Cao Bằng: 18 học sinh bỗng dưng ngất tập thể, co cứng chân tay, sợ hãi kích động
Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng cho biết, 18 học sinh một trường tiểu học bỗng dưng có biểu hiện lạ, bị ngất, khóc thét, co cứng chân tay, sợ hãi, kích động, gọi hỏi không trả lời, kích động, đánh người… mỗi cơn kéo dài từ 3 – 5 phút và tăng dần lên 10 – 30 phút.
Theo báo Vnexpress, Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng Nông Tuấn Phong sáng 29/11 cho biết, vụ việc xảy ra tại điểm trường Nà Rại thuộc trường Tiểu học Cốc Pàng (Bảo Lạc, Cao Bằng) hôm 24/11.
Cụ thể, hôm 24/11, khoảng 18 học sinh (gồm 2 nam và 16 nữ) của điểm trường này bỗng dưng ngất, khóc thét, co cứng chân tay, sợ hãi, gọi hỏi không trả lời, kích động, đánh người…
Thời gian mỗi cơn khoảng từ 3 – 5 phút, sau đó tăng dần lên từ 10 – 30 phút, sau cơn các em ngủ lịm khoảng 10 – 20 phút rồi tỉnh lại và tiếp xúc bình thường.
Theo ông Phong, sau khi kiểm tra, đánh giá, ngành y tế xác định các em mắc chứng rối loạn phân ly tập thể, điều trị chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý và giáo dục.
Hiện 18 trẻ trên đang được theo dõi sức khỏe tại nhà, nâng cao tâm lý và bổ sung dinh dưỡng.
Hai ngày qua, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng hướng dẫn các giáo viên xử lý khi xảy ra ca bệnh tương tự, nhanh chóng đưa học sinh bị bệnh ra phòng riêng, yên tĩnh để theo dõi. Nhà trường thông báo cho gia đình học sinh biết và phối hợp theo dõi, chăm sóc trẻ.
Theo báo Lao Động, rối loạn phân ly là một nhóm các bệnh lý tâm thần, là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữa trí nhớ quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động.
Triệu chứng thường gặp như lắc đầu, gật đầu, co giật, múa vờn, run, tê liệt, vận động tay chân thiếu mục đích, rối loạn phát âm (không nói, khó nói, nói lắp, nói linh tinh không phù hợp). Bệnh nhân cũng thường kêu đau bụng, đau đầu, đau mỏi chân tay hay tự nhiên cười, khóc, gào thét, ngất… mà không nhận thức được hành động của mình.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ những tổn thương não bộ gây rối loạn phân ly và rối loạn phân ly tập thể. Một số yếu tố nguy cơ như cơ thể suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, môi trường sinh hoạt không thích hợp thì… cũng dễ mắc.
Hội chứng chủ yếu được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý kết hợp với nâng cao thể trạng và bồi dưỡng nhân cách, thiết lập môi trường phù hợp, quá trình này cần khá nhiều thời gian.
Vũ Tuấn (t/h)
Từ Khóa :