Cao điểm dịch sốt xuất huyết, 92.000 người mắc, 36 ca tử vong: Dấu hiệu mắc sốt xuất huyết cần đến viện ngay
Cùng với bệnh tay chân miệng, số ca mắc sốt xuất huyết cũng không ngừng tăng lên.
Theo Bộ Y tế, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch SXH, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Còn theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (tính từ ngày 27/6 đến 1/7), trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 52 trường hợp mắc SXH tại 24 quận, huyện (tăng 2,3 lần so với tuần trước đó). Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội đã có 175 ca mắc SXH nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Tại miền Bắc, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương... cũng đã ghi nhận các ca SXH diễn biến nặng (sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật, cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi...) có dịch tễ trở về từ các tỉnh phía Nam.
Thống kê của Bộ Y tế, hiện đã có khoảng 92.000 người mắc, 36 trường hợp tử vong. Như vậy chỉ trong vòng 10 ngày qua đã có thêm 15.000 ca mắc mới và tăng 6 trường hợp tử vong so với 10 ngày trước đó.
Sốt xuất huyết là bệnh do siêu vi trùng Dengue gây ra. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây lan chủ yếu do muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh truyền sang người lành. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng vào những dụng cụ chứa nước sạch trong nhà và khu vực quanh nhà như: bể, thùng, lu, vại chứa nước sạch; chai lọ, lọ hoa, thùng bỏ không, rác thải, lốp xe hỏng có chứa nước đọng.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lí Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết năm nay, số ca SXH nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kì 2 năm trước.
Theo phác đồ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, một số triệu chứng sau cần phải đưa người bệnh mắc SXH tới ngay cơ sở y tế gồm:
- Chảy máu (các chấm hay đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo);
- Nôn liên tục;
- Đau bụng dữ dội;
- Rối loạn ý thức hoặc co giật;
- Xanh tím, tay và chân lạnh âm;
- Khó thở.
Hiện nay, có tình trạng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhưng nhập viện muộn dẫn đến tử vong. Ngày thứ 4-5 (tính từ ngày sốt) là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh SXH, chính vì vậy, việc chẩn đoán đúng bệnh sớm và đến viện điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng, ví dụ như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
- Dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... Bình xịt côn trùng trong nhà, hương muỗi hoặc kem xua muỗi có thể làm giảm hoạt động chích đốt của muỗi.
- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, điều hòa nhiệt độ đều có thể làm giảm nguy cơ muỗi bay vào nhà và đốt mọi người trong gia đình.
- Người bị sốt xuất huyết cần được nằm trong màn, tránh muỗi đốt khiến bệnh lây lan bệnh cho người khác.
- Với đối tượng trẻ em, không cho trẻ chơi ở những nơi ẩm thấp và những nơi tối, cây cối rậm rạp. Cần mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài tay cho trẻ để phòng bệnh.