Cảnh báo số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng tại Quảng Ninh

Chia sẻ Facebook
18/10/2022 08:32:02

Thời điểm giao mùa, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh chóng.

Các bệnh nhân nhập viện với dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết, như: Sốt cao 39-40 độ C kéo dài, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; đau cơ và khớp; có thể sưng hạch bạch huyết hoặc phát ban…

Như bệnh nhân T.T.T. (59 tuổi, trú tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) vào viện đến nay đã là ngày thứ 4, nhưng vẫn sốt nhẹ, đau đầu và mệt mỏi nhiều.

Bệnh nhân cho biết vừa ra TP. Hạ Long đi làm thì bất ngờ sốt cao liên tục 2 ngày kèm theo gai rét, đau mỏi toàn thân, ăn uống kém nên vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh điều trị.

"Trước đây, thỉnh thoảng tôi cũng ốm nhưng chưa bao giờ bị nặng, sốt cao kéo dài mấy ngày, đầu đau, toàn thân nhức mỏi như vậy", bệnh nhân cho hay.

Trường hợp nhỏ tuổi mắc sốt xuất huyết tại Khoa Bệnh nhiệt đới là bệnh nhi V.G.K. (3 tuổi, trú tại xã Thống Nhất, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Bệnh nhi cũng nhập viện trong tình trạng sốt cao 38 - 39,5 độ liên tục kèm ho húng hắng, chảy mũi, đau đầu, mệt mỏi.

Mẹ bệnh nhi cho biết: Ban đầu cháu ở nhà sốt cao, tôi chỉ nghĩ cháu bị cúm, sốt thông thường. Gia đình khá ngạc nhiên khi kết quả xét nghiệm cháu dương tính với sốt xuất huyết, vì quanh khu vực gia đình sinh sống không thấy có trường hợp nào mắc.

Bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: BVCC

Sốt xuất huyết thường xuất hiện vào khoảng thời gian giao mùa, nhất là vào mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi mạnh, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue.

Những triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết khá tương đồng với cúm nên dễ gây nhầm lẫn. Đa phần các trường hợp mắc sốt xuất huyết đều tự hồi phục sau khoảng 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, nếu không được theo dõi, điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh nhân vẫn có nguy cơ tiến triển thành thể nặng với tình trạng xuất huyết đường tiêu hoá; thoát dịch gây sốc; truỵ mạch, huyết áp; thoát dịch vào màng tim, phổi; tổn thương gan, suy đa tạng... gây nguy hiểm tính mạng, đặc biệt là ở trẻ em.

BSCKI. Đinh Việt Hải, Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết: Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 10, Khoa Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận điều trị nội trú cho gần 60 ca sốt xuất huyết, ngoài ra còn có nhiều trường hợp với triệu chứng nhẹ được cấp đơn tự điều trị tại nhà. Các bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện chủ yếu với các triệu chứng: sốt cao liên tục, khó hạ sốt, đau đầu, đau nhức hốc mắt, có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết, chán ăn, buồn nôn… Các ca sốt xuất huyết tại đây đều được chúng tôi theo dõi điều trị ổn định và xuất viện sau khoảng 1 tuần.

Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Đây là bệnh lây truyền từ người sang người qua đường muỗi đốt nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi, như: dọn dẹp sạch sẽ, tạo không gian thoáng đãng ở nơi làm việc, sinh sống, không để nước tù nước đọng làm phát sinh lăng quăng, bọ gậy, muỗi; sử dụng bình xịt, nhang muỗi, thuốc xịt hoặc thoa để xua muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ màn để tránh muỗi đốt.

Khi phát hiện các dấu hiệu: sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn… người dân cần đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Chia sẻ Facebook