Cảnh báo ngộ độc rượu gia tăng dịp cuối năm
Dịp lễ, Tết cuối năm là thời điểm sử dụng bia, rượu tăng cao, cũng là lúc gia tăng nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc rượu.
Đến hẹn lại lên, cứ đến cuối năm là lượng rượu, bia tiêu thụ gia tăng bởi đây là dịp cao điểm của những bữa tiệc liên hoan, hội họp, tổng kết, tất niên... Việc lạm dụng rượu, bia để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc với nhiều trường hợp phải nhập viện, thậm chí có trường hợp tử vong do bị ngộ độc rượu.
Ghi nhận của báo Kinh tế & Đô thị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần Tết, hầu như ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận nhiều ca ngộ độc rượu nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, xuất huyết tiêu hoá, xơ gan… Đáng nói, nhiều ca ngộ độc methanol trong tình trạng rất nặng, nguy kịch.
Điển hình là trường hợp nam bệnh nhân N.T.H. (25 tuổi, quê ở Tuyên Quang ) sau cuộc nhậu liên hoan cuối năm cùng bạn bè đã rơi vào trạng thái lơ mơ, được đưa đến viện trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng nặng.
TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi nhập viện, chỉ số đường huyết của bệnh nhân H. giảm còn 0,7 mmol/l, trong khi với người bình thường chỉ số này là trên 4 mmol/l.
Một trường hợp khác là bệnh nhân P.T.K. (61 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội ) nhập viện trong tình trạng hôn mê. Thời điểm trước khi nhập viện, ông uống đến 1 lít rượu/ngày. Các bác sĩ đánh giá, tất cả cơ quan nội tạng của bệnh nhân đều bị tổn thương. Trong đó, bệnh nhân bị xơ gan, đái tháo đường, gout, kèm theo xuất huyết da, máu giảm, thực quản và dạ dày bị loét, hoại tử chỏm xương đùi, teo não, miễn dịch kém… Với trường hợp này, các bác sĩ tiên lượng nguy cơ tử vong cao.
Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, nhiều trường hợp đến viện trong tình trạng đường máu gần như bằng 0 và tổn thương não. Khi uống rượu tạo cảm giác no giả, nên nhiều người uống mà không ăn khiến bị hạ đường huyết. Có trường hợp uống liên tục vài ngày, uống quá nhiều, uống tràn lan, tới khi nguy kịch mới vào viện thì đã để lại di chứng rất nặng nề, đặc biệt là di chứng não. Uống quá nhiều rượu còn gây ra các bệnh như: Viêm tụy cấp, suy gan, cơ tim giãn, teo não, rối loạn tâm thần, thiếu máu, suy tủy...
“Đặc biệt, người uống phải rượu pha cồn công nghiệp còn nguy hiểm đến tính mạng. Nếu uống phải rượu rởm và cồn sát trùng rởm, lúc đầu say như uống rượu thông thường, nhưng 1-2 ngày sau mới mờ mắt, hỏng não thì đã quá muộn. Không chỉ rượu methanol mà ngay cả rượu truyền thống ethanol nếu như lạm dụng cũng có thể gây ra ngộ độc, tử vong”, TS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
Đồng quan điểm, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Huỳnh Văn Ân, Trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Tp.HCM) cho biết rượu nào cũng có hại đối với sức khỏe , ngay cả những loại rượu đạt chất lượng sản xuất theo quy định.
Rượu bình thường là ethanol nhưng vì lý do lợi nhuận, nhiều cơ sở sử dụng methanol (cồn công nghiệp, rượu gỗ) không sử dụng trong thực phẩm trộn vào rượu ethanol để có giá thành rẻ. Nguy cơ ngộ độc, đe dọa tính mạng người sử dụng càng tăng cao đối với các loại rượu ethanol bị làm giả, đặc biệt là rượu độc sản xuất từ cồn công nghiệp methanol.
Khi sử dụng rượu ethanol người uống bị đau đầu, mệt mỏi, nôn ói nhưng cơ thể sẽ tự đào thải được các chất gây hại. Tuy nhiên, nếu uống phải rượu methanol bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng nhức đầu, lơ mơ, mất tri giác, mất thị lực, hôn mê.
Các triệu chứng trên thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, hầu hết bệnh nhân đều rơi vào tình trạng nguy kịch sau một ngày uống.
"Nếu không được nhập viện, điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong ở mức rất cao, trường hợp may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác. Có những ca nặng, dù được cứu sống nhưng việc điều trị rất khó khăn. Ngoài thở máy bệnh nhân phải lọc máu liên tục kèm với các giải pháp lọc độc chất, truyền ethanol tinh khiết, chi phí điều trị có thể tốn hàng trăm triệu đồng", bác sĩ Ân cho biết.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, với rượu, bia không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai, lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).
Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều người còn có thói quen pha rượu với nước ngọt, bia, cà phê, hoa quả… Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng cảnh báo, khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích có trong các loại đồ uống nêu trên tăng cao. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh, khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với đồ uống thông thường. Riêng rượu pha với bia khiến lượng cồn nhanh chóng được hấp thu vào máu dưới tác động của các hương liệu, phụ gia và những chất khác biệt. Do đó, khi uống rượu pha, cơ thể có cảm giác hưng phấn, dễ bị say, lại gây mệt mỏi, uể oải khi thức dậy.