Cảnh báo lạm phát cao, cần ngay giải pháp

Chia sẻ Facebook
24/05/2022 09:07:36

Sức nóng tăng giá đã lan ra ruộng đồng, nhà máy đến mâm cơm của mọi gia đình. Nhưng hậu quả còn lớn hơn nếu chậm có giải pháp giảm nhiệt đà tăng giá, dẫn đến lạm phát cao, phải tăng lãi suất...

Ít ai ngờ rằng có ngày giá xăng tăng ngoài 30.000 đồng/lít, đẩy giá thực phẩm tiêu dùng tăng theo, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông TRẦN HOÀNG NGÂN - đại biểu Quốc hội TP.HCM - về lý do phải kiên trì kiểm soát sớm lạm phát trước khi quá muộn.

* Thưa ông, được biết nhiều lần ông đã kiến nghị tạm thời dùng thuế bảo vệ môi trường và tiêu thụ đặc biệt để kềm đà tăng của giá xăng dầu, vì sao ông lại kiên trì với quan điểm này?

- Kinh nghiệm từ quá trình phát triển kinh tế tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy để xảy ra lạm phát cao là rất nguy hiểm, đáng sợ. Do vậy, cần phải theo dõi sát sao và có giải pháp kịp thời. Khi xảy ra lạm phát cao, để kiểm soát, người ta thường tăng lãi suất, sẽ làm đảo lộn tất cả, đó là liều thuốc đắng, rất nguy hiểm cho nền kinh tế.

Do vậy phải kiên trì ngăn ngừa ngay khi có những triệu chứng lạm phát cao quay trở lại. Một trong những giải pháp có thể giảm đà tăng nóng của giá cả chính là kềm giá xăng dầu.

* Nhưng CPI tại Việt Nam ở mức 2,2%, không căng thẳng như nhiều nước, liệu lo lắng ấy có quá sớm?

- Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn với thế giới. Thế giới tăng giá, ta phải chịu giá cao ngay. Người ta gọi đó là nhập khẩu lạm phát. Hiện tình hình thế giới quá phức tạp với lạm phát cao. Nhiều nước bơm tiền để kích thích kinh tế hậu COVID-19, do đứt gãy chuỗi cung ứng và chiến tranh Ukraine - Nga.

Cả 3 nguyên nhân này đẩy giá hàng hóa vào chỗ nguy hiểm, không chỉ dừng ở xăng dầu, khí đốt, mà nay đã lan sang lúa mì, gạo, phân bón...


Lúc này CPI tại Việt Nam chỉ ở mức 2,2%, thấp so với nhiều nước. Như Mỹ, tháng 3 lạm phát 8,5%, cao nhất trong 40 năm, châu Âu là 7,4% và Anh là 9%, cao nhất trong 30 năm... Tại Việt Nam, người dân đang phải mua xăng với giá ngoài 30.000 đồng/lít, nó đang "ngấm" vào giá hàng hóa, dịch vụ, sẽ phản ánh vào CPI trong những tháng tới.


Nếu không kiểm soát tốt giá xăng dầu, sẽ có những đợt tăng giá nhiều mặt hàng và vòng xoáy đó sẽ dẫn đến tăng lãi suất. Khi đó, không chỉ người dân, doanh nghiệp mà Nhà nước cũng khó khăn.

Sẽ có câu hỏi, lạm phát thế giới như thế, kềm lạm phát cao, làm sao chúng ta có thể vác đá vá trời? Chúng ta không kỳ vọng ổn định giá mà là giảm thiểu tối đa tác động của nó đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, tránh xảy ra tình huống lạm phát cao, thông qua nhiều công cụ: thuế, điều hành, tổ chức sản xuất và cân đối cung cầu...


Ông TRẦN HOÀNG NGÂN

* Giả sử lạm phát tăng cao, lãi suất phải tăng theo, điều gì sẽ xảy ra, thưa ông?

