Cao Xuân Dục: Người đứng đầu Thượng thư bộ Học

Chia sẻ Facebook
08/09/2023 04:41:51

Cao Xuân Dục là nhà giáo dục, văn hóa lớn. Khi ông mất vào ngày 5/6/1923, báo Tribune Indigène (Diễn đàn bản xứ) có bài báo viết về ông với tiêu đề là: “Một ngôi sao lớn đã băng”.


Xứ Nghệ là vùng đất học đặc biệt, các Nho sĩ ở đây sau khoa cử làm quan hầu hết đều theo nghề giáo như huấn đạo, giáo thụ, đốc học, thượng thư bộ Học, tế tửu Quốc Tử Giám. Một trong những nhà giáo điển hình như vậy là Cao Xuân Dục.

Tổng đốc Nam Định – Cao Xuân Dục, trong buổi lễ xướng danh kỳ thi Hương ở Nam Định năm 1897. (Ảnh: André Salles, Gallica.bnf.fr, Wikipedia, Public Domain)

Thuở nhỏ yêu thích sách

Cao Xuân Dục sinh năm 1843 ở thôn Thịnh Mỹ, xã Cao Xá, huyện Đông Thành (nay thuộc xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Từ nhỏ, cũng như những đứa trẻ khác, ông được gia đình cho học, đầu tiên là học với những thầy ở gần, khi học hết chữ thầy rồi thì phải đến tìm thầy ở xa, mỗi lần đi lại hầu như là đi bộ.

Lần Cao Xuân Dục theo học với thầy ở xa nhất là thầy Nguyễn Đức Đạt, cách xa 20 cây số ở tận Nam Đàn. Thầy Đạt làm đến Thượng thư bộ Lại, từng làm chủ khảo trường thi Hà Nội, làm Tồng giám thị tại Kinh đô Huế. Sau này vì chán cảnh quan trường, cha mẹ lại già yếu nên ông xin về quê dạy học, phụng dưỡng cha mẹ.


Đến nhà các thầy, Xuân Dục rất thích xem sách, thấy cuốn nào hay thì đều mượn xem. Nhưng với những sách quý hiếm thì thầy không cho mang đi nên phải đọc tại nhà thầy. Xuân Dục rất siêng học, thấy quyển nào hay thì đều chép lại cẩn thận đưa về nhà. Sau này khi làm quan ông cũng giữ thói quen sưu tầm sách hay, nhất là sách cổ, nếu chủ nhân không bán thì ông chép lại, thấy có quyển nào hay ông đều cẩn thận chép lại, đến nỗi sau này ông có một thư viện riêng ở nhà và đặt tên là “Long Cương tàng bản”.

Thấy Xuân Dục thông minh lại siêng năng, thầy dạy rất quý rồi gả con gái cho. Nhưng đường khoa cử của Cao Xuân Dục không được suôn sẻ, đến năm 1876 ông mới vượt qua tứ trường kỳ thi Hương tức cử nhân.

Thượng thư bộ Học Cao Xuân Dục

Đỗ cử nhân, Cao Xuân Dục nhận chức Hậu bổ ở Quảng Ngãi, trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, vị trí nào ông cũng làm tốt, nên năm 1880 ông được thăng lên làm Hàn lâm viện Biên tu, sang năm thì được về Kinh đô Huế làm việc..

Năm 1882, Pháp đánh chiếm thành Hà Nội, Cao Xuân Dục được cử trong đoàn phái bộ ra bắc để thương thuyết với Pháp. Sau đó ông ở lại bắc để đảm nhận các chức vụ khác nhau. Tuy nhiên do phản đối người Pháp mà ông từng bị giáng cấp.

Năm 1894 thì cao Xuân Dục chuyển sang lĩnh vực giáo dục, ông được cử làm Chánh chủ khảo trường thi Hương Hà Nam, rồi được thăng hàm Thự Hiệp biện Đại học sĩ, lãnh Tổng tài Quốc sử quán.

Đến năm 1901, ông được cử làm Chánh chủ khảo khoa thi Hội ở Huế, rồi làm quyền quản Quốc Tử Giám.


Năm 1907, Triều đình cử Cao Xuân Dục và Thượng thư bộ Hộ Huỳnh Côn dẫn đầu phái đoàn vào Nam để bàn về “bàn nghị học chính” với người Pháp. Sau chuyến đi trở về, vua Duy Tân cho đổi bộ Lễ thành bộ Học, và Cao Xuân Dục đứng đầu bộ này tức Thượng thư bộ Học sung Phụ chính đại thần, Chủ tịch Hội đồng khảo duyệt sách kinh điển.

Cao Xuân Dục trở thành người đứng đầu về giáo dục của cả nước. Sau này bộ Học được đổi tên thành bộ Giáo dục và Đào tạo như ngày nay.

Không theo Pháp

Năm 1913, Cao Xuân Dục được phong hàm Đông các đại học sĩ – nằm trong tứ trụ của Triều đình, bàn bạc với Vua để quyết định những sự việc then chốt.

