Cảnh “Chó đón hươu” trên các rìu đồng Đông Sơn
Rìu là công cụ rất phổ biến của người Đông Sơn. Tạo dáng rìu đồng cổ cũng phong phú và hiện còn rất nhiều tiêu bản tại các bảo tàng và...
Thứ tư, 24/05/2023
Tiếp nối bài trước “ Những bức tranh hang động cổ xưa nhất của người Việt ” , xin mời các bạn xem cảnh CHÓ ĐÓN HƯƠU trên các rìu đồng thời Đông Sơn. Tranh hang động và rìu đồng Việt cổ có liên quan vì cùng tả cảnh dùng chó săn hươu. Tất nhiên rất nhiều dân tộc trên thế giới đã dùng chó săn nhưng vấn đề ở đây là người Việt cổ đã chọn cảnh tượng này để vẽ ít nhất một lần trên vách hang rồi sau đó đã lặp lại nhiều lần trên các rìu đồng cổ. Rìu là công cụ rất phổ biến của người Đông Sơn. Tạo dáng rìu đồng cổ cũng phong phú và hiện còn rất nhiều tiêu bản tại các bảo tàng và sưu tập tư nhân. Cũng như các dân tộc sơ khai khác, người Việt cổ rất thích làm đẹp cho các đồ vật quý của mình: tạo dáng, mài nhẵn, đánh bóng, trang trí và thậm chí còn “vẽ” được cả quang cảnh của một buổi đi săn sôi động trên lưỡi rìu đồng.
Cảnh săn hươu của người Việt cổ, hình đúc trên rìu đồng Đông Sơn. Chó săn chặn đầu hươu, phía trên (ước lệ là đằng xa) 2 thợ săn đang reo hò trên thuyền để gây áp lực.
Trái: lưỡi rìu xéo gót vuông, mạ vàng do C.Huet sưu tầm tại Quốc Oai, Hà Tây hiện bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Brussel, Bỉ. Phải: lưỡi rìu hình chiếc hia, 12 x 11 cm, Bảo tàng nhân học (Volkerkund Museum), Thủ đô Viên, Cộng hòa Áo.
Kể từ đây, tôi muốn hướng các bạn yêu mỹ thuật vào Những bức tranh trang trí trên đồ đồng của người Việt cổ. Sau 2000 năm, các cổ vật thời Đông Sơn có lẽ đã mất mát phần lớn! Thế mà các bức tranh ở dạng trang trí trên đồ đồng vẫn còn phong phú lắm, súc tích lắm. Sở dĩ tôi đang cố gắng làm điều này vì trước đây, khi còn dạy môn Lịch sử Mỹ thuật, đã có phụ huynh – cũng là đồng nghiệp – muốn tôi dẫn đến Bảo tàng Lịch sử để chỉ tận chỗ cái hiện vật có thể là dẫn chứng điển hình cho trang phục dân tộc thời Đông Sơn. Từ đó họ mới nhận ra rằng đồ đồng Việt cổ để lại cho chúng ta ngày nay khá nhiều thông tin về xã hội, văn hóa, kỹ thuật, trang phục, nghi lễ… của tổ tiên.
1 – Tạo dáng rìu Đông Sơn rất phong phú, đôi khi có vẻ… kiểu cách.
Ở buổi đầu sơ khởi của dân tộc, rìu chiến là vũ khí quan trọng nên được sản xuất hàng loạt. Bằng chứng là ngày nay, sau hơn 2000 năm, dù bị mất mát và hủy hoại vô cùng nhiều mà vẫn còn vô số tiêu bản trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân. Từ rìu đá cho đến rìu đồng, khởi đầu chỉ là công cụ hay vũ khí nhưng càng về sau càng được chăm chút như một tác phẩm nghệ thuật – nó là niềm tự hào và vẻ đẹp của các chiến binh. Thậm chí về sau nữa, có những chiếc rìu dường như chỉ dùng vào việc cúng tế – không có tính thực dụng vì rất khó chặt, chém mà tạo dáng lại quá kiểu cách, có rìu còn đúc thêm hình con chim nhỏ xíu đang đậu nữa – thật là điệu đà hết sức!
