Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung có gì mới?
Đối thoại Shangri-La 2022 tiếp tục chứng kiến sự khác biệt trong quan điểm xây dựng và duy trì hòa bình giữa Trung Quốc và phương Tây.
Thượng đỉnh an ninh châu Á, còn được gọi là Đối thoại Shangri-La, đã khép lại tại Singapore vào ngày 12-6. Trong 3 ngày diễn ra hội nghị, hàng loạt vấn đề an ninh lớn của thế giới như tình hình Biển Đông, Đài Loan, Myanmar, cho đến Ukraine - Nga đã được các bên nêu quan điểm và thảo luận.
Lằn ranh đỏ Đài Loan
Giới quan sát tập trung vào hai bài phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc. Nội hàm của phát biểu từ hai cường quốc ảnh hưởng lớn trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ góp phần phản ánh bức tranh địa chính trị tại đây.
Như thường lệ, hôm 12-6, Trung Quốc có màn "phản công" quen thuộc đối với bài phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Mỹ trước đó.
Vấn đề an ninh tại đảo Đài Loan nhận sự quan tâm đặc biệt, khi Mỹ đã có phát biểu cứng rắn. Một mặt, Washington duy trì cam kết tôn trọng chính sách một Trung Quốc. Một mặt, Mỹ khẳng định ủng hộ Đài Loan về mặt quân sự, không đồng ý việc Trung Quốc dùng vũ lực với Đài Loan.
Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ "chiến đấu tới cùng" và "bằng mọi giá" cho việc thống nhất, vì đó là "một xu hướng lịch sử mà không ai, không thế lực nào có thể ngăn chặn".
Tại Đối thoại Shangri-La, ông Ngụy cáo buộc Mỹ "bắt nạt" cũng như lôi kéo các nước trong khu vực và rằng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là công cụ đối đầu chống lại Trung Quốc. Thực tế, đa số lập luận của ông Ngụy lần này cũng tương tự bài phát biểu của ông tại hội nghị năm 2019 và phản ánh quan điểm của Trung Quốc vài năm gần đây.
"Trung Quốc xem chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một âm mưu đưa khu vực vào bẫy xung đột, là âm mưu đưa nước này chống lại nước kia, nhằm làm gián đoạn hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế của khu vực.
Không ngạc nhiên khi Trung Quốc thậm chí lấy ví dụ rằng các cuộc xung đột ở Trung Đông và châu Âu là bằng chứng cho mục tiêu tổng thể của Mỹ nhằm phá hoại hòa bình và xây chắc vị trí bá chủ của mình", TS Sascha-Dominik Dov Bachmann (Trường luật Canberra, Úc) phân tích với Tuổi Trẻ về thông điệp của Trung Quốc.
Chừa cửa đối thoại
Theo Lầu Năm Góc, tại cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa và Bộ trưởng Austin, hai bên dành phần lớn bàn về vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, ngoài bất đồng nêu trên, bộ trưởng quốc phòng hai nước đã nhấn mạnh nhu cầu đối thoại để giải quyết khủng hoảng giữa quân đội hai bên.
"Ông Austin kêu gọi Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) chủ động hơn trong đối thoại giải quyết khủng hoảng và các cơ chế quản lý khủng hoảng. Ông Ngụy đã hồi đáp tích cực với điều đó", một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ.
Truyền thông Trung Quốc cũng tự tin rằng trong bối cảnh quá nhiều điểm nóng như hiện nay, việc hợp tác sẽ được ưu tiên thay vì đối đầu. Theo Thời báo Hoàn Cầu, việc nhiều nước duy trì quan điểm độc lập, tự chủ về quốc phòng cũng khiến bức tranh hợp tác khó thay đổi, hay nói như phía Trung Quốc là nỗ lực "lôi kéo" của Mỹ sẽ khó khả thi.
Theo TS Bachmann, chủ nghĩa đa phương được Trung Quốc xem là mối đe dọa vì "Bắc Kinh chỉ chấp nhận cách tiếp cận lấy Trung Quốc làm trung tâm ở một khu vực mà họ cho rằng mình có sức ảnh hưởng lịch sử, thậm chí là "chủ quyền lịch sử" ví dụ như Biển Đông".
"Trước bối cảnh này, tất cả các tuyên bố của Trung Quốc về hợp tác hòa bình trong khu vực đều phải được nhìn nhận theo hướng ngược lại với vai trò mà Trung Quốc đã áp dụng trong khu vực và xa hơn: ép buộc và gây hấn là những trở ngại thực sự cho một tương lai hòa bình và thịnh vượng cho khu vực... - ông Bachmann nói - Đối thoại và hợp tác là nguyện vọng chính, thay vì một nước lấy họ làm trung tâm, đi ngược lại trật tự dựa trên quy tắc toàn cầu cũng như chủ nghĩa đa phương".
Nhận định với Tuổi Trẻ, ông Greg Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở Washington, Mỹ), cho rằng Bộ trưởng Austin chú trọng thông điệp cam kết giúp đỡ đồng minh và đối tác. Tuy nhiên, Mỹ đồng thời cố gắng không leo thang thành xung đột trong sự cạnh tranh với Trung Quốc.
Giới quan sát cũng đánh giá Mỹ và Trung Quốc tiếp tục nỗ lực thúc đẩy chương trình nghị sự theo mong muốn của mình. Tuy nhiên, kết quả chắc chắn vẫn phụ thuộc rất nhiều vào khuynh hướng hợp tác của các nước khác.
Theo chuyên gia Pooja Bhatt (Đại học Jawaharlal Nehru), dù Mỹ và Trung Quốc có quan niệm và giá trị khác nhau về cách tiếp cận trật tự thế giới, giữa họ tồn tại nhận thức chung rằng cần phối hợp với các nước khác dựa trên sự tin tưởng, công bằng, tôn trọng luật pháp quốc tế.
"Từ góc độ của các nước trong khu vực, khi bàn về những chương trình phát triển, họ sẽ tìm cách tránh bất kỳ sự phân biệt nào trong việc xây dựng quan hệ hợp tác với các nước cùng chí hướng", chuyên gia Ấn Độ bình luận với Tuổi Trẻ.
Nhật - Trung nhất trí tăng cường trao đổi
Ngày 12-6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã có cuộc gặp song phương bên lề Đối thoại Shangri-La.
Trao đổi với phóng viên sau cuộc họp, ông Kishi cho biết đã bày tỏ lo ngại về các hoạt động máy bay ném bom gần đây của Trung Quốc và Nga gần Nhật Bản, rằng đó là màn thể hiện vũ lực chống lại Nhật Bản. Ông Kishi cũng kêu gọi Trung Quốc tự kiềm chế ở Biển Đông và biển Hoa Đông, lo ngại về "các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực" của Trung Quốc.
Theo Kyodo News, ông Kishi còn cho biết hai bên nhất trí thúc đẩy tương tác và đối thoại trong lĩnh vực quốc phòng. "Vì quan hệ Nhật - Trung có nhiều vấn đề quan tâm, chúng tôi cần có những trao đổi trung thực, thẳng thắn".
Theo báo South China Morning Post ngày 13-6, trong cuộc phỏng vấn tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong nói nam Thái Bình Dương không nên trở thành "võ đài quyền anh" cho cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung.