Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 đã đảm bảo được 80% mặt bằng
Thống kê của Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025 đến tháng 10/2022, các địa phương đã hoàn thành trích đo tại thực địa, kiểm đếm thực địa, kiểm kê tài sản trên đất và đảm bảo được khoảng 80% mặt bằng phục vụ thi công.
Bám sát tiến độ kiểm đếm
Theo đại diện Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, để đảm bảo đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025 vào cuối năm nay theo đúng mục tiêu Chính phủ, Bộ GTVT giao, công tác triển khai các hạng mục phục vụ khởi công, nhất là khâu GPMB đang được các Ban Quản lý dự án giao thông (đại diện chủ đầu tư) phối hợp với các địa phương bám sát tiến độ kiểm đếm mặt bằng hàng tuần.
Cà Mau là địa phương đầu tiên trình phương án bồi thường GPMB đợt 1 để Bộ GTVT xem xét, chấp thuận. Khối lượng giải ngân tính đến cuối tháng 9/2022 đã đạt khoảng 55 tỷ đồng.
Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông vẫn đang tiếp tục đề nghị các Ban Quản lý dự án giao thông bám sát thực địa, kịp thời xử lý khó khăn, hoàn thiện phương án GPMB tổng thể, đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng theo chỉ đạo tại Nghị quyết 18/CP của Chính phủ.
Đến đầu tháng 10/2022, dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn II đã được Bộ GTVT giao khoảng 8.592 tỷ đồng chủ yếu phục vụ công tác GPMB, bao gồm cả 257 tỷ đồng chuẩn bị đầu tư đã giao từ đầu năm. Theo phương án được duyệt, dự án cao tốc trọng điểm quốc gia này sẽ được GPMB quy mô 6 làn xe. Riêng đoạn Cần Thơ - Cà Mau GPMB quy mô 4 làn xe theo quy hoạch. Tổng diện tích đất chiếm dụng của dự án khoảng hơn 5.400 ha.
Nghị quyết 18/CP yêu cầu các địa phương có tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn II đi qua phải đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.
Đề xuất kiểm toán
Bộ GTVT vừa có công văn gửi Kiểm toán Nhà nước về việc phối hợp kiểm toán các gói thầu xây lắp của 12 dự án thành cao tốc Bắc Nam giai đoạn II.
Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị Kiểm toán Nhà nước hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị kiểm toán chuyên ngành (khu vực) thực hiện kiểm toán hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng công trình các đoạn tuyến/gói thầu xây lắp của các dự án trước khi thực hiện công tác chỉ định thầu các gói thầu xây lắp, đảm bảo tiến độ khởi công các dự án trước ngày 31/12/2022 và triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023.
Đề xuất này nhằm đảm bảo các dự án thành phần tuân thủ đúng quy định pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý chặt chẽ và sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch; hạn chế gây thất thoát lãng phí, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình trước khi thực hiện chỉ định thầu các gói thầu xây lắp theo Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 08/9/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025
Theo kế hoạch, Bộ GTVT sẽ gửi hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng của các gói thầu xây lắp thuộc 12 dự án thành phần tới Kiểm toán Nhà nước từ khoảng ngày 20/10 - 7/11/2022.
Trước đó, trong tháng 9/2022, Bộ GTVT đã có văn bản đề xuất về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án, đảm bảo 2 tiêu chí: Điều kiện năng lực kinh nghiệm nhà thầu và quy mô gói thầu xây lắp tại dự án. Đây là những vấn đề quan trọng Bộ GTVT cần được Thủ tướng Chính phủ thông qua để có thể kích hoạt tiến trình chỉ định nhà thầu xây lắp cho dự án.
Đáng chú ý, Bộ GTVT kiến nghị phân chia gói thầu các gói thầu xây lắp tại dự án với phạm vi khoảng 20 - 40 km/gói thầu và có giá trị dự kiến khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Như vậy, 12 dự án thành phần thuộc dự án với chiều dài khoảng 729 km, dự kiến được chia thành 30 gói thầu.