2- Những lưỡi rìu hình chiếc hia có gót vuông được trang trí đặc biệt
Thời Đông Sơn người ta từng đúc nhiều kiểu lưỡi rìu, từ nhỏ xíu để làm đồ minh khí – tùy táng cho đến to nhất tương đương một bàn tay. Đẳng cấp nhất là loại rìu hình như chiếc hia có gót gần như vuông, thường to cỡ nửa bàn tay. Trong số đó có những chiếc được đặc biệt trang trí bằng những nét đúc trên bề mặt. Phổ biến là cảnh dùng chó săn hươu với các diềm trang trí bao quanh 3 mặt, khớp theo các cạnh của lưỡi rìu. Đó là các đường diềm trang trí hình ô trám nối tiếp mà dân chơi đồ cổ gọi là hoa văn “trám lồng” – chúng được tạo thành do các đường zic zăc đối lập và đan xen, tạo thành hình hình học dạng con thoi nối tiếp nhau. Vẻ đẹp kiểu hoàn toàn trừu tượng này bao quanh bức tranh mà các nghệ nhân cổ muốn kể lại một cách hiện thực nhất có thể, vào thời cổ đại cách đây hơn 2.000 năm.
3- Dùng chó săn hươu – bức tranh hiện thực sơ khai nhất, được “tái bản” vô số lần.
Bạn hãy tưởng tượng lại quang cảnh điển hình của đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Mã cách đây hơn 2000 năm – tức là vào thời Đông Sơn. Đang kỳ biển thoái, mực nước biển hạ dần, đồng bằng trẻ nổi lên, vô số sông, ngòi, rạch, lạch nước bao quanh các bãi đất xâm xấp, mọc đầy lau sậy, sú, vẹt… Hươu đi ăn từng đàn – tất nhiên đó là mồi ngon cho các thú ăn thịt. Nhưng trong khi cá sấu, hổ, báo dư sức phục kích hay truy đuổi con mồi thì loài người yếu ớt khó lòng theo kịp, đành phải viện đến mưu mẹo.
Người dùng thuyền độc mộc với các tay chèo cơ bắp cuồn cuộn để bao vây, tiếp cận bãi nổi có đàn hươu. Càng nhiều thuyền càng dễ bao vây. Nhưng hươu bao giờ cũng có khả năng tẩu thoát xuất sắc: chúng chạy cực nhanh và bơi vượt qua sông ngòi ngon lành. Đúng lúc ấy loài người tìm thấy đồng minh trong nghề đi săn: con chó. Ưu điểm của chó thì sách báo đã phân tích nhiều, xin miễn nói thêm. Ở đây chỉ xin nhấn mạnh: chó săn đã được tổ tiên ta sử dụng xuất sắc vào điểm yếu nhất của con người trong cuộc săn: chặn đầu. Các thợ săn Đông Sơn phán đoán hướng tẩu thoát của đàn hươu, thả chó đúng điểm cần thiết. Các thuyền độc mộc bao vây, thợ săn hô hoán làm áp lực dồn đuổi, chỉ chừa ra một hướng đã có đàn chó đón lõng. Thừa dịp đàn hươu đang ngỡ ngàng vì bị chặn đứng, các thuyền săn đủ thời gian tiếp cận, mũi lao và cung nỏ đủ tầm phát huy tác dụng – vậy là người Việt cổ chiếm được nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng nhất!
4 – Vậy tại sao người ta đúc cảnh đi săn nhiều đến thế trên các rìu chiến cổ?
Đây là tín ngưỡng sơ khởi với ý làm thiêng hóa sự cầu may. Những bức tranh hang động trên khắp thế giới, từ Âu sang Á tới Phi rồi Úc thường nhất loạt vẽ các thú lớn – nguồn protein trọng yếu của con người. Các nhà nghiên cứu hiện đại đã tìm ra lý do: không phải vẽ vì cái đẹp mà nhằm mục đích phù phép – khẩn cầu để bắt cho được các thú lớn đó. Người ta từng chứng kiến một số bộ lạc lạc hậu hồi đầu thế kỷ XX vẫn còn vẽ thú lớn lên vách đá hay trên mặt đất để phù thủy của bộ lạc phù phép – bắt mất hồn của con vật, trong khi các thợ săn nhảy múa, hú hét, dứ dứ vũ khí trên hình con vật. Chỉ sau đó họ mới yên tâm đi săn.
