Cấp cứu bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa nặng do vỡ tĩnh mạch thực quản
Bệnh nhân 62 tuổi, vào viện trong tình trạng nôn ra máu đỏ tươi, tiếp xúc chậm, da xanh tái, niêm mạc nhợt, đau bụng nhiều, mạch nhanh, huyết áp tăng cao.
Theo BSCKI. Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, tình trạng bệnh nhân chảy máu tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, xơ gan có huyết áp tăng cao, có rất nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng.
Ngay sau khi thăm khám và hội chẩn giữa các chuyên khoa, bệnh nhân được xử trí hạ áp chỉ huy bằng đường tĩnh mạch và hội chẩn chuyên khoa thăm dò chức năng tiêu hóa, theo đó các bác sĩ đã thực hiện kỹ thuật nội soi can thiệp thắt vòng cao su tĩnh mạch thực quản cầm máu cấp cứu.
Sau xử trí, tình trạng bệnh nhân ổn định người bệnh tỉnh táo, không nôn ra máu. Bệnh nhân được điều trị chăm sóc tích cực tại Khoa Cấp cứu, sau 24h đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch đe dọa tính mạng.
Theo các bác sĩ, đối với các bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa và sau xuất huyết tiêu hóa. Đặc biệt là trong trường hợp những tổn thương ở niêm mạc cơ quan tiêu hóa chưa được chữa lành hẳn. Cần chú ý đến các biện pháp dự phòng bệnh sau đây:
Tránh xa các thức uống chứa cồn và chất kích thích như rượu bia, trà đặc, cà phê. Hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ hay gia vị, đồ chế biến sẵn, đồ ăn quá lạnh hay quá nóng.
Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, rau củ quả tươi vào khẩu phần ăn hằng ngày. Bổ sung đầy đủ lượng nước mà cơ thể cần, từ 2 đến 2,5 lít để giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn.
Nên ăn đúng giờ, đủ bữa, thay vì ăn 3 bữa chính thì có thể chia nhỏ ra 5 - 6 bữa để giảm áp lực cho cơ quan tiêu hóa. Cần chế biến thức ăn chín hoàn toàn. Khi niêm mạc tiêu hóa đang tổn thương, nên ưu tiên các món cháo, súp.
Xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh. Tránh thức khuya sau 23 giờ, ngủ đúng giờ, đủ giấc. Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, kiểm soát tốt căng thẳng. Đồng thời chăm chỉ rèn luyện thể dục thể thao mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.