Cảnh báo lừa đảo thông qua việc "dựa hơi" các thương hiệu tài chính lớn

Chia sẻ Facebook
23/06/2022 13:43:27

Thông tin Tổng Giám đốc Công ty HSBC Việt Nam bị bắt vì tạo điều kiện cho đồng phạm làm phương tiện lừa đảo đã khiến nhiều người hoang mang. Sở dĩ như vậy vì nghe qua, nhiều người bị nhầm lẫn về thương hiệu HSBC Việt Nam. Không chỉ có HSBC mà cái tên OCB, SHB, BSC đều có thể... không như bạn nghĩ.


Trên thực tế tên đầy đủ của công ty này là Công ty cổ phần tập đoàn tài chính HSBC Việt Nam, hoàn toàn không có liên quan gì với ngân hàng HSBC (tên đầy đủ là Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam).


Từ câu chuyện các doanh nghiệp trùng tên

Đây không phải là chuyện hi hữu khi cùng 1 cái tên được nhiều công ty sử dụng, xuất phát từ sự trùng hợp về ý tưởng, sở thích.

Chẳng hạn, vì cùng chung ý tưởng "bamboo" mà cho đến giờ vẫn có người nhầm lẫn giữa Công ty cổ phần Bamboo Capital với Bamboo Airway.

Hãng hàng không Bamboo Airway thực chất tên đầy đủ là Công ty cổ phần hàng không Tre Việt không liên quan về mặt sở hữu với Công ty cổ phần Bamboo Capital. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư tài chính, sản xuất - thương mại, xây dựng, kinh doanh bất động sản và năng lượng tái tạo.

Nếu tìm kiếm từ khóa "Á Châu" trên google, ngoài Ngân hàng TMCP Á Châu, bạn sẽ còn được trả ra rất nhiều kết quả khác. Có hàng chục doanh nghiệp khác nhau từ thực phẩm Á Châu, công nghệ điện Á Châu, Á Châu mobile, trường Á Châu, địa ốc Á Châu,...

Câu chuyện sẽ chẳng có gì để nói khi chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Mọi thứ trở nên phức tạp và khó kiểm soát hơn như trong câu chuyện mới đây của công ty HSBC.


"Dựa hơi" thương hiệu lớn để lừa đảo

Báo chí đưa tin, sự việc bắt đầu từ khi nạn nhân T.Q.K - Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Thổ Nguyên xin phép chủ trương xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại Sóc Trăng và tìm nguồn vốn đầu tư.

Thông qua những mối quan hệ xã hội, ông K gặp Nguyễn Tấn Sự và Nguyễn Thuỵ Long Phương (Tổng giám đốc và Giám đốc tài chính của Công ty CP Đầu tư Du lịch Núi Chúa, trụ sở tại quận Tân Bình).

Hai người này nói có mối quan hệ với ngân hàng và có nguồn tài chính 100 tỷ USD từ tổ chức tài chính "HSBC Vietnam Finance Group" để đầu tư vào dự án. Quá trình đó, Sự và Phương có đưa cho ông Khởi xem một số tài liệu, giấy tờ chứng minh cho nguồn vốn ngoại tệ như đã nói.

Sự và Phương đã đưa một thư tín dụng và tài trợ vốn không hoàn lại do ông Trần Quang Sơn (TGĐ Công ty cổ phần tập đoàn tài chính HSBC Việt Nam) ký, đóng dấu ngày 25/4/2019 với nội dung có nguồn vốn ngoại tệ 250 – 500 triệu USD, sẵn sàng hỗ trợ Công ty Đại Thổ Nguyên và Công ty Núi Chúa làm dự án nhà máy xử lý rác thải tại Sóc Trăng.

Ông Trần Quang Sơn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn tài chính HSBC Việt Nam

Việc đặt tên công ty có cụm "HSBC Việt Nam" đã gây nên sự nhầm lẫn cho đối tác khi cho rằng đây là tổ chức tài chính, ngân hàng lớn, từ đó tạo sự tin tưởng của người khác nhằm lừa đảo.