Lúc này trong Triều có Trương Như Cương theo Pháp muốn làm Phó Vương, tức chỉ dưới Vua nhưng sẽ nắm mọi quyền hành hoạt động cho Pháp. Trương Như Cương dù làm quan Triều đình nhưng lại hành động theo Tòa khâm sứ Pháp. Như Cương cũng từng đứng đầu Hội đồng phụ chính, làm theo lời từ tòa Khâm sứ Pháp, cho rằng vua Thành Thái bị điên để phế truất Vua.

Nay người Pháp muốn Trương Như Cương giữ chức Phó Vương để nắm quyền hành phục vụ cho Pháp, nhằm nắm trọn Triều đình.

Khi các quan ký vào tờ biểu dâng lên Vua cho Trương Như Cương làm Phó Vương thì Cao Xuân Dục không đồng ý ký, ông viết vào mấy câu sau:

Dịch Hán – Việt:


Thiên vô nhị nhật
Quốc vô lưỡng vương
Thần Cao Xuân Dục
Bất Khả Ký

Bản dịch:


Trời không có hai mặt trời
Nước không có hai vua
Thần Cao Xuân Dục
Không thể ký

Cao Xuân Dục liền bị gièm pha rồi giáng chức. Ông cũng xin nghỉ hưu về nhà.

Chuyện dân gian: Kén rể cho con gái

Người làng truyền nhau câu chuyện Cao Xuân Dục kén rể cho con gái. Vì ông hay bận bịu công việc, vợ phải quán xuyến việc nhà, nên ông muốn tìm một chàng rể cùng quê để giúp vợ.

Trong nhà có người làm thuê là Đặng Văn Thụy ở Nho Lâm làng bên, vốn là con một cụ đồ nhưng nhà rất nghèo. Dù thế Đặng Văn Thụy rất chăm học, làm hết việc lại chăm chỉ đèn sách.

Thấy Thụy thông minh, lại siêng năng chăm học nên vợ chồng Cao Xuân Dục định nuôi cho ăn học rồi kén rể. Cả hai dặn con gái lo cho cậu Thụy ăn uống đầy đủ để chuyên tâm học hành. Bữa nào cô con gái tên Bích đưa cơm cho Thụy cậu cũng đều ăn hết mà vẫn kêu đói. Cô Bích cho phần cơm bằng 4, 5 người mà Thụy vẫn ăn hết.


Làng Nho Lâm vốn có nghề thợ rèn, Thụy cũng là thợ rèn, người vạm vỡ không giống Nho sinh. Cô Bích đành thưa với cha: “Cha tính lựa cho con một người chồng như ri chăng?” rồi kể cho cha nghe về cái bụng ăn không biết no của Thụy. Ông Dục nói với con rằng: “Xưa nay những người khác thường mới có những cái không bình thường”.

Quả nhiên khoa thi năm 1904, Đăng Văn Thụy đỗ cao nhất tức Đình nguyên. Khoa thi này còn có các danh sĩ nổi tiếng như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp. Về sau Đặng Văn Thụy được làm Tế tửu trường Quốc Tử Giám.

Cảnh xướng danh các thí sinh đỗ đạt. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Thư viện gia đình lớn nhất với nhiều sách quý


Vốn từ nhỏ đã yêu quý sách, Cao Xuân Dục lập một thư viện lớn “Long cương tàng bản” ở nhà để thỏa chí. Hậu duệ của ông là giáo sư Cao Xuân Phổ mô tả rằng:

“Cao Xuân Dục đã lập một thư viện riêng ở quê nhà Diễn Châu. Long Cương, một thư viện lớn của Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, gồm khoảng 10.000 đầu sách bằng chữ Hán. Cao Xuân Dục đã cho sao chép nhiều tài liệu, văn bản công khai lưu trữ ở Quốc Sử quán, bộ Học đem nhập vào thư viện”.


Tầng bên trên của “Long Cương tàng bản” là lầu vọng nguyệt. Tầng dưới chứa sách, tầng 2 là phòng chép sách. Tương truyền trong nhà Cao Xuân Dục lúc nào cũng có dăm bảy ông tú, cậu cử được thuê ở để làm hai việc: Dạy cho con cháu và chép sách.


Cuốn sách nào quý ông đều cho chép ra làm 5 bản, để tại thư viện 2 bản, còn những bản khác đưa cho con cháu của mình giữ để học được tinh hoa của các bậc Thánh Hiền, đồng thời nếu có mất quyển này thì vẫn còn quyển khác. “Long Cương tàng bản” là thư viện gia đình lớn nhất vào lúc đó.


“Long Cương tàng bản” cũng nổi tiếng là có các sách quý hiếm, ví như cuốn “Ức Trai thi tập” bị thất lạc mấy trăm năm nhưng đã xuất hiện trong thư viện này.

Cháu nội của Cao Xuân Dục là Cao Xuân Huy suốt ngày nghiền ngẫm trong thư viện, nhờ đó mà trở thành giáo sư, nhà Đông phương học số 1 ở Việt Nam.


Là người quý sách, Cao Xuân Dục cũng để lại nhiều tác phẩm công phu, trong đó nổi bật có 4 quyển là: “Đại Nam dư địa chí ước biên”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Quốc triều Hương khoa lục”, “Quốc triều khoa bảng lục cẩn thận từ địa lý” viết về phong thổ cho đến các khoa thi Hương, thi Hội của triều Nguyễn.


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook