Cao Trí Thịnh – Kỳ 4: Một di sản về lòng nhẫn nại và dũng khí
Điều gì khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc sợ hãi Cao Trí Thịnh? Vì anh là một người đặc biệt, người đã tạo nên liên minh của các nhà hoạt động, người thật sự có khả năng gắn kết những con người từ đủ mọi tầng lớp khác nhau, và khiến cộng đồng đó đoàn kết lại xung quanh mình. Đó chính xác là điều mà chính quyền Trung Quốc nhận thấy và sợ hãi ở anh.
Sinh ra trong một cái hang và lớn lên dưới các vì sao, anh đã có thể chỉ là một người nông dân Trung Quốc nghèo khó. Ấy vậy mà anh lại trở thành một trong những người tiên phong nhất của thời đại. Đảng Cộng sản Trung Quốc khiếp sợ anh, nhưng anh lại được hàng triệu người dân Trung Quốc ngưỡng mộ… Anh là Cao Trí Thịnh.
Thông qua các kỳ trước, chúng ta đã được biết đến cuộc đời của luật sư Cao Trí Thịnh, từ một anh nông dân bán rau đến một luật sư hàng đầu Trung Quốc , từ đỉnh cao của danh vọng đến trắng tay , cũng như hành trình mà Cao và gia đình đã trải qua trong suốt những năm anh bị chính quyền bức hại. Trong kỳ cuối này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tại sao Cao lại được gọi là “con người tiên phong của một thời đại khổ đau ở Trung Quốc” , anh đã để lại sau lưng mình những gì?
“Anh đại diện cho những gì mà Trung Quốc có thể trở thành. Đó là một Trung Quốc có dân chủ, có nhân quyền, có luật pháp thực sự.” – Edward McMillan-Scott , Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu
“Anh thắp lên ánh sáng hy vọng cho những con người đang đau khổ dưới một chính quyền tàn bạo.” – Hà Tuấn Nhân , Cựu Chủ tịch Đảng Dân chủ, Thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông
Đó cũng là cái nhìn chung của cộng đồng quốc tế về Cao Trí Thịnh. Trong suốt những năm tháng thăng trầm ấy, anh đã để lại những di sản quý giá:
Là một trong những luật sư đầu tiên nhận tư vấn pháp lý miễn phí cho người nghèo. Là người đã quy tụ được “liên minh” của những nhà hoạt động nhân quyền trong và ngoài Trung Quốc. Là người đã dũng cảm chỉ ra bất công lớn nhất trong xã hội Trung Quốc. Kiên định chính nghĩa bất chấp hiểm nguy.
Tư vấn pháp lý miễn phí
Khi tư vấn pháp lý miễn phí vẫn còn là một từ ngữ xa lạ ở Trung Quốc, thì Cao Trí Thịnh đã được toàn quốc biết đến vì cung cấp dịch vụ miễn phí cho những con người khốn khổ. Đó là các em nhỏ là nạn nhân của tắc trách y khoa, là những công nhân bị chủ doanh nghiệp ruồng bỏ sau khi gặp phải tai nạn nghề nghiệp, là những con người thấp cổ bé họng bị quan chức chèn ép… Thậm chí có một lần, người ta còn đưa tới cho Cao một người ăn xin. Anh đã mua rất nhiều đồ ăn cho anh ấy và nói: “Ăn đi đã, rồi chúng ta sẽ xem liệu tôi có thể giúp được gì.”
Mỗi năm Cao Trí Thịnh dành một phần ba thời gian của mình để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo. Anh không muốn để lọt mất những con người ở tầng lớp đáy cùng của xã hội Trung Quốc, nơi anh vốn được sinh ra. Cao đã khóc khi nghe câu chuyện của họ, đó là cách mà họ đến với anh.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Cao Trí Thịnh cũng thành công. Tại một đất nước mà lợi ích của kẻ cầm quyền được đặt lên trên hiến pháp, Cao đã thua trong những vụ kiện có ảnh hưởng tới quyền lợi của giới quan chức và các doanh nhân quyền lực.
Trong cuộc phỏng vấn với đài SOH ngày 21 tháng 10 năm 2005, Cao chia sẻ:
Có 2 vấn đề trong xã hội Trung Quốc ngày nay: Một là, chính phủ nắm trong tay quyền lực để gây ra những vụ việc dã man và tàn bạo trên một quy mô lớn. Hai là, trong những vụ việc như vậy, nếu vấn đề càng liên quan đến vi phạm nhân quyền hay chà đạp quyền công dân thì khả năng để xử lý thông qua các thủ tục pháp lý càng ít.