- Hiện nay, đại đa số người dân đã mệt mỏi, cạn kiệt tài chính sau 2 năm COVID-19. Vì vậy, giá tăng rơi vào các mặt hàng thiết yếu, càng làm cho đời sống thêm khó khăn. Với doanh nghiệp, chi phí sẽ tăng lên nếu phải chi thêm để trả lãi vay, đầu vào tăng, lợi nhuận giảm, thậm chí lỗ, sao họ có thể mở rộng sản xuất để tạo việc làm.

Còn các dự án đầu tư công, dự toán một đằng, nay giá tăng, phải dừng lại để điều chỉnh, phải dở dang, kéo dài, vốn đầu tư tăng như đã từng xảy ra ở các năm 2009 - 2013 mà đến nay chưa giải quyết xong.

Nhìn chung, sau những đợt phải tăng lãi suất để chống lạm phát, kinh tế suy giảm hoặc tăng trưởng dưới tiềm năng. Lạm phát cao đáng sợ là vì thế.

* Theo ông, có phải đang có sự cân nhắc khi giảm thuế để ổn định giá bởi lo ngại hụt nguồn thu ngân sách?

- Cần cân nhắc giữa phòng ngừa và chữa trị. Khi mới có dấu hiệu, có thể trị bằng thuốc cảm (giảm thuế, không tăng giá các dịch vụ công...). Còn một khi để xảy ra lạm phát cao, phải dùng thuốc liều cao, như tăng lãi suất, tất nhiên để lại hậu quả, không chỉ người dân, doanh nghiệp mà cả ngân sách nhà nước cũng bị ảnh hưởng như đã phân tích ở trên.

Sẽ có câu hỏi, lạm phát thế giới như thế, kềm lạm phát cao, làm sao chúng ta có thể vác đá vá trời? Chúng ta không kỳ vọng ổn định giá mà là giảm thiểu tối đa tác động của nó đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, tránh xảy ra tình huống lạm phát cao, thông qua nhiều công cụ: thuế, điều hành, tổ chức sản xuất và cân đối cung cầu...

Chúng ta còn dư địa về thuế để giảm đà tăng nóng của giá xăng dầu, đó là 50% thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt... Đừng sợ giảm nguồn thu trước mắt do giảm thuế để kiểm soát giá. Bởi vì để xảy ra lạm phát cao, nguồn thu ngân sách cũng sẽ giảm trầm trọng hơn.

Khi đó, không chỉ doanh nghiệp mà ngay người dân cũng không có nhiều thu nhập để nộp thuế thu nhập cá nhân. Hy sinh trước mắt để có lâu dài. Bài học từ việc ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của năm 2011 rất có giá trị để tham khảo.

* Tuần qua, Tuổi Trẻ từng phản ánh "Giá đang nóng, đừng tăng học phí" quanh việc một số địa phương muốn tăng học phí vào năm học mới, quan điểm của ông về việc này thế nào?

- Thời điểm này không nên tạo ra "môi trường" để tình trạng té nước theo mưa trong giá cả lan rộng. Giá các mặt hàng, dịch vụ nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ, như điện, nước, viện phí, học phí... không nên tăng. Bởi tăng được 1 đồng, dù là tăng theo lộ trình, nhưng sau này phải tốn kém nhiều đồng để ổn định mặt bằng giá chung.

* Chúng ta đã có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 nhưng theo ông, liệu có cần chương trình giảm thiểu tác động của lạm phát lên nền kinh tế, doanh nghiệp, hộ gia đình?


- Chúng ta đang ở giai đoạn cảnh báo có nguy cơ lạm phát cao quay lại nếu không kiểm soát tốt, vì vậy rất cần giải pháp ngăn ngừa. Các gói cần thiết cho an sinh xã hội, trong gói 345.000 tỉ đồng dành cho người lao động cần triển khai nhanh. Những gói đầu tư công phải triển khai tập trung, không để dở dang.


