy tăng trưởng tốt, yên tâm và có 1 tài khoản riêng để lướt sóng vui vui trong những thời gian rảnh như dịch Covid-19 vừa qua.

Hoa hậu đầu tư chứng khoán


Sau gần 5 năm tham gia thị trường, điều Ngọc Hân rút ra được là đầu tư chứng khoán không hề dễ và “chốt lãi không bao giờ sai”. Để tồn tại trên thị trường, cô cho rằng cần giữ được tâm thế bình tĩnh không quá vui cũng không quá buồn theo diễn biến thị trường hàng ngày.

Trong giới hoa hậu, Mai Phương Thuý cũng là một nhà đầu tư nổi tiếng. Đầu năm nay, Mai Phương Thúy bất ngờ chia sẻ tổng kết đầu tư của bản thân trong năm 2021.

Cô viết: “Nhân năm thăng hoa của TTCK và sự nghiệp đầu tư cô gái trẻ có vài tâm tình muốn nói. Vẫn biết % lời và NAV (giá trị tài sản) là quan trọng, là đích đến nhưng nói thật mình không muốn ăn mừng hay chia buồn gì cả. Cái mình muốn ăn mừng nhất, sáo rỗng làm sao, sách vở làm sao, lại chính là những ngõ ngách và kĩ thuật nho nhỏ mình đào được trong quá trình thử và sai. Mình thực sự vui vì đào được một đống kĩ thuật nho nhỏ, giải thích được kha khá sự việc trong quá trình thực hành”.

Hoa hậu lý giải về lý do đam mê chứng khoán một cách rất đơn giản: "Thúy thích chứng khoán vì nó minh bạch. Thúy không phải người giỏi đi quan hệ, so với phải đi quan hệ nói cười xin dự án, ngồi ở nhà tự mày mò vẫn vui hơn nhiều".

"Nữ hoàng trứng" Ba Huân bất ngờ chuyển quyền điều hành công ty


Mới đây, bà Phạm Thị Huân , Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân cho biết đã quyết định chia 25% cổ phần cho đối tác trẻ điều hành công ty, đưa ra định hướng mới, đồng hành cùng công ty phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Lý do được bà Huân đưa ra là dù có nhiều kinh nghiệm trên thương trường nhưng bản thân đã gần 70 tuổi nên khó đuổi kịp những xu hướng mới.

Cụ thể, 25% cổ phần Công ty Ba Huân sẽ được chuyển giao cho ông Trần Việt Hưng, một doanh nhân trẻ, đã trải qua nhiều vị trí và làm việc tại Singapore gần 10 năm. Việc chuyển nhượng có thể diễn ra trong tháng 3.

Bà Phạm Thị Huân sinh năm 1954, tại huyện Châu Thành, Long An. Từ năm 1970, bà bắt đầu tự mình đi buôn trứng từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn, khi ấy bà mới 16 tuổi. Năm 1982, bà lập vựa trứng ở TP HCM lấy tên Ba Huân.

Năm 1985, vựa trứng Ba Huân được chuyển đổi thành cơ sở thu mua và phân phối trứng. Năm 2000 chuyển lên thành doanh nghiệp. Năm 2001, bà chính thức thành lập công ty Ba Huân và trực tiếp điều hành doanh nghiệp, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.

Dấu ấn của các tỷ phú Việt


FPT thay đổi nhân sự thượng tầng

Công ty cổ phần FPT công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Theo đó, đại hội sẽ được tổ chức vào ngày 7/4/2022.

FPT sẽ trình đại hội cổ đông về việc bầu 7 nhân sự điều hành mới trong nhiệm kỳ 2022 - 2027. Trong đó, 3 ''tướng'' gạo cội là ông Trương Gia Bình, ông Bùi Quang Ngọc và ông Đỗ Cao Bảo sẽ tiếp tục tại vị cùng với ông Jean Charles Belliol.

Đáng chú ý, Tập đoàn này sẽ có sự điều chỉnh nhân sự thành viên Hội đồng quản trị. Cụ thể, 3/7 người sẽ rời khỏi HĐQT gồm ông Lê Song Lai, ông Tomokazu Hamaguchi và ông Dan E Khoo. Những gương mặt mới đứng vào hàng ngũ HĐQT FBT gồm ông Hiroshi Yokotsuka, ông Hamparur Rangadore Binod và bà Trần Thị Hồng Lĩnh.

Ngoài ra, ban kiểm soát FPT cũng có sự thay đổi khi bà Dương Thùy Dương (hiện là chuyên viên đầu tư của SCIC) thế chỗ bà Nguyễn Thị Kim Anh.

Năm 2021 FPT đạt doanh thu 35.657 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.335 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2022, FPT đặt mục tiêu doanh thu tăng 19% lên 42.420 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 7.618 tỷ đồng.

FPT sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức 20% bằng tiền mặt cho năm 2021, tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu, đồng thời chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng tỷ lệ 20%. Chỉ tiêu cổ tức năm 2022 là 20%.


Tham vọng mới của ông Nguyễn Đức Tài

Mới đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em - thành viên HĐQT công ty Đầu tư Thế Giới Di Động cho biết đang nỗ lực nhiều nhất để năm nay có cửa hàng đầu tiên tại Indonesia. Đây là thị trường nước ngoài thứ hai Thế Giới Di Động (MWG) dự kiến đặt chân tới.

Trước đó vào năm 2017, Thế Giới Di Động xâm nhập vào thị trường Campuchia với cửa hàng điện thoại BigPhone đầu tiên tại thủ đô Phnom Pênh.

Thế Giới Di Động kỳ vọng mỗi cửa hàng thuộc chuỗi này có doanh số 2 tỷ đồng một tháng và là bàn đạp để công ty xâm nhập thị trường bán lẻ Đông Nam Á.

Bên cạnh kế hoạch xuất ngoại thì tập đoàn này cũng thử nghiệm nhiều mô hình mới trong nước. Đầu năm nay MWG đã thử nghiệm 12 cửa hàng độc lập bán lẻ là AVAKids, AVASport, AVAFashion, AVAJi và AVACycle.

Do khai trương ngay trong dịp Tết, các điểm bán thuộc chuỗi AVA đã có bước khởi đầu thuận lợi và đóng góp hơn 50 tỷ đồng doanh thu.

Năm 2022, MWG lên kế hoạch doanh thu thuần 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 30% so với năm ngoái.

Trong đó, 2 chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh vẫn là trụ cột chính mang lại nguồn thu khoảng 75-80% vào tổng doanh thu tập đoàn.


Bà Trần Uyên Phương lại bán ra cổ phiếu Yeah1

Bà Trần Uyên Phương vừa bán 107.300 cổ phiếu YEG để giảm sở hữu từ 14,33% về còn 13,98% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 4/3/2022.

Điểm đáng lưu ý, trước đó ngày 11/11/2021, bà Phương vừa bán ra 1,6 triệu cổ phiếu YEG để giảm sở hữu từ 7,5% về còn 2,47% vốn điều lệ tại YEG và không còn là cổ đông lớn tại YEG.

Tuy nhiên, bà Trần Uyên Phương lại mua vào 3.696.808 cổ phiếu YEG để nâng sở hữu từ 2,51% lên 14,33% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 10/1/2022. Như vậy, sau giao dịch bà Phương trở thành cổ đông lớn tại công ty.

Được biết, bà Phương là ái nữ của Chủ tịch Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh, đồng thời đang giữ chức vụ Phó tổng giám đốc tập đoàn này.


Bảo Anh

Chia sẻ Facebook