Các rìu chiến được đúc cảnh dùng chó săn thú cũng không ngoài mục đích kể trên!
Trước khi đi săn, thổ dân Úc dùng biện pháp ma thuật: vẽ hình con vật định săn xuống đất rồi nhảy múa, hú hét và phóng lao vào hình vẽ. Họ tin rằng làm như vậy sẽ khiến con vật tổn thương và bị họ bắt mất “hồn”… do vậy mà cuộc đi săn sau đó sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Nguồn: sách Iscustvennaya Istoria Mira – Lịch sử nghệ thuật thế giới (tiếng Nga).
5 – Chuyện kể của bà tôi: cuộc săn của cả làng đầu năm 1947.
Vào thời điểm dân phố thủ đô tản cư về các miền quê quanh Hà Nội. Bà tôi dắt díu gia đình lên “mạn ngược” và đầu năm 1947 tới tỉnh Tuyên Quang. Bất ngờ một ngày nọ, cả nhà bị dân một làng mừng rỡ bắt buộc (vì họ thiếu người) phải tham gia bao vây một khu rừng. Mỗi người được phát 2 que tre to – phải vừa hò hét vừa đập que tre vào nhau trong khi vòng vây của cả làng khép dần quanh khu rừng. Chó làng sủa ran hòa lẫn tiếng cồng chiêng, tiếng đập tre nứa và tiếng hú hét uy hiếp con thú. Rừng giáp một bên sông, phía ấy đã có các thuyền và thợ săn quây chặt. Cuối cùng con thú chạy qua lối thoát duy nhất mà người ta cố tình chừa ra để nó phải sập bẫy. Xong việc, bà định đi tiếp nhưng lệ làng bắt buộc phải ở lại cho đến khi thịt xong con thú. Kết quả chia đều: mỗi người tham gia, bất kể già-trẻ-lớn-bé được một miếng thịt to bằng ngón chân cái! Kể chuyện này để thấy cách phối hợp của người Việt cổ vẫn tồn tại dai dẳng đến tận nửa đầu thế kỷ XX.
6 – Những bức tranh hiện thực mà tổ tiên để lại cho con cháu ngàn sau…
Có người chê “bức tranh” gì mà bé tí? lại chỉ có mấy nét đơn sơ? Riêng tôi ngậm ngùi xúc động: vâng, so với ngày nay thì nói làm gì – người ta có thể đúc ra những bức tranh nét nổi tinh vi và phức tạp để tả lại câu chuyện hay hơn thế hàng triệu lần!
Nhưng các rìu chiến đúc hình “chó đón hươu” ấy là thành quả kỹ thuật đặc biệt nhất của tổ tiên ta thuở sơ khai, cách đây khoảng từ 2700 năm đến 2000 năm, vào thời các nghệ nhân đang mầy mò đúc đồng để trang bị cho các chiến binh Việt cổ những chiếc rìu cận chiến sắc bén nhất, đẹp đẽ nhất, thiêng hóa nhất (và chưa biết chừng đã được phù thủy bộ lạc phù phép) để săn thú sao cho hiệu quả nhất. Chuyện dông dài, bao la được rút gọn lại trong mấy nét cô đọng như dạng tín hiệu mà ý tứ vẫn rõ ràng, lại được bao quanh bởi 3 diềm trang trí rất đẹp như làm khung để tôn vinh bức tranh săn hươu vất vả mà đầy hiệu quả. Đó chính là câu chuyện nghệ thuật của tổ tiên ta! Và thật tự hào cho nhà sưu tập nào có trong tay một chiếc rìu như vậy…
Họa sĩ Đức Hòa
Tác giả gửi Trí Thức VN
Xem thêm cùng tác giả :