Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc xin cấp vốn để đầu năm 2023 giải phóng mặt bằng
Các đơn vị liên quan đến thực hiện cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (một hợp phần trong dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương nối TP.HCM với Đà Lạt) đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư bố trí vốn để giải phóng mặt bằng vào đầu năm 2023.
Ngày 15-7, ông Nguyễn Chí Dũng, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, cùng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khảo sát thực tế dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Đây là một đoạn thuộc dự án tổng cao tốc Dầu Giây - Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương nối TP.HCM - Đồng Nai - Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).
Liên danh các nhà đầu tư gồm Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty Tập đoàn Nam Miền Trung kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vào quý 1-2023.
Ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66km được thực hiện theo hình thức đối tác công tư với vốn đầu tư khoảng 16.220 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 6.500 tỉ đồng. Tỉnh Lâm Đồng cam kết bố trí kinh phí trong chu kỳ 2022 - 2025 là 4.500 tỉ đồng. Đến nay, dự phòng ngân sách của tỉnh Lâm Đồng để thực hiện dự án này có khoảng 3.700 tỉ đồng. Dự án hoàn vốn trong hơn 20 năm.
Tỉnh Lâm Đồng khẳng định sẽ khởi công dự án này trong tháng 6-2023. Hiện tỉnh Lâm Đồng đã "để dành" các điểm mỏ và sắp tới sẽ bàn giao cho các nhà đầu tư dự án 12 điểm mỏ vật liệu xây dựng thông thường như đất, cát, đá sỏi… để phục vụ thi công. Ông Trần Văn Hiệp cho rằng với sự chuẩn bị tiền thi công như hiện nay, dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ.
Ngoài dự án đường cao tốc nói trên, tỉnh Lâm Đồng còn đang chuẩn bị để có thể cùng lúc khởi công thêm dự án đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (đoạn cuối trong tuyến cao tốc dài hơn 200km nối TP.HCM với Đà Lạt).
Với dự án đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 73,9km, có tổng vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng, tỉnh Lâm Đồng cam kết bố trí 10.800 tỉ đồng đối ứng, còn lại là vốn của các nhà đầu tư. Tỉnh đã gửi văn bản đề nghị trung ương hỗ trợ 2.500 tỉ đồng.
Theo ông Hiệp, khó khăn lớn nhất hiện nay là thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để làm đường. Hiện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang xin ý kiến các bộ ngành lần cuối để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi sớm.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các bộ, ngành dồn sức hỗ trợ địa phương thực hiện cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương, thúc đẩy phát triển vùng. Đây là tuyến cao tốc quan trọng đấu nối vô tuyến Long Thành - Dầu Giây - Tân Phú.