Cảnh báo làn sóng khủng hoảng nợ
Thế giới đang đối mặt với "làn sóng thứ 5 của cuộc khủng hoảng nợ", đó là nhận định được Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đưa ra ngày 7/10.
Theo ông Malpass, đại dịch COVID-19 đã buộc nhiều quốc gia phải vay tài chính nhiều hơn và Ngân hàng Thế giới cũng như Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo rằng nhiều quốc gia đang phải đối mặt hoặc có nguy cơ mắc nợ trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng và lãi suất tăng cao.
Theo thống kê, riêng trong năm nay, khoảng 44 tỷ USD tiền nợ ở một số nước nghèo nhất đến hạn phải thanh toán, lớn hơn dòng viện trợ nước ngoài mà các nước có thể hy vọng nhận được.
Những bình luận của ông Malpass được đưa ra vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang gặp khó khăn, khi đang phải vật lộn với lạm phát gia tăng và lãi suất tăng cao, có nguy cơ gây xáo trộn trên toàn cầu.
Theo WB, nền kinh tế toàn cầu đã trải qua 4 làn sóng tích lũy nợ kể từ năm 1970 và nhìn chung đã gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính ở nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Lãi suất bằng đồng USD tăng trở lại khiến nhiều nền kinh tế chịu áp lực lớn về việc trả nợ. Tìm kiếm một giải pháp toàn cầu cho bài toán nợ công đang trở nên cấp thiết.