Cảnh giác biến chứng nặng ở trẻ mắc sốt xuất huyết

Chia sẻ Facebook
01/11/2022 08:30:25

Sốt xuất huyết (SXH) Dengue ở trẻ biểu hiện giống như các bệnh do virus thông thường nên dễ nhầm lẫn, bỏ sót những dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

Bác sĩ Đỗ Anh, Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, với trẻ bị SXH có thể từ không triệu chứng, biểu hiện nhẹ đến nguy kịch/nặng. Do có tới 4 loại SXH Dengue, nên một người có thể nhiễm tới 4 lần. Biểu hiện của bệnh SXH từ nhẹ đến vừa thường không đặc hiệu nên trong những ngày đầu của bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt do căn nguyên khác, như cúm mùa, RSV (virus hợp bào hô hấp), COVID-19.... “Vì thế, trẻ cần được theo dõi sát và phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm (sốc), để nhanh chóng nhập viện/can thiệp sớm nhằm giảm nguy cơ tử vong”, bác sĩ Đỗ Anh lưu ý.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai

Nếu trẻ bị nhẹ chỉ cần điều trị ở nhà, cho trẻ nghỉ ngơi và hạ sốt. Cha mẹ có thể sử dụng thuốc hạ sốt acetaminophen/paracetamol; không dùng Ibuprofen để hạ sốt. Hầu hết trẻ sẽ hồi phục sau khi hết sốt, nhưng ước tính có 1/20 bệnh nhân nhiễm SXH, Dengue có thể tiến triển nặng/nguy kịch, đe doạ tính mạng, trong đó trẻ mắc bệnh lần 2 sẽ là yếu tố nguy cơ khiến bệnh tiến triển nặng. Khi người lớn mắc bệnh SXH biến chứng thường gặp là giảm tiểu cầu (chảy máu), còn với trẻ nhỏ, biến chứng thường gặp là tình trạng bị sốc. Vì bị sốc nên trẻ có nguy cơ bị suy hô hấp, chảy máu, ứ dịch và suy giảm chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể, dẫn tới tử vong.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, từ đầu năm, thành phố ghi nhận khoảng 9.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 12 bệnh nhân tử vong. So với cùng kì năm ngoái, số mắc tăng 3,3 lần. Riêng tuần qua ghi nhận hơn 1.200 ca mắc và 3 trường hợp tử vong.


“Khi cha mẹ thấy trẻ có các dấu hiệu sau nên cho trẻ nhập viện điều trị: đau bụng; li bì/kích thích và nôn liên tục; cơ thể thay đổi đột ngột (đang sốt cao, trẻ hạ thân nhiệt); trẻ bắt đầu xuất hiện chảy máu (mũi/ miệng/tiểu máu/phân máu) hoặc da niêm mạc xanh tái; chân tay trẻ lạnh/ẩm; đau bụng/ gan to ra, ấn tức vùng bụng”, bác sĩ Đỗ Anh khuyến cáo. Thông thường, bệnh sẽ diễn tiến với 4 giai đoạn: ủ bệnh (5-7 ngày); sốt; nguy kịch/nguy hiểm và hồi phục. Trẻ có thể sốt 2-7 ngày kèm theo hiện tượng đau mỏi cơ, đau mắt, đau khớp, đau họng, đau đầu, nôn và buồn nôn; ban đỏ da, chấm xuất huyết dưới da...


Theo dõi sát diễn biến bệnh

SXH nếu không được theo dõi và điều trị phù hợp có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Trẻ có thể hết sốt từ ngày thứ 3, nhưng nếu không phát hiện các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như ngủ nhiều, li bì, tiểu ít, quấy khóc bứt rứt, nôn, đau bụng, chảy máu cam, chân răng, nôn máu, đi ngoài phân đen, máu kinh ra nhiều, trẻ có thể nhanh chóng rơi vào tình trạng nặng, có biến chứng và nguy cơ tử vong.


Bắc Kạn: 4 ngày thêm 1.300 trường hợp sốt cao

Ngày 31/10, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cho biết, từ ngày 28/10 đến nay, địa phương ghi nhận thêm 1.300 trường hợp sốt cao có dấu hiệu nhiễm cúm B. Trước đó, tỉnh có hơn 700 học sinh tại huyện Chợ Đồn phải nghỉ học vì cúm B. Hiện có 181 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế, không có ca biến chứng nặng.


Khi trẻ mắc SXH, việc vô cùng quan trọng là cha mẹ cần phải theo dõi kĩ nhiệt độ trước và sau khi cho con uống thuốc hạ sốt. Việc sử dụng thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng chỉ định sẽ có hiệu quả và kiểm soát tốt diễn tiến của bệnh. Với trẻ có tiền sử sốt cao hay co giật, việc theo dõi này cần thường xuyên hơn, vì khi trẻ bị sốt thì khả năng co giật cũng có thể xảy ra. SXH cũng có biểu hiện sốt rất giống với những bệnh có sốt khác.

Chia sẻ Facebook