Cấp bách cải cách tiền lương

Chia sẻ Facebook
22/08/2022 10:53:22

“Cải cách tiền lương không chỉ để giữ chân người lao động, thúc đẩy người lao động làm việc tốt hơn, góp phần tăng năng suất lao động… Vấn đề quan trọng là làm chuyển biến nhận thức và người ta cảm thấy được bù đắp một cách xứng đáng, để từ đó cống hiến tốt hơn, gắn bó lâu dài hơn, cũng là một trong những động lực tăng năng suất lao động”, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội bày tỏ.

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội

Thực tế vừa qua cho thấy tình trạng cán bộ công chức xin nghỉ việc, rời khu vực công sang khu vực tư diễn ra ở nhiều nơi, nhiều ngành, từ lĩnh vực y tế, đến các địa phương như TP HCM, Đà Nẵng… Thực trạng trên nói lên điều gì, thưa ông?


Đúng là thực tiễn hiện nay đã xuất hiện làn sóng cán bộ, công chức, viên chức ra khỏi khu vực nhà nước và có xu hướng tăng lên. Làn sóng dịch chuyển đầu tiên xuất hiện trong ngành y tế trong đại dịch COVID-19, do áp lực công việc, do nhu cầu cuộc sống, và cái người ta thấy rõ nhất là do vấn đề tiền lương, thu nhập chưa đủ sống trong điều kiện làm việc rất áp lực. Cho nên mới xuất hiện dòng lao động dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư

Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc dịch chuyển này không đáng lo ngại lắm. Vì đây là quá trình dịch chuyển do quan hệ cung cầu lao động thôi và người ta không làm ở khu vực này thì vẫn làm khu vực khác, đều là lao động, phục vụ nhân dân. Điều đó không lấy gì làm lạ, tuy nhiên nó cảnh báo một điều, rõ ràng khu vực công đang có vấn đề mà người ta còn băn khoăn, trăn trở, và người ta chưa muốn phục vụ lâu dài.

Theo ông, điều gì khiến người ta không muốn gắn bó lâu dài?

Lý do lớn nhất vẫn là vấn đề tiền lương, điều kiện làm việc, áp lực công việc, và khả năng thăng tiến của họ. Điều này khiến chúng ta phải tính toán, làm sao đó để các đơn vị, tổ chức, cơ quan nhà nước phải xem xét lại mình. Tại sao người ta lại dịch chuyển như vậy? Trong khi trước đây người ta lại ào ạt muốn vào cơ quan nhà nước, giờ lại muốn dịch chuyển ra ngoài? Đó là điều rất đáng suy nghĩ.

Cá nhân tôi luôn quan niệm và cũng đề cập đến nhiều lâu nay, đó chính là việc chưa cải cách được chính sách tiền lương, chưa làm cho tiền lương thể hiện bằng giá cả và giá trị sức lao động trên thị trường. Thu nhập không cao và người ta thấy cái đóng góp, cống hiến, chi phí lao động của họ không được bù đắp bằng tiền lương và thu nhập. Theo tôi, đó là điều quan trọng nhất.

Tại phiên họp mới đây, một số thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tập trung cải cách chính sách tiền lương. Điều này càng trở nên quan trọng, cấp thiết khi đại dịch COVID-19 đã tạm lắng, thưa ông?

Theo quan điểm của Đảng và Nhà nước, cải cách tiền lương chính là đầu tư cho con người. Mà đầu tư cho con người chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước. Cần phải làm sao sớm cải cách được chính sách tiền lương để cho người lao động đủ sống (chứ chưa nói giàu có), làm sao để cuộc sống của họ từng bước được cải thiện, để từ đó người ta yên tâm cống hiến, không muốn tham nhũng, tiêu cực.

Tính từ 2021 và 6 tháng năm 2022, có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc. Nguyên nhân có nhiều, nhưng nổi lên là chế độ lương cho nhân viên y tế thấp, chưa thỏa đáng và thấp hơn nhiều so với mức thu nhập của cơ sở y tế ngoài công lập.

Một điều quan trọng nữa mà chúng ta phải bàn đến. Đây là nghị quyết của Trung ương, quan điểm của Đảng, nhưng chúng ta lại để kéo quá dài. Tuy nhiên, bộ máy của chúng ta vẫn còn cồng kềnh, biên chế còn quá nhiều. Trong khi đó, chúng ta lại chưa đủ ngân sách, ngân khố để tiến hành cải cách tiền lương, cho nên lộ trình này mới bị chậm.

Rõ ràng đây là vấn đề cần phải suy nghĩ, nhưng cải cách tiền lương chúng ta phải chấp nhận sự bù đắp về ngân sách ban đầu, để có được cái lâu dài. Qua đó để chúng ta củng cố bộ máy, thải dần lực lượng lao động không đủ năng lực, trình độ, không đáp ứng yêu cầu ra khỏi dây chuyền. Điều đó là đương nhiên, nếu không, không thể phát triển được.

Còn giải pháp thi tuyển cạnh tranh thì sao, thưa ông?

Thi tuyển công chức là một yêu cầu tất yếu và là một xu hướng. Nhưng muốn thi tuyển, điều quan trọng trước tiên phải xác định được vị trí việc làm tương ứng với năng lực, trình độ chuyên môn. Không nên tổ chức thi theo hình thức, mà thi phải thực chất, đúng người, đúng việc, đúng vị trí việc làm. Không nên tuyển người một cách ồ ạt, không có tiêu chuẩn, học cái này nhưng lại làm việc kia.

Lâu nay người ta cứ lý lẽ, học cái này vẫn làm được cái khác, lý do này chỉ đúng một phần thôi. Có thể có những người rất giỏi, nhưng giỏi chỉ ở mức độ thôi. Làm việc gì cũng phải có chuyên sâu, thế mới gọi là đại học chuyên ngành này, chuyên ngành kia. Nếu không đất nước này chỉ cần một trường đại học, việc gì phải có hàng trăm trường đại học như vậy.


Cảm ơn ông!


Bộ Nội vụ xây dựng chế độ tiền lương mới

Trả lời kiến nghị của cử tri về chính sách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ trưởng thừa nhận, chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hành dù đã được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, nhưng thu nhập và đời sống của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và của viên chức ngành y tế, giáo dục nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn.

Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới. Đồng thời, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước năm 2022 và những năm tiếp theo, Bộ sẽ trình Chính phủ báo cáo Trung ương và Quốc hội thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người hoạt động không chuyên trách.


Luân Dũng

Chia sẻ Facebook