Cảnh giác với tội phạm lừa đảo công nghệ cao
Bằng các thủ đoạn tinh vi, xây dựng kịch bản cụ thể, không ít người đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo công nghệ cao.
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn ra trên phạm vi cả nước với nhiều hình thức ngày càng tinh vi hơn, số lượng vụ bị lừa đảo ngày càng tăng cao, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản và khiến người dân bức xúc, lo lắng.
Có thể thấy, đã có không ít người dân bị lừa đảo bởi các đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao, mặc dù lực lượng chức năng các địa phương liên tục tuyên truyền, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo bằng nhiều hình thức như: Phát tờ rơi, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền thông qua báo đài, zalo, facebook… nhưng số nạn nhân vẫn nhiều thêm.
Điển hình như mới đây, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), nhận tin trình báo của chị V.M.L (trú tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) về việc bị một đối tượng gọi điện tự xưng là nhân viên của Ngân hàng Techcombank tư vấn, hướng dẫn nâng hạn mức thẻ tín dụng và được nhận voucher giảm giá khi mua hàng.
Sau khi thao tác theo hướng dẫn của kẻ tự xưng là nhân viên ngân hàng, đối tượng yêu cầu chị cung cấp hình ảnh căn cước công dân (nhằm xác định chính xác chị L là chủ thẻ) và 4 số cuối của thẻ để nâng hạn mức tín dụng. Khi có mã OTP gửi về điện thoại của mình, chị L đã cung cấp mã này cho đối tượng và ngay lập tức tài khoản của chị đã bị trừ hơn 95 triệu đồng.
Trước đó, vào ngày 27/10/2023, Công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm tiếp nhận đơn trình báo của chị N (sinh năm 1994, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) về việc bị lừa đảo khi làm cộng tác viên online. Chị N cho biết có tham gia làm nhiệm vụ online để nhận tiền hoa hồng. Chị đã chuyển khoảng gần 100 triệu đồng để làm nhiệm vụ thì mới phát hiện mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo...
Quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định, các đối tượng gọi điện cho nạn nhân thông qua ứng dụng trên điện thoại di động như Telegram, Zalo, Messenger… để che giấu danh tính.
Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo cũng sử dụng những tài khoản ngân hàng không chính chủ để thực hiện giao dịch chuyển tiền trên các ứng dụng của hệ thống ngân hàng, nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Thiếu tá Bùi Kiến Quốc Dũng - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Nam Từ Liêm cho biết, khó khăn lớn nhất trong đấu tranh với tội phạm công nghệ cao là không xác định được chính xác nơi xảy ra tội phạm, không có đầu mối thông tin ngoài những tin nhắn bị hại cung cấp về thông tin giao dịch.
Diễn biến ngày càng phức tạp
Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cho thấy, thời gian qua, các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ và ngày một tinh vi hơn.
Trung bình mỗi tuần, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin tiếp nhận khoảng 400 phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về các trường hợp lừa đảo. Trong đó, nhiều nhất là các trường hợp giả mạo ngân hàng, trang thương mại điện tử, các cơ quan có thẩm quyền...
Chỉ tính riêng trong tuần cuối tháng 10/2023, NCSC ghi nhận 287 phản ánh của người dùng về tình trạng trên mạng. Qua kiểm tra, phân tích có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của ngân hàng, ví điện tử, các trang thương mại điện tử… Các trang bị giả mạo là: Ngân hàng VP Bank, Big C Việt Nam, ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam…
Theo các chuyên gia, với nhiều phương thức lừa đảo, bọn tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo nhanh chóng và khi bị phát hiện thì ít để lại dấu vết. Điểm chung của hầu hết các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao là các đối tượng thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân như tên tuổi, ngày sinh, số căn cước, thông tin tài khoản ngân hàng... Các thông tin này do nạn nhân sơ ý để lộ, hoặc các đối tượng tự thu thập được.
Sau khi lấy được thông tin cá nhân, các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh cơ quan, tổ chức liên hệ với chủ thể của thông tin để đề nghị chuyển tiền, yêu cầu cài đặt app qua đường link có chứa mã độc. Mặt khác, các đối tượng còn làm giả trang web của cơ quan, tổ chức, làm giả các sàn giao dịch điện tử cũng với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Chia sẻ về vấn đề này, Thượng tá Phạm Công Hải - đại diện Cục an ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05), Bộ Công an, cho rằng, tội phạm công nghệ cao hiện nay có những diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi, khó nhận biết hơn.
“Thời gian qua, tội phạm công nghệ cao tiếp tục gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới nổi lên, bao gồm sử dụng phần mềm Deepfake tạo video giả mạo người thân hoặc cán bộ cơ quan Nhà nước, dùng trạm phát sóng giả phát tán tin nhắn, dùng dữ liệu cá nhân mua bán trái phép để tạo danh tính giả...”, Thượng tá Phạm Công Hải cho biết.
Đại diện Cục an ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao cũng cho biết, Bộ Công an đã triệt phá nhiều đường dây có yếu tố người nước ngoài, các nhóm lừa đảo đặt trụ sở tại nước ngoài, sau đó lôi kéo người Việt Nam tham gia hoạt động cờ bạc, lừa đảo.
Tuy nhiên, tình trạng tội phạm công nghệ cao vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nguyên nhân là bởi các đối tượng lợi dụng các thế mạnh của công nghệ thông tin như tính mã hóa, bảo mật, xuyên biên giới để thực hiện các hành vi phạm tội. Trong khi đó, quá trình điều tra, xử lý lại lại tốn nhiều thời gian, công sức…
Trước thực trạng này, NCSC khuyến cáo người dùng Internet cẩn trọng khi truy cập các website có địa chỉ kết thúc bằng các đuôi: .net; .zon… Tìm hiểu các website chính thống của doanh nghiệp để tránh “tiền mất tật mang”. Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần tự bảo vệ mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình .