Cảnh giác với viêm màng não, viêm não Nhật Bản trong mùa hè
Tỷ lệ tử vong lên đến 30% cùng với di chứng vĩnh viễn ở một nửa số người sống sót khiến viêm não Nhật Bản, viêm màng não trở thành những căn bệnh vô cùng nguy hiểm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có 42 trường hợp bị viêm não virus. Giữa tháng 5/2022, một bệnh viện nhi tại Hà Nội ghi nhận có khoảng 15 trẻ đang điều trị viêm não, viêm màng não. Giữa tháng 6/2022, một số bệnh viện nhi tại TP Hồ Chí Minh cũng đang điều trị cho một số trẻ bị viêm não, viêm màng não.
Viêm não Nhật Bản: Tỷ lệ tử vong lên đến 30%
Đầu tháng 5/2022, một bệnh viện truyền nhiễm ở phía Bắc đã tiếp nhận ít nhất 4 bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản. Cháu bé 10 tuổi ở Hà Nội sốt cao ngày thứ 3, được đưa vào cấp cứu vì đột ngột rơi vào lơ mơ, cổ cứng. Kết quả xét nghiệm huyết thanh bằng phương pháp MAC-ELISA xác định bệnh nhi bị viêm não. Kết quả phân lập virus từ dịch não tủy phát hiện có virus viêm não Nhật trong cơ thể bệnh nhi.
BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết bệnh viêm não Nhật Bản gia tăng từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, tập trung nhiều ở vùng trồng lúa nước, nuôi lợn. Những khu vực này thường bùng phát nhiều loại muỗi Culex (muỗi ruộng) - tác nhân truyền virus viêm não Nhật Bản từ lợn và chim vào cơ thể người qua vết đốt.
Trẻ từ 0 đến 14 tuổi chiếm đến 75% các trường hợp tử vong do viêm não Nhật Bản. Một nửa số người sống sót có thể phải gánh chịu những di chứng vĩnh viễn về trí nhớ, nhận thức và vận động.
“Hiện nay, viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nguy hiểm, các bậc phụ huynh nên chuẩn bị sẵn sàng cho con em tiêm vaccine từ sớm ngay từ 9 tháng tuổi. Ngoài ra, giữ môi trường sống thông thoáng, diệt lăng quăng và muỗi cũng giúp ngừa bệnh hiệu quả”, BS. Bạch Thị Chính khuyến cáo.
Viêm màng não: Tử vong nhanh trong vòng 24 giờ
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng màng bảo vệ quanh não và tủy sống do virus, vi khuẩn, nấm gây ra. Trong đó, viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu, phế cầu khuẩn và Hib rất nguy hiểm do nguy cơ tử vong nhanh, điều trị khó khăn và để lại nhiều hậu quả lâu dài. Nếu may mắn được cứu sống, người bệnh vẫn phải gánh chịu những di chứng não lâu dài như suy giảm trí nhớ, suy giảm nhận thức, động kinh, liệt chi… Viêm màng não do vi khuẩn không chỉ gặp ở trẻ em mà có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả người già.
Tại Việt Nam, từ tháng 6 đến tháng 10 là thời gian gia tăng các bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu. Theo BS. Quỳnh Hương, trong giai đoạn khởi phát, viêm màng não do não mô cầu có các triệu chứng không đặc hiệu như sốt, bứt rứt, đau họng, chán ăn, đau nhức người. Tuy nhiên, trong vòng 24 giờ, bệnh nhân có thể tử vong với triệu chứng như xuất hiện các nốt xuất huyết (tử ban), cứng cổ, sợ ánh sáng, mê sảng, co giật. Trên thực tế, đa phần bệnh nhân vào cấp cứu quá trễ, khi tình trạng đã rất nguy kịch.
BS. Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho biết, phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) thường ký sinh ở vùng hầu họng, xâm nhập vào máu, vượt qua hàng rào máu não gây ra tình trạng viêm màng não. Loại vi khuẩn này là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não tại các nước đã tiêm ngừa Hib. Tỷ lệ viêm màng não do phế cầu vào khoảng 1 - 3/1000 dân nghĩa là cứ 1000 người thì có khoảng 1 - 3 người bị viêm màng não do phế cầu khuẩn. Hiện tại, hai loại vaccine có thể phòng ngừa viêm màng não do phế cầu khuẩn đang được lưu hành tại Việt Nam là Synflorix và Prevenar 13.
Vi khuẩn Hib (Haemophilus influenzae tuýp b) cư trú ở hầu họng, thường gây bệnh viêm màng não cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (1 tháng - 36 tháng). Đây là giai đoạn đang phát triển não bộ nên khi bị viêm màng não, trẻ thường có biến chứng rất nặng cũng như nguy cơ tử vong rất cao. Các vắc xin có thể phòng ngừa viêm màng não do vi khuẩn Hib gồm có các vaccine 6 trong 1, 5 trong 1 và Quimi-Hib.
“Đa số bệnh lý gây viêm màng não là do virus và vi khuẩn nên thường lây từ đường hô hấp. Vì vậy, ngoài việc tiêm vaccine, bố mẹ nên giữ ấm cho bé, tránh cho bé đến những nơi đông người, giữ vệ sinh vùng mũi họng cho bé thật tốt,... Cần lưu ý, các yếu tố môi trường chỉ phòng ngừa thụ động, cách phòng quan trọng, chủ động nhất vẫn là tiêm vaccine. Không có loại vaccine nào phòng được 100% các bệnh, nhưng việc tiêm ngừa sẽ giúp người bệnh giảm thiểu tối đa triệu chứng, biến chứng có thể gặp, tránh phải gánh chịu những di chứng nặng nề về sau”, BS. Bạch Thị Chính khuyến cáo.
Trước nguy cơ cao bùng phát các bệnh viêm não, viêm màng não trong mùa hè, Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản - các bệnh nguy hiểm ở trẻ em và người lớn” vào 20h ngày 16/6/2022 .
Các chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm và vaccine như BS. Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa VNVC; PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương - Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; BS. Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh sẽ hướng dẫn cách nhận biết các dấu hiệu sớm, cách phòng ngừa, các loại vaccine phù hợp để bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ cao bị viêm não, viêm màng não.
Khán giả có thể theo dõi chương trình tại đây .