Cao Thắng: Người học chế tạo súng trường chống quân Pháp (P1)

Chia sẻ Facebook
28/07/2022 13:15:15

Trong cuộc chiến chống lại quân Pháp, triều đình nhà Nguyễn cũng như các cuộc khởi nghĩa đều có điểm yếu lớn đó là vũ khí thô sơ, không thể chống nổi vũ khí hiện đại của phương Tây. Khi ấy có một người trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn vẫn học hỏi chế ra được súng trường tiên tiến khiến quân Pháp phải chịu thiệt hại nặng nề. Ông là Cao Thắng.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Khởi nghĩa Hương Khê

Cao Thắng sinh trưởng trong gia đình ở Yên Đức, Tuần Lễ, tổng An Ấp, huyện Hương Sơn nay thuộc xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở nhỏ Cao Thắng thông minh nhanh nhẹn, thích săn bắn, đặc biệt thích võ nghệ và học binh thư.

Năm 1885, Cao Thắng cùng em ruột là Cao Nữu và bạn thân là Nguyễn Kiểu cùng chiêu mộ thêm 60 người khác tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Phan Đình Phùng ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Ban đầu Cao Thắng được phong làm quản cơ.

Đến năm 1887 thì khởi nghĩa Hương Khê suy yếu, Phan Đình Phùng quyết định ra bắc nhằm liên kết với các lực lượng khởi nghĩa ở đây. Cao Thắng bằng tài năng của mình cũng dần dần được tin tưởng. Trước khi ra bắc, Phan Đình Phùng giao quyền chỉ huy nghĩa quân lại cho Cao Thắng.

Cao Thắng đã bố trí xây dựng một hệ thống đồn lũy vững chắc, dựa lưng vào dãy núi Thiên Nhẫn và Giăng Màn, vây kín cả 3 mặt bắc, tây, nam, sẵn sàng ứng cứu nhau một cách nhanh chóng. Hệ thống đồn lũy cũng khống chế cả con đường đi Nghệ An, Quảng Bình hay sang Lào. Quân Pháp muốn tiến đánh nghĩa quân thì chỉ có duy nhất là đi qua quốc lộ 8.

Học hỏi cách chế tạo súng

Sau một thời gian chống Pháp, Cao Thắng nhận thấy quân Pháp được trang bị hiện đại, muốn phát triển nghĩa quân thì cần phải được trang bị vũ khí tốt mới chống được Pháp. Chính vì thế mà ông ngày đêm suy nghĩ cách cải tiến, chế tạo súng.

Ông đã chế ra một loại súng, rồi cho thợ rèn làm, được 200 khẩu súng trường loại nhồi thuốc ở đầu nòng, dùng kim hỏa đánh lửa đốt thuốc phóng ở đạn.

Tuy nhiên qua thực tế sử dụng, Cao Thắng nhận thấy loại súng này còn thô sơ, cứ bắn một viên lại phải nạp đạn, thời gian nạp đạn khá lâu, không thể sánh với súng của quân Pháp được.

Cao Thắng liền lên kế hoạch, bố trí mấy chục sĩ tốt mai phục con đường quân Pháp hay đi qua. Nghĩa quân diệt được 2 sĩ quan Pháp và 15 lính, thu 17 súng cùng 600 viên đạn.

Có được súng, Cao Thắng tháo rời ra từng mảnh rồi nghiên cứu nguyên lý hoạt động và cách chế tạo, rồi ông hướng dẫn cho thợ rèn làm. Làm không thành thì sửa hoặc làm lại cho đến khi thành mới thôi.

Nghĩa quân thu mua sắt, tìm cày hư cuốc hỏng làm nguyên liệu để tạo súng. Mâm đồng, nồi đồng làm vỏ đạn. Thuốc súng thì làm từ diêm tiêu đào ở trong núi. Nòng súng được làm từ gọng ô.

Nhưng khi súng được hoàn thành, đem bắn thử thì nòng súng lại vỡ ra bởi chất lượng sắt không tốt nên không chịu được thuốc đạn. Cao Thắng liền cho người sang Xiêm tìm hiểu.

Chuyện một người Pháp lên ngôi vua ở Tây Nguyên (Kỳ 1)

Bước đầu thành công

Bấy giờ quân Anh ở Xiêm có mâu thuẫn với Pháp về vấn đề thuộc địa của người Pháp, nên đã chỉ cho người của nghĩa quân cách dùng thép làm nòng súng, không chỉ thế nghĩa quân cũng mua được bột nổ và trở về.

Nhờ đó nghĩa quân đã tạo ra được 350 khẩu súng trường giống hệ như súng 1874 của Pháp. Sau này quân Pháp có thu được súng loại này của nghĩa quân nhưng khi để gần súng 1874 của Pháp thì không phân biệt được.


Về sự kiện này, cuốn Việt sử Tân biên của Phạm Văn Sơn mô tả rằng: “Một sự khó khăn nhất bấy giờ đối với nghĩa quân là vấn đề vũ khí. Kinh nghiệm cho thấy gươm giáo, gậy guộc không chống nổi súng đồng”. “Trong một trận giáp chiến trên đường Nghệ An-Hương Sơn, Cao Thắng đoạt được 17 khẩu súng bắn mau của quân Pháp”. “Ông liền cho thợ rèn ở hai làng là Vân Chàng và Trung Lương lấy súng làm mẫu”. “Sau mấy tháng ròng đúc được 350 khẩu như hệt kiểu súng năm 1874 của Pháp”.

Đại úy Ch.Gosselin trong quyển sách L’Empire d’Annam (Đế quốc An Nam) đã viết:

“Các khẩu súng kiểu 1874 này được sản xuất bí mật tại những địa điểm mà chúng ta không phát hiện ra được và với một khối lượng rất nhiều. Tôi đã mang về Pháp vài khẩu súng này, chúng giống về tất cả mọi phương diện so với những khẩu súng do các công binh xưởng của chúng ta sản xuất.”

Tuy vậy nếu so sánh về chất lượng với súng của Pháp, thì súng của Cao Thắng vẫn có nhược điểm hạn chế sau:

Lò xo kim hỏa làm bằng gọng ô, súng cứ bắn hết 6 viên đạn thì nhiệt độ cao làm yếu đi không bắn tiếp được, nên cứ bắn hết 6 viên đạn thì phải rót nước vào cho nguội bớt rồi mới bắn tiếp.

Nòng súng không có rãnh xoắn nên độ chính xác và khoảng cách bắn ra còn thấp hơn một chút so với súng của Pháp.

Dù trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, nhưng súng mà Cao Thắng tạo ra đã vượt hơn so với súng của các nghĩa quân khác và súng của triều đình lúc đó. So với súng Gras Model 1874 của Pháp thì thua kém chút ít.


Cuốn L’Empire d’Annam (Đế quốc An Nam) đã mô tả sự lợi hại của súng này như sau: “Những khẩu súng này đã bắn chết rất nhiều binh lính và sĩ quan người Âu và binh lính người bản xứ.”


Trần Hưng

Vị tướng quân Đại Nam kháng lệnh, 2 lần tiêu diệt chỉ huy Pháp (P1)


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook