Cấp cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, ngừng tuần hoàn

Chia sẻ Facebook
09/11/2022 00:46:27

Bệnh nhân nữ 73 tuổi, tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau ngực sau xương ức kèm theo khó thở.


Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, kết quả điện tâm đồ và các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp . Bệnh nhân nhanh chóng được hội chẩn chụp động mạch vành cấp cứu.

Kết quả chụp động mạch vành thấy tắc hoàn toàn động mạch vành phải đoạn I, II, hẹp 95% động mạch liên thất trước, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân được chi định đặt 2 stent động mạch vành phải, đặt máy tạo nhịp tạm thời.

Sau can thiệp giờ thứ 7, bệnh nhân đột ngột ngừng tuần hoàn, điện tâm đồ cho hình ảnh rung thất. Bệnh nhân được các bác sĩ cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản, thở máy, duy trì thuốc vận mạch liều cao.

Sau cấp cứu, bệnh nhân tiếp tục điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc với các kỹ thuật: Lọc máu liên tục, đặt catheter động mạch theo dõi huyết áp xâm lấn, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm.

Hiện tại, sau 13 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh, được rút ống nội khí quản, tự thở.

Theo ThS.BS. Trừ Văn Trưởng, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, nhồi máu cơ tim cấp là một trong những bệnh lý cấp cứu tim mạch nặng, nguy cơ tử vong cao, nhiều di chứng về sau, đặc biệt là đối với những người bệnh có nhiều bệnh nền nặng.

Để giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, người dân cần có chế độ ăn uống hợp lý, tránh ăn mỡ và nội tạng động vật, ăn đủ rau quả, tránh hút thuốc lá, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng hợp lý, tránh căng thẳng tâm lý, điều trị tốt các bệnh lý nếu có như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…

Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ đều đặn cũng như khám chuyên khoa tim mạch khi có các triệu chứng bất thường cũng giúp phát hiện và điều trị sớm, phòng ngừa nhồi máu cơ tim và các biến chứng của nó.

Chia sẻ Facebook