Cảnh báo khí hậu Trái đất đang ở mức cực đoan kỷ lục

Chia sẻ Facebook
01/11/2022 06:12:18

Báo cáo mới của Liên minh Các nhà khoa học quốc tế chỉ rõ cuộc khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng trên Trái đất đang ở mức cực đoan kỷ lục, với 16 dấu hiệu khí hậu quan trọng bị đánh mã đỏ (code red).

Các nhà nghiên cứu cho rằng chính phủ các nước đã thất bại trong giải quyết nguyên do "biến đổi khí hậu" - Ảnh: AFP


Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí BioScience, số lượng các thảm họa liên quan đến khí hậu đang leo thang, với những đau khổ liên quan đến con người ở mức khó định lượng và hình dung cũng sẽ tiếp tục tăng nhanh.

Giờ đây, chúng ta đang phải đối mặt với một lựa chọn rõ ràng: thực hiện những thay đổi nhanh chóng và có ý nghĩa đối với cách chúng ta sống và hành tinh. Hoặc phải đối mặt với khả năng rất thực tế của sự sụp đổ xã ​​hội toàn cầu.

Nhà sinh thái học Christopher Wolf từ Đại học bang Oregon (Mỹ), nói: "Chúng tôi kêu gọi các nhà khoa học cùng ủng hộ các phương pháp tiếp cận, dựa trên nghiên cứu đối với việc ra quyết định về khí hậu và môi trường".


Một số vấn đề mà nhóm hướng tới bao gồm tần suất ngày càng tăng của các hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt; tỉ lệ cây cối bị mất đi trên toàn cầu ngày càng tăng (cháy rừng đóng vai trò chính trong đó) và nhiều trường hợp nhiễm vi rút sốt xuất huyết hơn do muỗi truyền.

Ngoài ra, còn có vấn đề mức độ carbon dioxide trong khí quyển hiện đang ở mức cao nhất: 418 phần triệu.

Trong khi đó, năm 2022 đang trên đà trở thành một trong những năm nóng nhất được ghi nhận.

Các dấu hiệu quan trọng khác được các nhà nghiên cứu theo dõi bao gồm sự bất thường về nhiệt độ bề mặt Trái đất, sự thay đổi khối lượng băng ở Nam Cực, độ a xít của đại dương và những trận lũ lụt lớn ở Mỹ tiêu tốn ít nhất 1 tỉ USD để dọn dẹp.


Báo cáo cũng đề cập nhiều sự kiện liên quan đến biến đổi khí hậu vừa xảy ra trong năm 2022. Chẳng hạn như trận hạn hán tồi tệ nhất ở châu Âu trong 500 năm; lượng mưa kỷ lục ở bờ biển phía đông Úc; đợt nắng nóng chết người ở Ấn Độ và Pakistan; bão bụi lan rộng ở Trung Đông; và một trận lũ lụt nghiêm trọng đã phá hủy những con đường trong Công viên quốc gia Yellowstone ở Mỹ.

Nhà khoa học phát triển bền vững Saleemul Huq từ Đại học Independent (Bangladesh) cho biết: "Biến đổi khí hậu không phải là một vấn đề riêng lẻ. Đó là vấn đề mang tính hệ thống lớn về sự phát triển quá mức sinh thái - nơi mà nhu cầu của con người đang vượt quá khả năng tái tạo của sinh quyển".

Các chuyên gia dự đoán mức độ nóng lên toàn cầu sẽ tăng 3⁰C vào năm 2100, mức nhiệt độ mà Trái đất này chưa từng chứng kiến ​​trong khoảng 3 triệu năm qua.

Một số lượng chưa từng có các nhà khoa học đang lên tiếng về cuộc khủng hoảng khí hậu và kêu gọi "giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu quy mô lớn" phải diễn ra ngay lập tức, vì lợi ích của các thế hệ tương lai.

Tại sao phiến đá này lại là một trong những vật nổi tiếng nhất thế giới?

Chia sẻ Facebook