Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ Diquat mức độ nặng
Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhân 29 tuổi, bị ngộ độc thuốc diệt cỏ Diquat mức độ nặng
Theo thông tin từ bệnh viện, bệnh nhân B.N.A. (29 tuổi, trú tại Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội) được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng kích thích vật vã, buồn nôn, nôn nhiều ra dịch tiêu hoá, đau họng dữ dội và nóng rát nhiều sau xương ức.
Qua thăm khám, ghi nhận bệnh nhân mạch nhanh, SpO2 97%, nhiễm toan chuyển hoá. Xét nghiệm định tính Diquat trong nước tiểu dương tính; định lượng Diquat trong máu 1,22 mcg/ml. Bệnh nhân được chẩn đoán: Ngộ độc thuốc diệt cỏ nhóm Diquat đường uống giờ thứ 3 mức độ nặng.
Người nhà cho biết: Bệnh nhân uống 3 ngụm (ước lượng khoảng 50ml) thuốc diệt cỏ "Vua cỏ cháy" (thành phần chứa Diquat dibromide). Sau uống, bệnh nhân tỉnh táo, buồn nôn, nôn nhiều, chưa xử trí gì.
Ngay lập tức, kíp trực dưới sự chỉ đạo của TS.Phạm Thái Dũng - Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Nội đã chạy đua với thời gian, tiến hành đồng thời nhiều biện pháp cấp cứu để giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Các bác sĩ và điều dưỡng đã tiến hành rửa dạ dày, bơm than hoạt tính qua sonde, bù dịch, bài niệu tích cực, kết hợp giữa lọc máu liên tục và lọc máu với quả lọc chuyên biệt - hấp phụ độc chất. Bên cạnh đó, bệnh nhân được sử dụng liệu pháp ức chế miễn dịch với Methyl prednisolone trong 3 ngày và chống oxy hóa bằng N-acetylcystein liên tục nhiều ngày sau đó, cùng các biện pháp hỗ trợ tích cực như bảo vệ niêm mạc dạ dày, kiểm soát cân bằng kiềm toan, giảm đau...
Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh, không còn buồn nôn và nôn, hết đau họng, xét nghiệm đánh giá chức năng các tạng trong giới hạn bình thường, định lượng không còn chất độc Diquat trong máu.
Tuy nhiên, đến ngày thứ 5 nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện đau tức bụng vùng hạ vị, da xanh niêm mạc nhợt, siêu âm thấy nhiều dịch tự do trong ổ bụng. Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán: Sốc mất máu cấp do chảy máu trong ổ bụng, theo dõi do chửa ngoài tử cung vỡ ở bệnh nhân ngộ độc Diquat đường tiêu hóa ngày thứ 5.
Ngay lập tức, bệnh nhân được bù khối lượng tuần hoàn, phối hợp với các bác sĩ Khoa Phụ sản mổ cấp cứu cầm máu - xử trí tổn thương kịp thời. Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục hồi sức và điều trị theo phác đồ.
Tình trạng bệnh nhân ổn định theo từng ngày, sau đó, bệnh nhân được nội soi tiêu hóa dạ dày thực quản cũng như chụp CTScan lồng ngực đánh giá mức độ tổn thương phổi trước khi quyết định cho ra viện vào ngày thứ 15.
Theo các bác sĩ, "Vua cỏ cháy" Paraquat và Diquat là những thuốc diệt cỏ cực độc có tính kiềm, khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương nặng nề hầu hết các cơ quan nội tạng quan trọng (tim, gan, thận, phổi, não....). Nghiêm trọng nhất là tổn thương phổi dẫn tới suy hô hấp và xơ phổi, khi càng cung cấp oxy lại càng tạo ra sản phẩm oxy hóa gây tổn thương đến cấp tế bào, nguy cơ tử vong cao 70 - 90% .
Đặc biệt là những bệnh nhân ngộ độc nhóm thuốc này cho tới khi hấp hối vẫn tỉnh táo hoàn toàn nhưng khó thở, vật vã.