Thực tế chán nản đó, cùng với những bất công khó mà lay chuyển trong hệ thống luật pháp thường khiến Cao Trí Thịnh buồn bã và cảm thấy bất lực. Đã từng có lúc anh muốn chuyển nghề. Nhưng Cao nhận ra rằng anh không thể quay lưng lại với những con người tìm tới anh trong tuyệt vọng.
“Liên minh” của những nhà hoạt động
Khả năng gắn kết tuyệt vời này bắt đầu thể hiện rõ từ sau khi Cao công bố hai bức thư ngỏ liên tiếp tới Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Anh đã bị cảnh sát mật quấy nhiễu liên tiếp. Đó cũng là thời điểm mâu thuẫn xã hội ở Trung Quốc tăng lên rất cao, và người dân thường cũng như các nhà hoạt động phải chịu sức ép rất lớn từ giới quan chức.
Để phản kháng lại sự khủng bố ngày càng tăng đối với các nhà hoạt động, Cao đã khởi phát một phong trào tuyệt thực đầu năm 2006. Mỗi ngày, một nhóm người sẽ nhịn ăn trong 24 giờ. Việc tuyệt thực sẽ thay đổi luân phiên giữa các nhóm. Người Trung Quốc trên toàn thế giới đã hưởng ứng. Người dân tại 25 tỉnh thành đã tham gia tuyệt thực vào cùng một ngày.
Phong trào chính nghĩa ôn hòa của Cao Trí Thịnh đã nhận được sự ủng hộ của hàng chục nghìn người.
Sau sự kiện đó, cảnh sát càng quấy nhiễu Cao gắt gao hơn, khiến anh không thể có được cuộc sống bình thường. Cao rời khỏi nhà vào tháng 3 năm 2006, và đi khắp Trung Quốc trong 6 tháng. Bất cứ nơi nào Cao tới, mọi người đều sẽ đến bên anh để thể hiện sự ủng hộ và khâm phục, bất chấp việc bị trừng phạt bởi các đặc vụ, những kẻ vẫn ngày ngày bám đuôi anh.
Vạch trần bất công lớn nhất trong xã hội Trung Quốc
Nói về Cao Trí Thịnh, ông Hạ Ích Dương, chuyên gia Luật pháp Trung Quốc nhận xét:
Trong bất cứ xã hội nào, cũng luôn có những người tốt dám hy sinh bản thân cho lợi ích của người khác hay cho công lý. Nhưng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là ở Trung Quốc, họ cần có một phương hướng, cần có một con đường. Và tôi nghĩ rằng Cao Trí Thịnh đã trở thành một hình mẫu khi dũng cảm chỉ ra rằng trong xã hội Trung Quốc, bất công lớn nhất chính là cuộc bức hại Pháp Luân Công. Vì vậy nếu ai đó muốn mang tới công lý cho xã hội, thì họ bắt buộc phải đối mặt với vấn đề Pháp Luân Công.
Tại sao vấn đề Pháp Luân Công lại là bất công lớn nhất của xã hội Trung Quốc? Một luật sư dũng cảm khác được nhắc tới trong kỳ 1 là Quách Quốc Đinh đã kể lại trải nghiệm của ông khi tiếp nhận một vụ án của Trần Quang Huy, một người tập Pháp Luân Công như sau:
Trần Quang Huy bị kết án 8 năm tù giam và bị tra tấn đến mức chỉ còn sống thực vật, rồi được đưa tới bệnh viện y Tô Châu. Khi tới thăm anh trong bệnh viện, tôi phát hiện rằng dù đang hôn mê, Trần Quang Huy vẫn bị trông chừng bởi cảnh sát 24/7. Vì thế để thăm anh, tôi đã phải giả vờ đến thăm một người khác rồi đi tới giường của anh ấy. Tôi chỉ ở đó được có 2-3 phút thì bị cảnh sát đuổi đi. Điều đó có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là với các vụ án về Pháp Luân Công, nguyên đơn không được phép gặp luật sư thậm chí cả khi ở trong trạng thái sống thực vật. Chế độ đang sợ hãi điều gì?
Chính vì thế, khi Cao Trí Thịnh bắt đầu cuộc điều tra của mình về Pháp Luân Công, anh đã bị cảnh sát mật quấy nhiễu liên tục, thậm chí còn bị ám sát hụt vào ngày 17/1/2006. Cao chia sẻ trong một đoạn video ngắn được bạn anh là Hồ Giai đăng tải như sau:
Bạn bè nói với tôi rằng: “Đảng muốn bắt hoặc giết cậu.”
Tôi trả lời: “Nếu cậu nói về việc bị giết hay bị bắt bớ một cách tùy tiện như một mối nguy hiểm thì thật ra chúng ta vẫn luôn ở trong nguy hiểm. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, chẳng phải nó đã giết chết rất nhiều người hay sao? Hàng ngày, có rất nhiều người bị bắt. Sẽ chẳng có gì lạ nếu họ bắt thêm một người. Tại sao cứ phải là ai khác mà không phải là tôi?”
