Cạnh tranh với Apple: Twitter “không có cửa”
CEO Twitter Elon Musk hôm 28/11 đã “nổ súng” tuyên chiến với Apple với lý do nhà sản xuất iPhone đã đe dọa “trục xuất” nền tảng truyền thông xã hội ông vừa mua lại.
Tỷ phú Elon Musk cho rằng Apple đang gây áp lực lên Twitter do các vấn đề liên quan đến việc kiểm duyệt nội dung. Ông cáo buộc Apple đã đe dọa chặn Twitter khỏi cửa hàng ứng dụng của mình mà không nói rõ lý do, đồng thời cho biết nhà sản xuất iPhone đã ngừng quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội này.
Mặc dù hành động của Apple chưa được xác nhận, nhưng nếu có, cũng không phải điều gì lạ lẫm gã khổng lồ công nghệ trước đó đã xóa các ứng dụng như Gab và Parler vì vi phạm các quy tắc của họ.
“Apple hầu như đã ngừng quảng cáo trên Twitter. Họ ghét tự do ngôn luận ở Mỹ hay sao?” ông Musk, người đã mua Twitter với giá 44 tỷ USD vào tháng trước, cho biết trong một dòng tweet.
Ông đã gắn thẻ Giám đốc điều hành Apple Tim Cook trong một tweet khác với câu hỏi: “Chuyện gì đang xảy ra ở đây thế?”
Apple vẫn chưa đưa ra câu trả lời.
“Sống” nhờ quảng cáo
Tính đến quý II/2022, Twitter vẫn còn là một công ty đại chúng với 92% tổng doanh thu từ quảng cáo. Phần còn lại đến từ hoạt động kinh doanh thuê bao và cấp phép dữ liệu mới chớm nở.
Đầu tháng 11, ông Musk cho biết Twitter đã chứng kiến sự sụt giảm doanh thu “khủng” và đổ lỗi cho các nhóm hoạt động gây áp lực lên các nhà quảng cáo.
Theo công ty đo lường quảng cáo Pathmatics, công ty có giá trị nhất thế giới đã chi khoảng 131.600 USD cho quảng cáo trên Twitter từ ngày 10/11 đến ngày 16/11, giảm từ 220.800 USD từ ngày 16/10 đến ngày 22/10, một tuần trước khi ông Musk thự hiện thỏa thuận mua lại Twitter.
Trong quý đầu tiên của năm 2022, Apple là nhà quảng cáo hàng đầu trên nền tảng mạng xã hội mà ông Musk vừa tiếp quản. Nhà sản xuất điện thoại chi 48 triệu USD, tạo ra hơn 4% tổng doanh thu của Twitter trong giai đoạn này, tờ Washington Post đưa tin, trích dẫn một tài liệu nội bộ của Twitter.
Trong những tuần gần đây, khoảng 50% số 100 nhà quảng cáo hàng đầu của Twitter đã thông báo rằng họ đang tạm ngừng hoặc “dường như đã ngừng quảng cáo trên Twitter”, theo một phân tích được thực hiện bởi nhóm giám sát phi lợi nhuận Media Matters.
Một số công ty bao gồm General Mills và nhà sản xuất ô tô hạng sang Audi của Mỹ đã tạm dừng quảng cáo trên Twitter kể từ khi ông Musk hoàn tất giao dịch mua lại nền tảng mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới. Hãng xe General Motors cũng cho biết họ đã tạm thời ngừng quảng cáo trả phí trên nền tảng này.
Vị trí thống trị của Apple
Mặc dù Apple chỉ sản xuất 16% điện thoại thông minh trên toàn thế giới , nhưng hãng chiếm hơn một nửa thị trường Mỹ, theo Gartner, một công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ có trụ sở tại Stamford, Connecticut, Mỹ.
Gần đây, quyền kiểm soát của Apple đối với thị trường ứng dụng đã bị thách thức bởi các vụ kiện và quy định toàn cầu, nhưng hãng vẫn kiểm soát hiệu quả một phần lớn ngành ứng dụng di động.
Muốn tồn tại trên cửa hàng ứng dụng AppStore, các nhà phát triển ứng dụng di động phải tuân thủ các chính sách kiểm duyệt nội dung của Apple, ngoài ra còn phải đóng một khoản phí lên tới 30%.
Tỷ phú Elon Musk đã nhiều lần chỉ trích khoản phí 30% này, cho rằng đây là khoản thuế ẩn cao gấp 10 lần so với mức cần thiết.
Phillip Shoemaker, một trong những người sáng lập AppStore của Apple nhưng đã nghỉ việc năm 2016 đồng ý với ông Musk rằng 30% là một khoản phí quá cao. “10% là đủ rồi. Thực tế là họ kiếm được 22 tỷ USD/năm từ việc này. Thật đáng kinh ngạc”, ông Shoemaker cho biết.
Tuy nhiên, ông Shoemaker, người đang điều hành công ty nhận dạng kỹ thuật số Identity.com không cho rằng việc khiêu chiến với Apple là điều ông Musk nên làm. Hôm 28/11, vị CEO Tesla đăng ảnh chế một chiếc xe hơi mang tên ông chuẩn bị rẽ sang hướng “Tham chiến”, thay vì tiếp tục đi thẳng theo hướng “Trả 30%”.
Cuộc chiến với Apple có thể đặt hoạt động kinh doanh của Twitter vào nguy hiểm vì thời điểm này, Twitter không có đủ khả năng chi trả, nhất là khi doanh thu quảng cáo – nguồn thu chính của nền tảng này đang sụt giảm nghiêm trọng, và Twitter đang phải trả một khoản lãi vay hàng năm lên tới 1 tỷ USD.
Thay vì tuyên chiến với gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Cupertino, Twitter có thể thực hiện một số thay đổi theo yêu cầu của Apple vì điều này có thể có ý nghĩa sống còn đối với hoạt động kinh doanh của họ.
Parler, một ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến với những người phe bảo thủ ở Mỹ từng bị xóa khỏi AppStore nhưng sau đó đã được khôi phục vào năm 2021 sau khi cập nhật nội dung và phương pháp kiểm duyệt đáp ứng các tiêu chuẩn của Apple .
Nguyễn Tuyết (Theo Al Jazeera, Quartz, NDTV, SCMP)