Cảnh quan danh thắng quốc gia Gành Đá Dĩa bị đe dọa bởi… bè nuôi tôm

Chia sẻ Facebook
10/07/2022 01:15:00

Không chỉ cảnh quan mà cả môi trường của di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Gành Đá Dĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đang bị đe dọa bởi các bè nuôi tôm hùm tự phát.

Hàng chục bè nuôi tôm hùm nằm cách danh thắng Gành Đá Dĩa chỉ chừng 100m - Ảnh: KHẮC NHO


Đang là mùa du lịch, hằng ngày di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Gành Đá Dĩa tiếp hàng ngàn lượt du khách khắp nơi đến tham quan. Mê mẩn với sự độc đáo của tự nhiên tại Gành Đá Dĩa bao nhiêu, nhiều du khách lo ngại cho cảnh quan nơi này có nguy cơ bị xâm hại bấy nhiêu.

"Sẽ là tuyệt vời biết bao nếu thay vào những cái bè nuôi tôm xấu xí với lô nhô người đi lại cho tôm ăn, sinh hoạt trên bè… cách danh thắng chừng 100m kia là những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân neo đậu. Nếu thế, cảnh quan của Gành Đá Dĩa sẽ thật êm đềm, lãng mạn, hấp dẫn. Nhưng giờ đây, những bè nuôi tôm hùm này đã làm hỏng mất cảnh quan của danh thắng, nguy cơ còn gây ô nhiễm môi trường từ thức ăn thừa cặn, chất thải của tôm và những rác thải sinh hoạt của người nuôi. Tôi nghĩ việc giải tỏa các bè nuôi này cũng như cấm triệt để việc nuôi hải sản trong khu vực này là việc cần làm khẩn trương của chính quyền" - ông Phạm Ngọc Hải, một du khách đến từ TP.HCM, bày tỏ.


Ngày 9-7, ông Huỳnh Văn Khoa - chủ tịch UBND huyện Tuy An - cho biết trước các phản ảnh của dân và du khách, huyện vừa tổ chức đoàn kiểm tra thực địa để chỉ đạo xử lý tình trạng các bè nuôi tôm hùm tự phát ở vùng nước biển gần di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Gành Đá Dĩa. Bước đầu đoàn kiểm tra ghi nhận có 20 bè nuôi tôm hùm thương phẩm, mỗi bè có diện tích 150m 2 , do các hộ dân ở xã An Ninh Đông tự phát lập nuôi ở vùng nước thuộc phạm vi danh thắng Gành Đá Dĩa.

"Khu vực này là để phát triển du lịch, không có quy hoạch nuôi trồng thủy sản, nhưng người dân địa phương tự phát lập bè nuôi tôm hùm là sai. Huyện đã chỉ đạo UBND xã An Ninh Đông mời các chủ bè lên yêu cầu họ di chuyển khỏi vùng nước này, nếu không sẽ tổ chức cưỡng chế" - ông Khoa nói.

Vị chủ tịch UBND huyện Tuy An cho hay ông mới về địa phương nhận nhiệm vụ hơn 1 năm nay, qua kiểm tra lại thì mới biết việc nuôi tôm hùm ở vùng nước gần danh thắng Gành Đá Dĩa đã có từ 4-5 năm trước nhưng việc xử lý không kiên quyết và rốt ráo, vì vậy cứ mỗi mùa hè là bè nuôi tôm lại xuất hiện ở nơi này, đến mùa biển động mới kéo đi nơi khác.

"Chúng tôi cũng có nghe thông tin là trong số bè này có bè là người thân của cán bộ xã nên huyện sẽ kiểm tra thật kỹ, nếu phát hiện có cán bộ bao che hoặc không thực hiện nghiêm chỉ đạo của huyện thì sẽ xử lý nghiêm khắc" - ông Khoa khẳng định.


Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , ông Nguyễn Kim Thanh cho biết những bè nuôi tôm này người dân nuôi ở vùng khác, cách đây gần 2 tháng kéo về neo đặt ở vùng nước gần Gành Đá Dĩa để gần nhà, tiện việc chăm sóc.

"Họ lợi dụng ban đêm kéo bè về neo đặt nên xã cũng "trở tay" không kịp. Chúng tôi đã có danh sách các hộ nuôi, lẽ ra mời làm việc, yêu cầu họ kéo đi nơi khác, nhưng tuần rồi bận lo công tác diễn tập quân sự của xã nên chưa làm việc được" - ông Thanh giải thích.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái - quyền giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Phú Yên, sở đã cử lực lượng đi kiểm tra việc cảnh quan danh thắng Gành Đá Dĩa bị xâm lấn bởi bè nuôi tôm, có ý kiến với UBND huyện Tuy An để có biện pháp quyết liệt sớm giải quyết vấn đề này nhằm bảo vệ di tích.


Danh thắng địa chất độc đáo

Gành Đá Dĩa là danh thắng rất nổi tiếng ở Phú Yên, được Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) công nhận là danh thắng thiên nhiên cấp quốc gia năm 1998. Ngày 31-12-2020, Thủ tướng Chính phủ có quyết định xếp hạng Gành Đá Dĩa là di tích quốc gia đặc biệt.

Gành Đá Dĩa thu hút du khách vào mùa hè - Ảnh: DUY THANH

Gành Đá Dĩa hình thành bởi những cột đá màu đen tuyền, hình lục giác xếp chồng lên nhau như những chồng dĩa khổng lồ, lạ lùng bên biển biếc đã tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn của danh thắng này.

Phần lớn đá nứt theo mạch dọc, tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên, cũng có những đường xiết ngang cắt cột đá thành những hình dạng khác nhau.

Trên thế giới, ngoài Phú Yên chỉ có một vài nơi khác có kiểu đá như Đá Dĩa là các ghềnh đá Giant's Causeway (Bắc Ireland, Vương quốc Anh), Los Órganos (Tây Ban Nha), Fingal (Scotland)...

Hiện tỉnh Phú Yên đã có kế hoạch dành 40 tỉ đồng để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Gành Đá Dĩa trong giai đoạn 2022-2024.

Nhiều cột đá lục giác độc đáo đã phát lộ xung quanh gành Đá Dĩa hiện hữu giúp danh thắng địa chất độc đáo này được mở rộng thêm ra, tăng thêm vẻ đẹp hiếm có của thiên nhiên nơi này.

Chia sẻ Facebook