Cạnh tranh trực tiếp với Aeon, mục tiêu đạt 1 tỷ USD doanh số bán lẻ của tỷ phú Trần Bá Dương có quá tham vọng?

Chia sẻ Facebook
08/08/2022 01:44:25

Với chiến lược nhượng quyền, ông Trần Bá Dương cho biết Emart Việt Nam sẽ là mảnh ghép quan trọng, hoàn thiện mô hình đa ngành "một điểm dừng, nhiều tiện ích" mà Tập đoàn đang theo đuổi.


Tại Hội nghị khách hàng lần đầu được tổ chức vào chiều ngày 5/8 với hơn 500 nhà cung cấp, đối tác của Emart Việt Nam, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Trường Hải (THACO) – công bố mục tiêu đầy tham vọng đến năm 2026: Mở 20 đại siêu thị Emart, doanh số 1 tỷ USD và dẫn đầu thị trường đại siêu thị tại Việt Nam.


"Không phải mục tiêu quá tham vọng"


"Năm 2021, Emart Gò Vấp dẫn đầu về cả doanh thu lẫn lượng khách hàng bình quân trên một siêu thị tại Việt Nam, đạt doanh thu 1.600 tỷ đồng. Như vậy, với 20 cửa hàng, con số doanh thu 1 tỷ USD không phải mục tiêu quá tham vọng", Chủ tịch Thaco nói.

Theo thông tin tại Hội nghị này, riêng trong năm 2022, Emart sẽ khẩn trương triển khai kế hoạch khai trương thêm hai đại siêu thị gồm Emart Sala Thủ Thiêm (tháng 10/2022) và Emart Phan Huy Ích (tháng 12/2022). Doanh số theo kế hoạch là 1.760 tỷ đồng/đại siêu thị.

Emart là hệ thống đại siêu thị số một Hàn Quốc, giữ vị trí nổi bật nhất trong mảng bán lẻ của Shinsegae - Tập đoàn kinh doanh đa ngành tại Hàn Quốc. Tại Việt Nam, đại siêu thị Emart Gò Vấp được khai trương vào cuối năm 2015.

Tuy nhiên, hành trình của Emart Việt Nam chưa trọn vẹn, khi mà trong suốt 7 năm không thể mở thêm siêu thị nào khác ngoài Emart Gò Vấp.

Cuối năm 2021, THISO - Tổng Công ty thành viên thuộc THACO đã chính thức ký kết thỏa thuận chuyển nhượng vốn và nhượng quyền độc quyền hoạt động kinh doanh với Emart Inc. Hàn Quốc; bao gồm toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Emart Gò Vấp và các dự án đang phát triển tại Việt Nam. THACO theo đó đã thành lập công ty THISO Retail để tiếp quản hoạt động kinh doanh của Emart Việt Nam.

Theo ông Chun Byung Ki - Tổng Giám đốc THISO Retail, bổ sung nhượng quyền hợp tác cùng THACO là một bước tiến quan trọng của Emart tại Việt Nam. Với quỹ bất động sản và hệ sinh thái đa ngành của THACO, Emart Việt Nam sẽ hiện thực hóa việc mở rộng hệ thống không chỉ tại Tp.HCM mà trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Tham chiến của THACO trong thị trường đã rất khốc liệt

Theo dữ liệu chúng tôi có được, doanh thu của Emart trong năm 2020 dẫn đầu trên thị trường đại siêu thị. Chỉ 1 Emart Gò Vấp đã đạt 1.469 tỷ đồng, trong khi 7 đại siêu thị AEON MALL tại Việt Nam đạt 7.141 tỷ đồng (tương đương bình quân 1.020 tỷ đồng).

Dù kế hoạch mở 20 đại siêu thị trong vòng chưa đầy 4 năm với doanh thu 1 tỷ USD được ông Dương nói là "không quá tham vọng" nhưng nhìn vào một thị trường đầy những "tỷ phú" như thị trường siêu thị với loạt "đàn anh" như AEON, Go (BigC), Winmart… thì mục tiêu dẫn đầu của THACO có thể nói là đầy tính tham chiến. Chưa kể, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và xu hướng thị trường nói chung có nhiều thay đổi, Central Retail hay AEON cũng đã và đang lên chiến lược đầu tư mới mạnh mẽ.