Sau khi Cao được thả khỏi tù lần đầu vào năm 2006, anh bị giám sát gắt gao và bị buộc phải từ bỏ công việc luật sư của mình. Tuy nhiên ảnh hưởng của Cao vẫn hiện hữu. Các luật sư khác đã dũng cảm tiếp bước Cao, và cố gắng bảo vệ các học viên Pháp Luân Công tại tòa…
Cuối tháng 4 năm 2007, tại thành phố Thạch Gia Trang cách Bắc Kinh 320 cây số, 6 luật sư đã bất chấp sự đe dọa từ chế độ và có một phiên bào chữa lịch sử về tự do tín ngưỡng trước một tòa án tại Trung Quốc. Họ bào chữa cho Vương Bác và cha mẹ cô, những người đã bị đưa ra xét xử chỉ vì tập Pháp Luân Công và phân phát thông tin sự thật về tội ác vi phạm nhân quyền đối với các học viên.
Đó là lần đầu tiên trong một phiên tòa, các luật sư Trung Quốc dám vượt qua rào cản của Đảng Cộng sản Trung Quốc và lên tiếng phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công phi pháp. Vương Bác và cha mẹ cô vẫn bị kết án tù giam mặc cho nỗ lực của các luật sư…
Nhưng con đường đã được mở! Kể từ đó, rất nhiều luật sư Trung Quốc đã bào chữa cho sự vô tội của các học viên Pháp Luân Công trước tòa.
Kiên định chính nghĩa bất chấp hiểm nguy
Sau nhiều lần bị bắt cóc và tra tấn, Cao đã xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn ngủi vào tháng 3 năm 2010. Khi đó, phóng viên Bill Schiller thuộc tờ Toronto Star đã tới thăm Cao tại Bắc Kinh. Trong bài báo của mình, Schiller viết:
Gầy hơn, nhưng không gục ngã, Cao nói rằng anh đã rút khỏi vị trí của một nhà hoạt động đi đầu. Nhưng anh chưa bao giờ từ bỏ nguyên tắc sống của bản thân. Cao nói: “Tất nhiên, tôi đang rút khỏi vị trí đó. Nhưng rút khỏi nó không có nghĩa là vứt bỏ nguyên tắc sống của mình.”
Chỉ trong vài ngày, Cao lại biến mất. 9 tháng sau, vào tháng 1 năm 2011, tờ Associated Press công bố một cuộc phỏng vấn độc quyền với Cao vào khoảng thời gian ngắn ngủi mà anh được thả. Cao đã mô tả chi tiết những tra tấn mà anh phải trải qua. Đó là sự tra tấn khủng khiếp nhất mà anh từng chịu đựng. Cao đã vượt qua giới hạn của chính quyền khi cho phép họ phỏng vấn anh. Nhưng Cao nói với phóng viên rằng, nếu anh lại biến mất, thì hãy đăng tải phóng sự đó.
Không lâu sau phóng sự của tờ Associated Press, một bài viết của Cao từ hai năm trước đó với tựa đề “Lời nói từ trái tim” đã được đăng tải. Cảnh Hòa đã mang bài viết theo khi cô rời Trung Quốc, nhưng lại làm mất nó trong chuyến đi. Hai năm sau, bài viết được tìm thấy. Trong bài viết, Cao một lần nữa lên tiếng phản đối việc Đảng Cộng sản Trung Quốc tàn bạo bức hại người dân, và kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền. Cuối cùng, Cao viết:
Việc công bố bài viết này sẽ khiến tôi bị bắt cóc một lần nữa. Bắt cóc đã trở thành một phần trong cuộc sống bình thường của tôi. Nếu nó đến, thì cứ để cho nó đến!
Di sản lớn nhất mà Cao Trí Thịnh để lại chính là dũng khí đạo đức vượt qua sợ hãi!
“Bất hạnh lớn nhất của chúng ta là sống tại Trung Quốc vào giai đoạn lịch sử này. Không ai trên thế giới đã từng trải qua hay chứng kiến những khổ đau mà chúng ta đang phải chịu đựng. Nhưng may mắn lớn nhất của chúng ta cũng lại là sống tại đây, trong giai đoạn lịch sử này. Vì chúng ta sẽ trải qua và chứng kiến những con người vĩ đại vượt trên khổ đau, một lần và mãi mãi!” – Cao Trí Thịnh |
Quang Minh
Luật sư Cao Trí Thịnh ghi chép về tra tấn tình dục tù nhân tại TQ
Mời xem video :