Biến động giá đang góp phần làm chậm giải ngân đầu tư công. Nếu chậm nữa thì càng thêm khó khăn do phải điều chỉnh dự toán.

Cần gióng lên hồi chuông về nguy cơ lạm phát cao để Chính phủ, Quốc hội có biện pháp xử lý hiệu quả. Sớm có giải pháp, lạm phát trong tầm kiểm soát, đời sống người dân và doanh nghiệp sẽ bớt vất vả...

Giá xăng mới áp dụng từ chiều 23-5 sẽ "lan tỏa" vào giá hàng hóa, dịch vụ khác và người tiêu dùng phải gánh chịu - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG


Giá xăng lập mức đỉnh lịch sử

Thông tin từ liên bộ Công thương - Tài chính công bố chiều 23-5, xăng E5RON92 tiếp tục tăng 674 đồng/lít, lên mức 29.633 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 669 đồng/lít, tăng lên mức 30.657 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel 0.05S giảm 1.097 đồng/lít, có mức giá 25.553 đồng/lít; dầu hỏa giảm 763 đồng/lít, có giá 24.405 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 962 đồng/kg, có giá 20.598 đồng/kg. Như vậy, giá xăng đang có mức cao nhất trong lịch sử.


Hệ lụy của lạm phát cao


* Tại Việt Nam:

- Giai đoạn 1986 - 1988, nền kinh tế mới chuyển đổi sang thị trường phải hạch toán kinh doanh và tỉ giá sát với thị trường nên giá cả tăng rất cao, lạm phát 3 con số dẫn đến suy giảm kinh tế.

- Giai đoạn 2008 - 2010 do tác động bởi khủng hoảng tài chính thế giới, lạm phát năm 2008 là 22,97%, năm 2011 là 18,58%, lãi suất có lúc ngoài 20% khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, nền kinh tế rơi vào khó khăn.


* Tại Mỹ:

Do lạm phát cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ vừa tăng lãi suất, theo dự báo ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Quý 1 kinh tế Mỹ tăng trưởng âm 1,4% so với quý 4-2021, nếu tiếp tục âm ở quý này, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.


Có đối sách tốt, tránh được cú sốc

Hầu hết các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đều tăng theo giá xăng ảnh hưởng rất nhiều đến người dân - lời chia sẻ của tiểu thương Kim Thư (chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, TP.HCM) sáng 23-5 - Ảnh: N.PHƯỢNG


* ĐBQH Vũ Tiến Lộc (ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):


Cần thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ

Tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine cũng như việc đứt gãy, thiết lập lại các chuỗi cung ứng, thay đổi về địa chính trị, địa kinh tế tiếp tục diễn biến, quá trình toàn cầu hóa chậm lại... dẫn đến tình hình kinh tế thế giới hiện đang rất phức tạp.

Trong đó, việc đứt đoạn các chuỗi cung ứng đã đẩy giá các nguyên, nhiên, vật liệu cơ bản nhất là xăng dầu tăng lên. Áp lực lạm pháp đang là nguy cơ lớn nhất trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Trong tình cảnh đó đã buộc các ngân hàng trung ương các nước phải siết chính sách tiền tệ lại như Quỹ dự trữ liên bang Mỹ.

Với nền kinh tế Việt Nam, quá trình phục hồi đang bị chậm so với thế giới và là nền kinh tế mở rất cao, các nguyên vật liệu sản xuất đa phần vẫn nhập khẩu từ bên ngoài vào, đặc biệt là nguyên liệu cho xuất khẩu, tùy từng ngành có thể từ 50, 60, 70, thậm chí 87% hay hơn nữa.


Do lạm phát nên giá nguyên, nhiên vật liệu như xăng dầu tăng cao đã đẩy đầu vào của nền kinh tế tăng lên và tác động thành chuỗi, dây chuyền khiến các chi phí, dịch vụ tăng lên. Đây cũng chính là nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài và là vấn đề rất khó khăn với nền kinh tế chúng ta.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, chúng ta không có sự lựa chọn nào cả mà vẫn phải thực hiện mục tiêu kép hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giữ an ninh an toàn hệ thống tài chính quốc gia.