Trong đó, Central Retail Việt Nam mới đây công bố chiến lược 5 năm (2022-2026) với kế hoạch đầu tư hơn 30 tỷ baht (tương đương 20.000 tỷ đồng) hướng đến 4 mục tiêu, bao gồm (i) Trở thành nền tảng đa kênh số 1 trong lĩnh vực Thực phẩm và kinh doanh Trung tâm thương mại tại Việt Nam; (ii) Thúc đẩy kết quả kinh doanh đạt 100 tỷ baht (tương đương 65.000 tỷ đồng); (iii) Tăng gấp đôi tỷ lệ doanh thu từ các nền tảng bán hàng đa kênh đạt mức 15% và (iv) Phát triển mở rộng trên 55 tỉnh thành Việt Nam (trên tổng số 63 tỉnh thành).

Không kém cạnh, AEON cũng đang tăng tốc từ năm 2022, để bù đắp giai đoạn trước cũng như làm bệ phóng cho giai đoạn tiếp theo. Dài hơi hơn, xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm bên cạnh nước sở tại Nhật Bản, mục tiêu đến năm 2030 AEON dự kiến sẽ có 30 Trung tâm mua sắm với hoạt động kinh doanh mở rộng; tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng cùng các tỉnh lân cận những thành phố này.

Bên cạnh những tay chơi hiện hữu trên thị trường đại siêu thị, mục tiêu dẫn đầu của THACO còn chịu thử thách chia sẻ sức mua trước loạt chuỗi siêu thị có kế hoạch mở thêm hàng trăm điểm tại Việt Nam.

Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có hơn 300 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart được mở mới trên toàn quốc. Đến cuối 2022, WinMart/WinMart có kế hoạch mở mới hơn 700 cửa hàng WinMart và khoảng hơn 20 siêu thị/đại siêu thị WinMart.

Nova Market - thương hiệu siêu thị của Nova Group đang thể hiện sự quyết liệt trong việc mở rộng chuỗi với quyết tâm mở rộng 300 điểm bán ngay trong năm 2022 và 2.000 điểm bán đến năm 2025.


Đầu năm nay, Tập đoàn BRG cũng ký hợp tác với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) trong việc phát triển chuỗi siêu thị FujiMart. Được biết, Tập đoàn BRG của doanh nhân Nguyễn Thị Nga đang sở hữu chuỗi siêu thị BRGMart và minimart Haprofood/BRGMart.

Chia sẻ tại hội nghị mới đây, ông Chun Byung Ki cho biết Emart Sala Thủ Thiêm sẽ có diện tích hơn 6.000m2 là đại siêu thị nằm trong Trung tâm thương mại THISO Mall. Cùng với những tiện ích nổi bật tại khu phức hợp thương mại, Emart Sala Thủ Thiêm hướng đến những trải nghiệm mua sắm hiện đại, khác biệt cho các khu cư dân cao cấp và khách hàng khu vực lân cận.

Còn Emart Phan Huy Ích tại quận Gò Vấp cũng nằm trong Trung tâm đại siêu thị kết hợp Thương mại dịch vụ THISO Retail, đang được xây dựng với diện tích siêu thị và bãi giữ xe lớn nhất tại Tp.HCM.


Không chỉ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Emart Việt Nam còn chú trọng việc đổi mới danh mục sản phẩm ở các mặt hàng tươi sống, thực phẩm và đồ uống, thời trang, hóa mỹ phẩm… Đặc biệt, Emart Việt Nam sẽ đưa vận hành hệ thống lấy hàng tự động được đầu tư lớn và lần đầu tiên, giúp việc lấy hàng nhanh chóng và đảm bảo giao đến khách hàng trong vòng 1 giờ ở phạm vi bán kính 5km. Hệ thống này sẽ được vận hành tại Emart Gò Vấp và tại Emart Sala và Emart Phan Huy Ích khi đi vào hoạt động.

Chia sẻ Facebook