Cảnh sát Trung Quốc bắt họa sĩ vẽ chân dung người biểu tình
Bành Tái Chu (Bành Lập Phát) – người biểu tình và giăng biểu ngữ phản đối ông Tập Cận Bình trên cây cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh
Gần đây có thông tin họa sĩ Tiêu Lượng người Giang Tây (Trung Quốc) đã bị bắt, vì đăng bức chân dung của ông Bành Tái Chu (Bành Lập Phát) – người biểu tình và giăng biểu ngữ phản đối ông Tập Cận Bình trên cây cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh .
Trước thềm Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một người đàn ông Bắc Kinh đã treo biểu ngữ lớn gần cầu Tứ Thông, với dòng chữ “Không cần axit nucleic, cần lương thực; không cần phong tỏa, cần tự do; không cần dối trá, cần tôn nghiêm”, gây chấn động quốc tế .
Ngày 11/12, theo Human Rights Defenders , họa sĩ Tiêu Lượng tại thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây đã bị chính quyền giam giữ hành chính với danh nghĩa “gây gổ và gây rối” , vì đã đăng một bức chân dung của Bành Tái Chu – người biểu tình tại cầu Tứ Thông trên nền tảng truyền thông xã hội Twitter nước ngoài.
Ông đã bị chuyển đến trại giam hình sự, và đến nay vẫn mất liên lạc với thế giới bên ngoài.
Người giăng biểu ngữ phản đối chính quyền ở Bắc Kinh được ví là “người xe tăng mới”
Theo báo cáo, Twitter của họa sĩ Tiêu Lượng được cập nhật lần cuối vào ngày 15/10, tức ngày ông công bố bức chân dung của Bành Tái Chu.
彭立发先生画像 pic.twitter.com/jeUfpX9nEf
— 中国画者 (@xiaoliang999) October 15, 2022
Tối ngày 11/12, trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, bà Diêm là vợ của ông Tiêu Lượng tiết lộ rằng ông đã bị cảnh sát bắt vào ngày 16/10, và một trong số các máy tính của ông cũng bị mang đi. Khi đó lại đúng lúc bà không có nhà.
“Vào khoảng 6:00 tối hôm đó, Đội An ninh Quốc gia của Văn phòng Công an Đông Hồ thuộc thành phố Nam Xương đã đến nhà đưa tôi đi thẩm vấn. Cảnh sát hỏi tôi: ‘Lão Tiêu có sở thích gì, kết bạn với người thế nào? Ông ấy có tham gia tổ chức nào, hay nhận tiền của ai không?’ Tôi nói, cuộc sống vợ chồng của chúng tôi rất đơn giản. Ông ấy không thích kết bạn, nên ít giao du với bạn bè, cũng không tham gia bất kỳ tổ chức nào hay nhận tiền của bất kỳ ai”.
Bà Diêm cho biết, sau đó, cảnh sát nói với bà rằng ông Tiêu Lượng không được phép về nhà, họ vẫn đang điều tra.
“Sau đó, ông ấy (Tiêu Lượng) bị tạm giam với tội danh gây gổ và gây rối. Viện kiểm sát ký lệnh vào ngày 7/12. Tôi không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra khi ông ấy bị bắt. Cảnh sát nói rằng họ không thể cho chúng tôi biết.”
Theo bà Diêm, sau đó bà đã thuê luật sư cho ông Tiêu Lượng, đến nay cũng đã được gặp ông 2 lần, nhưng không thảo luận bất kỳ vấn đề gì. “Luật sư nói hiện trạng thái tinh thần của ông ấy rất tốt. Lão Tiêu mắc bệnh tiểu đường, mỗi ngày đều cần insulin, tôi đã đưa thuốc cho ông ấy 2 lần.”
Trước đó, ngày 13/10, Vision Times đưa tin, ngay trước thềm khai mạc Đại hội 20 của ĐCSTQ, ông Bành Tái Chu, một công dân Bắc Kinh, đã treo biểu ngữ trên cầu Tứ Thông ở quận Hải Điện, nơi an ninh được kiểm soát rất chặt chẽ.
Biểu ngữ ghi: “Không cần axit nucleic, cần lương thực; không cần phong tỏa, cần tự do; không cần dối trá, cần tôn nghiêm; không cần Cách mạng Văn hóa, cần cải cách; không cần lãnh tụ, cần bầu cử; không làm nô lệ, làm công dân.” “Bãi khóa, bãi công, bãi chức quốc tặc Tập Cận Bình.”
Ông còn hô vang những khẩu hiệu như “Cần lương thực! Cần tự do! Cần bầu cử!”
Ông Bành Tái Chu đã nhanh chóng bị cảnh sát bắt đi, hiện vẫn chưa rõ tung tích.
Giới chức ĐCSTQ vẫn im lặng về việc làm thế nào ông ấy có thể vượt qua được sự kiểm soát của các nhân viên an ninh, và thành công trèo lên cầu treo những biểu ngữ lớn.
Tinh thần giăng biểu ngữ phản đối ông Tập được tiếp nối trong và ngoài Trung Quốc
Sự việc này đã nhanh chóng được dư luận trong và ngoài nước hưởng ứng. Nội dung của tấm biểu ngữ cũng trở thành khẩu hiệu kêu gọi, phản đối chung của nhân dân cả nước trong “ Phong trào Giấy trắng ” vừa qua.
Khi các cuộc biểu tình phản đối Zero-COVID nổ ra khắp Trung Quốc , nhiều người biểu tình đã cầm tờ giấy trắng để bày tỏ sự tức giận trước hành động phong tỏa tàn bạo của ĐCSTQ.
Hình thức biểu đạt bất đồng chính kiến theo cách hiếm thấy này đang được chứng kiến trên khắp các đường phố và khuôn viên trường đại học ở một số thành phố của Trung Quốc.
Hưởng ứng cuộc “Cách mạng Giấy trắng”, hơn 50 trường cao đẳng và đại học tại Trung Quốc đã phát động biểu tình phản đối thể chế toàn trị của ĐCSTQ.
Epoch Times đưa tin, tối ngày 28/11, hơn 100 sinh viên Trung Quốc đã tập trung trước Tòa thị chính Sydney để phản đối chính sách Zero-COVID cực đoan và chế độ độc tài của ĐCSTQ. Họ hô vang khẩu hiệu: “Tập Cận Bình hãy từ chức! ĐCSTQ hãy hạ đài”.
Theo thông tin được chia sẻ trên mạng, cô Lý Khang Mộng (Li Kangmeng), nữ sinh Học viện Truyền thông Nam Kinh , người được mệnh danh là người đầu tiên trong “Phong trào Giấy trắng”, đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ vào ngày 30/11 vì cầm một tờ giấy trắng để phản đối chính sách phong tỏa. Hiện cô cũng mất liên lạc.
Bình Minh (t/h)
Phong trào Giấy trắng đã cứu rỗi phẩm giá người Trung Quốc Người Trung Quốc cuối cùng cũng đứng lên và nói “KHÔNG” với zero-COVID cực đoan và việc phong tỏa thành phố của ông Tập Cận Bình.