Ngày 21/06, Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam) khẳng định không có mối liên hệ với công ty HSBC

Trong suốt hơn 150 năm thành lập và hoạt động tại Việt Nam, Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam) luôn tập trung phát triển các sản phẩm và giải pháp, mang lại giá trị thiết thực cho người dân Việt Nam cũng như hỗ trợ sự phát triển minh bạch của thị trường tài chính Việt Nam

Đây không phải lần đầu tiên có ngân hàng bị "lợi dụng" thương hiệu. Tháng 10/2020, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã phải phát đi thông báo khẳng định không liên quan đến Tập đoàn tài chính OCB, cùng các tên gọi khác được đề cập như: OCB life, OCB Lending, OCB Master, Tập đoàn tài chính đa quốc gia OCB life,…


Cụ thể, theo thông cáo của OCB, trong thời gian qua, báo chí liên tục đăng tải thông tin về vụ việc “Đầu tư tiền ảo vào Tập đoàn tài chính OCB” và đã có nhiều cá nhân, khách hàng “sập bẫy” mất tiền tỉ; trong đó đề cập đến những cái tên: OCB life, OCB Lending, OCB Master, Tập đoàn tài chính đa quốc gia OCB life (IEO Of Blockmax).

Theo Báo Lao động, tập đoàn tài chính OCB tự quảng cáo là tập đoàn tài chính đa quốc gia. Theo quảng cáo thì OCB Life có hệ sinh thái bao gồm sàn giao dịch thương mại điện tử trên ví OCB. Ngoài ra, trên các diễn đàn đầu tư còn được quảng cáo về loại thẻ ATM "thế hệ mới" dựa trên công nghệ Blockchain, có mặt ở Việt Nam và trên toàn thế giới trong năm 2021.  Một loại tiền ảo mang tên OCB sẽ sử dụng trong hệ sinh thái này, dùng để mua sắm hay đầu tư sinh lời. Sau đó, công ty đưa ra dự án Blockmax.IO, huy động theo từng gói và trả thưởng kiểu đa cấp.

Báo Lao động phản ánh thông tin từ nhiều nhà đầu tư, từ tháng 7.2019, nhiều người đã đầu tư rất nhiều tiền vào tập đoàn này.

Một thời gian sau, tập đoàn này khóa tài khoản và không chi trả tiền hoa hồng như đã cam kết, cũng không hoàn trả lại số tiền gốc mà nhiều người đã đầu tư ban đầu. Đồng thời, khóa nhiều tài khoản giao dịch trên trang web mà trước đó những người này đã nạp tiền đầu tư trên hệ thống của OCB.

Thông cáo của Ngân hàng OCB nhấn mạnh, việc sử dụng "nhãn OCB" trên đã gây nhầm lẫn với thương hiệu OCB của ngân hàng. Các cá nhân, tổ chức khác sử dụng thương hiệu, nhãn hiệu được Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đăng ký bảo hộ mà chưa được Ngân hàng chấp thuận là trái các quy định pháp luật.

Sự việc quảng bá này có dấu hiệu bất minh, vi phạm các quy định liên quan đến việc bảo hộ thương hiệu được đăng ký, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Ngân hàng

OCB life không liên quan gì đến Ngân hàng TMCP Phương Đông - OCB

Để bảo vệ hình ảnh, thương hiệu và quyền lợi của Ngân hàng, OCB sẽ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền thanh tra làm rõ, thậm chí thực hiện các thủ tục tố tụng theo quy định, buộc các cá nhân, tổ chức vi phạm phải chấm dứt việc này.

Sự "nhập nhằng" trong việc đặt tên nhằm "dựa hơi" các thương hiệu của các tổ chức tín dụng để tạo lòng tin với đối tác có thể trở thành cơ sở cho các kế hoạch lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như trong sự việc của OCB hồi năm 2020 hay HSBC gần đây.

Thực tế còn rất nhiều những sự "nhập nhằng" khác có thể khiến nhà đầu tư hiểu lầm, nhất là những người không làm việc trong lĩnh vực tài chính.

Chẳng hạn, trên thị trường tiền ảo, có rất nhiều mã thông báo được định danh bằng các chữ cái viết tắt trùng với tên tắt của các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán tên tuổi ở Việt Nam.


Skyhub Coin được viết tắt là SHB hay Binance Smart Chain được đóng mở ngoặc là BSC như thế này

Tuy nhiên, Ngân hàng SHB không liên quan gì đến tiền ảo SkyHub Coin và Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (viết tắt BSC) không liên quan gì đến Binance Smart Chain.

Vì vậy, để tránh những rủi ro bị lừa đảo từ việc "dựa hơi" thương hiệu các tổ chức tài chính, kinh tế lớn, các nhà đầu tư, cá nhân, doanh nghiệp cần hết sức tỉnh táo và tìm hiểu rõ ràng.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook