Cấp bách thị trường bất động sản
Trước việc nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đồng loạt thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, hoãn đầu tư, thi công nhiều dự án.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Bộ Xây dựng đã có cuộc làm việc với đại diện các doanh nghiệp BĐS khu vực phía Nam để tìm cách tháo gỡ.
Bên lề cuộc gặp, chia sẻ với DĐDN, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, việc cứu thị trường BĐS lúc này là vô cùng cấp bách.
- Hệ lụy của thị trường gặp khó khăn mà doanh nghiệp BĐS đang phải đối mặt là gì, thưa ông?
Doanh nghiệp BĐS đang phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để “tồn tại”. Nhiều doanh nghiệp BĐS đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, phải tinh giản tối đa bộ máy (thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động). Vấn đề này tác động đến an sinh xã hội, đời sống của nhiều người lao động cuộc sống của nhiều hộ gia đình.
Do “tắc” nguồn vốn tín dụng, “tắc” nguồn vốn “trái phiếu”, “tắc” cả nguồn “vốn huy động từ khách hàng” nên một số tập đoàn, doanh nghiệp BĐS “đói vốn” nên phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, hoặc phải bán rẻ dự án, sản phẩm BĐS với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng).
Bên cạnh đó, việc bán dự án với “giá hời” có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội “thâu tóm”, đồng nghĩa với làm mất đi “lợi thế” của các doanh nghiệp trong nước đang “thống lĩnh” thị trường BĐS hiện nay.
- Tình thế khó khăn hiện nay của thị trường BĐS được cho là có một số điểm tương đồng với giai đoạn 2008- 2013 thưa ông?
Đúng vậy! Năm 2008 - 2011, Chính phủ thực hiện “chính sách tiền tệ thắt chặt đột ngột” dẫn đến thị trường BĐS ngay lập tức rơi vào “khủng hoảng đóng băng”. Tuy nhiên, đến tháng 01/2013, Chính phủ có gói tín dụng “kích cầu tiêu dùng” với quy mô 30.000 tỷ đồng và cho phép chia nhỏ căn hộ lớn, chuyển dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội.
Những giải pháp kịp thời này đã giải quyết các “điểm nghẽn” và tạo điều kiện cho 56.112 cá nhân mua được nhà ở, giúp thị trường BĐS phục hồi và tăng trưởng trở lại từ cuối năm 2013 cho đến nay.
- Đó là câu chuyện của 10 năm trước, giải pháp vực dậy thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay sẽ phải linh hoạt hơn, thưa ông?
Giải pháp lớn nhất, và có tính quyết định là thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất” nhằm “phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững”, góp phần thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Để tăng nguồn cung cho thị trường, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ sớm xem xét “có kết luận dứt điểm” các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc “đất công”, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay. Ở góc độ địa phương, TP HCM cần thực hiện công tác rà soát pháp lý, trong đó TP.HCM có 64 dự án, để tăng nguồn cung nhà ở và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án.
Trong quá trình xử lý các dự án thuộc diện rà soát pháp lý, Hiệp hội đề nghị thực hiện chủ trương “thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực” và các doanh nghiệp có liên quan phải nộp nghĩa vụ tài chính, góp phần tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại và sản phẩm nhà ở cho thị trường BĐS.
Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét lựa chọn khoảng 10 Tập đoàn, doanh nghiệp BĐS lớn có nhiều dự án bị “vướng mắc”pháp lý phải dừng thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, dừng thực hiện thi công, dừng các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng để tập trung tháo gỡ, tạo niềm tin và “cú hích” cho thị trường BĐS.
- Giải quyết vấn đề vốn luôn là yếu tố mang tính thiết thực và kịp thời cho giai đoạn trầm lắng của thị trường BĐS, thưa ông?
Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án BĐS, nhà ở thương mại, các dự án nhà ở vừa túi tiền, nhất là các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt các nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, có dự án đảm bảo yếu tố pháp lý đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, có sản phẩm bán tốt, có thanh khoản tốt, giúp làm tăng nguồn cung nhà ở.
Trước mắt, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể nới trần (room) tín dụng thêm khoảng từ 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100-200 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định. Chính sách này sẽ thu hút nguồn vốn nhỏ lẻ nhàn rỗi trong xã hội và giúp cho người dân có thêm kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhất là Nghị định 65/2022 đã có các quy định rất chặt chẽ đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ.
- Xin cảm ơn ông!