Trong đó, thực hiện linh hoạt các biện pháp tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp chứ không thể siết như một số nước đang làm. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ, biện pháp hỗ trợ phải thực hiện rất hiệu quả, đi vào nền kinh tế nhanh hơn và đi kèm với cải cách thể chế, thủ tục hành chính để tạo thuận lợi, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp sản xuất...

* Ông Trần Văn Lâm (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Quốc hội):


Giảm sức nóng giá cả thế giới vào trong nước


Nhập khẩu lạm phát được hiểu là những yếu tố lạm phát không nằm ở nội tại nền kinh tế của đất nước mà do yếu tố biến động, bất ổn từ tình hình, thị trường thế giới tác động vào trong nước, làm cho lạm phát tăng vượt qua tầm kiểm soát. Đặc biệt là vấn đề giá cả, nguyên vật liệu đầu vào, giá xăng dầu, một số loại vật tư, thiết bị, máy móc, những nguồn đầu vào cung cấp cho chúng ta đang có bất ổn theo tình hình thế giới hiện nay.


Trong điều kiện đất nước ta hội nhập sâu rộng, tác động của thị trường thế giới đến thị trường, giá cả trong nước là điều tất yếu, vấn đề là ta nhìn nhận, dự báo để có đối sách phù hợp, hạn chế tác động.

Chẳng hạn như xăng dầu, nếu chúng ta xác định giá xăng dầu trong thời gian tới tiếp tục tăng, cần phải có lộ trình để bình ổn giá. Tức là giá vẫn tăng từng bước theo đà tăng của giá thế giới nhưng mức tăng chậm hơn so với đà tăng của giá thế giới.

Không nên để giá xăng dầu tạo nên những cú sốc cho nền kinh tế, hạn chế và cố gắng hỗ trợ cho nền kinh tế và các lĩnh vực sản xuất trong nước đỡ bị tác động, giá hàng hóa sản xuất trong nước không tăng đột biến theo giá xăng dầu.

Các giải pháp đa dạng, chúng ta dự báo để có bước như giãn mức độ tăng giá, không bị quá đột biến; thêm nữa là tìm nguồn cung thay thế với giá cả hợp lý, tìm kênh nguồn hàng sản xuất trong nước bởi trong trường hợp biến động cao lên thì sản xuất trong nước có lợi thế... Tăng tự chủ và chủ động nền kinh tế, lĩnh vực nào có khả năng biến động thì có giải pháp để tìm nguồn cung thay thế cho phù hợp.

* ĐBQH Lê Thanh Vân (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách):


Khó kiểm soát CPI dưới 4%

Dù bức tranh kinh tế trong 4 tháng qua có nhiều điểm tốt nhưng chỉ số giá tiêu dùng tăng cao hơn so với năm ngoái và diễn biến còn phức tạp do các yếu tố ngoại cảnh như đại dịch COVID-19, xung đột thế giới...

Hiện tại tính bền vững trong tăng trưởng của chúng ta cũng là yếu tố hết sức đáng lưu ý nên khả năng kiểm soát lạm phát dưới mức 4% là khó, do đó phải tính đến các biện pháp, trong đó có cả việc điều chỉnh mức lạm phát. Để kiềm chế lạm phát thông thường có 2 công cụ là chính sách tài khóa và tiền tệ. Chúng ta phải xử lý sao cho hài hòa, để các ngành kinh tế phục hồi an toàn.

Bên cạnh đó, cân bằng được các nguồn lực trong nước để tránh 2 khuynh hướng là đóng quá chặt nguồn tiền và bơm tiền ra xã hội. Giống như người mới ốm dậy phải ăn uống

điều độ để sớm phục hồi sức khỏe, nếu ăn ít quá thì kiệt sức còn ăn quá nhiều sẽ dẫn đến bội thực.

