Cảnh giác với bệnh lý nguy hiểm hiếm gặp - viêm ruột hoại tử

Chia sẻ Facebook
03/04/2022 11:29:27

Một bệnh nhân viêm ruột hoại tử suýt gặp biến chứng nguy hiểm đến tính mạng may mắn được cứu sống tại Bệnh viện Gia An 115 (TP. Hồ Chí Minh) trong tháng ba vừa qua.


Theo thông tin từ bệnh viện, bệnh nhân L.Q.S. (87 tuổi, trú tại quận 10, TP. Hồ Chí Minh), tiền căn mắc đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim cấp, suy thận mạn giai đoạn 4. Ba ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân đau bụng âm ỉ quanh rốn, tiêu chảy, cơn đau càng lúc càng nhiều, người nhà cho nhập viện địa phương. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tụy cấp và cho chuyển tuyến điều trị.

Tuy nhiên, khi tiếp nhận, các bác sĩ Bệnh viện Gia An 115 cho tiến hành thực hiện các xét nghiệm và CT bụng thì kết quả về các chỉ số lại không cho thấy tình trạng viêm tụy cấp, nhưng các quai ruột giãn nhẹ, vùng hồi tràng có dấu hiệu viêm gây tụ dịch, nghi ngờ hoại tử.

Sau những cuộc hội chẩn với các chuyên khoa liên quan để cân nhắc tình trạng bệnh nhân, ThS.BS. Nguyễn Thế Toàn, Trưởng Khoa Ngoại quyết định sẽ phẫu thuật cắt đoạn ruột non hoại tử đưa hai đầu ruột ra ngoài thành bụng làm hậu môn nhân tạo.

Việc mổ cấp cứu bệnh nhân đã quá lớn tuổi có nhiều bệnh nền (đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận mạn độ 4…), nhồi máu cơ tim, thể trạng suy nhược, ngoài ra còn bị nhiễm trùng huyết là một bài toán cực kỳ khó. Cuộc hội chẩn toàn viện khẩn trương được triệu tập với sự tham gia của tất cả các chuyên khoa Tim mạch, Nội tiết, Hồi sức tích cực - Chống độc, Gây mê hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh và Ngoại tổng quát.

Sau khi cân nhắc và tính toán các yếu tố nguy cơ một cách chi tiết nhất, ca mổ ngay lập tức được tiến hành. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ nhận định phần ruột non của bệnh nhân thực sự đã hoại tử 60 cm, là nguyên nhân chính gây ra tình trạng trở nặng nhanh chóng khiến bệnh nhân càng ngày càng đau bụng dữ dội đến mức suy kiệt.

Các bác sĩ ngoại tiêu hóa nhanh chóng tiến hành cắt bỏ đoạn ruột non hoại tử, đưa hai đầu ruột ra ngoài làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân. Kết quả mẫu bệnh phẩm cho thấy bệnh nhân hoại tử ruột do nhiễm nấm Candida albicans.

ThS.BS. Nguyễn Thế Toàn, cho biết: "Đây là một trường hợp ít thấy trong y khoa. Vì nấm ít khi gây bệnh trên người có hệ miễn dịch bình thường và cũng hiếm khi gây loét hoại tử hồi tràng như tình trạng của bệnh nhân. Thông thường chỉ phát hiện ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch mắc phải như suy kiệt do ung thư, dùng corticoid kéo dài, lớn tuổi suy kiệt nặng, rối loạn hệ miễn dịch, hoặc dùng thuốc PPI kéo dài từ 6 tuần trở lên, HIV-AIDS…".

Với kết quả giải phẫu bệnh của bệnh nhân, việc lựa chọn phác đồ điều trị kháng nấm kịp thời là một khó khăn vì bệnh nhân này có bệnh nền đái tháo đường và suy thận độ 4. Sau khi hội chẩn nhiều lần để cân nhắc tình trạng tổng thể và khả năng phục hồi của bệnh nhân sau ca mổ, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã quyết định sử dụng ngay phác đồ điều trị kháng nấm trong 2 tuần cho bệnh nhân.

Nhờ việc lựa chọn phương pháp điều trị kịp thời và đưa ra quyết định hợp lý khi áp dụng phác đồ kháng nấm, chỉ sau 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã đáp ứng tốt, bình phục và xuất viện sau 26 ngày phẫu thuật và điều trị.


ThS.BS. Nguyễn Thế Toàn khuyến cáo: Viêm ruột hoại tử là một bệnh lý nguy hiểm nhưng có triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác. Chính vì vậy, người bệnh không nên chủ quan, cần chú ý thăm khám ở cơ sở uy tín để tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh và đảm bảo công tác điều trị đạt được hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân.

Chia sẻ Facebook