Nói như vậy để thấy chính sách tài khóa, tiền tệ cần nhịp nhàng, có nới lỏng nhưng phải có kiểm soát hài hòa. Nới lỏng ở những chỗ, thị trường, đối tượng có khả năng nhất. Trong việc tiếp cận nguồn vốn cho vay, nếu chúng ta siết chặt tuyệt đối vốn cho vay tín dụng bất động sản thì thị trường sẽ bị tác động tiêu cực.

Ở đây phải phân hóa ra, anh nào hoạt động tốt thì tiếp tục hạn mức cho vay, còn ai đầu cơ, thậm chí trá hình, vay để buôn thì không được, cần kiểm soát. Việc kiểm soát phải dựa trên các thông tin chính xác, kết quả tín nhiệm doanh nghiệp...


N.AN - T.CHUNG - T.LONG ghi


Cảnh báo nguy cơ nhập khẩu lạm phát

Giá cả tăng, công nhân phải tằn tiện để cho bữa ăn hằng ngày. Trong ảnh: công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) đi chợ vỉa hè - Ảnh: TỰ TRUNG

Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng về các cân đối lớn vẫn còn rủi ro tiềm ẩn, kiểm soát lạm phát gặp khó khăn, đặc biệt chú ý nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài... Đây là nhấn mạnh được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu ra khi thẩm tra báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, những tháng đầu năm 2022 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa XV) ngày 23-5.

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, so với mức tăng hàng hóa thế giới, lạm phát trong nước tăng chậm hơn nhờ vào giá thực phẩm luôn ở mức âm từ tháng 10-2021 đến tháng 3-2022. Nhóm hàng này có trọng số là 22,6%, cao hơn nhiều so với mức 9,37% của nhóm hàng giao thông trong rổ tính CPI.

Tuy nhiên giá thực phẩm đang có xu hướng âm ít hơn và có khả năng dương trở lại trong các tháng tới. Bên cạnh đó, yếu tố đáng lưu ý nhất khiến lạm phát tăng cao là giá dầu tăng cao tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển.

Từ đó, ông Vũ Hồng Thanh - chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng cần đánh giá kỹ hơn về các cân đối lớn khi vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, kiểm soát lạm phát gặp khó khăn.

"Giai đoạn tới, cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài; nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác", ông Thanh nhấn mạnh.

Trong báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội do Phó thủ tướng Lê Văn Thành trình bày trước Quốc hội, với tình hình hiện tại, thời gian tới Chính phủ sẽ chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát.

Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; điều hành, bình ổn giá; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu; có giải pháp hiệu quả duy trì ổn định chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tập trung thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công.


NGỌC AN

Kiến nghị giám sát tối cao về đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Ngày 23-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 với 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét để chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao và 2 chuyên đề giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - tán thành việc đưa vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông vào nội dung giám sát trong năm tới. Tuy nhiên, bà Thúy cho rằng vấn đề không nên thu hẹp trong phạm vi giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà nên được Quốc hội giám sát tối cao.

Theo bà Thúy, 2 nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông có ý nghĩa rất quan trọng nhưng dư luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về một số kết quả triển khai.

Bà Thúy nêu ví dụ như vấn đề giá SGK hay vấn đề sắp xếp môn lịch sử hoặc có những vấn đề báo chí và đại biểu đặt ra suốt từ kỳ họp trước đến kỳ họp này nhưng chưa được giải quyết như những sai sót trong cả 3 bộ SGK lớp 1, lớp 2, lớp 6 của NXB Giáo Dục Việt Nam...

Từ đó, bà Thúy đề nghị thảo luận rộng rãi các vấn đề trên ở Quốc hội để thu nhận được ý kiến từ nhiều chiều và để cử tri cả nước được biết.


T.LONG

Dự báo được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra tại Hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022, nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ, do viện tổ chức ngày 20-5, tại Hà Nội.

Chia sẻ Facebook