Cảnh báo chiêu trò giả danh luật sư hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo

Chia sẻ Facebook
21/06/2023 08:47:47

Hiện nay, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều tài khoản giả danh luật sư đăng bài hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo, nhưng thực chất đây cũng là “chiêu” lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Tin nhắn hướng dẫn thu hồi tiền bị lừa của nhóm lừa đảo. (Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội lại xuất hiện các chiêu trò mới, nhắm vào những nạn nhân của các vụ lừa đảo mạng trước đó, hầu hết các nạn nhân đều mong muốn lấy lại tiền một cách nhanh chóng.

Các nghi phạm lừa đảo tiếp tục thay đổi phương thức, thủ đoạn mới là giả mạo luật sư để hỗ trợ các nạn nhân thu hồi lại tiền đã bị lừa đảo. Công an Hà Nội mới đây đã phát đi cảnh báo chiêu lừa đảo mới này.

Theo đó, các nghi phạm mạo danh luật sư sẽ giả vờ kết nối với lực lượng an ninh mạng. Sau đó thông báo với nạn nhân số tiền bị lừa đã được kẻ gian chuyển qua hình thức cá cược đặt lệnh trực tuyến với mục đích rửa tiền.

Để thu hồi tiền đã mất, luật sư giả này yêu cầu nạn nhân đóng tiền để tham gia vào trò cá cược đặt lệnh. Trong quá trình tham gia, sẽ có đội điều tra công nghệ cao hỗ trợ thay đổi tỉ lệ lệnh để thắng cá cược và thu hồi được tiền bị lừa.

Những nghi phạm giả danh luật sư hứa hẹn sẽ can thiệp hệ thống, hack vào tài khoản lừa đảo vào các khung giờ nhất định. Yêu cầu nạn nhân phải nộp trước một khoản tiền khoảng 30% số tiền đã bị mất trước đó.

Khi thấy con mồi đã mắc bẫy, nạp tiền vào thì các đối tượng sẽ thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi. Khi được hỏi thì luật sư giả nói phải nạp thêm tiền thì hệ thống mới cho rút về.

Lời quảng cáo thu hồi tiền bị lừa trên mạng xã hội. (Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Sau đó, các nghi phạm lấy rất nhiều lý do, thậm chí chặn liên hệ để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Theo luật sư, quá trình điều tra các loại tội phạm này cơ quan chức năng gặp rất nhiều hạn chế và trở ngại, đặc biệt là trong giai đoạn thu thập và đánh giá chứng cứ bởi thông thường các chứng cứ ở đây đều được thể hiện dưới dạng thông tin điện tử, lại có máy chủ đặt ở nước ngoài.

Việc phát hiện tội phạm cũng thường dựa trên lời trình báo, lời khai của các nạn nhân đã từng bị lừa tiền chứ ít được phát hiện thông qua hình thức bắt quả tang nên việc xác định đối tượng phạm tội càng trở nên khó kiểm soát.

Sau khi thực hiện hành vi xong, trong thời gian ngắn, các nghi phạm sẽ nhanh chóng xóa bỏ toàn bộ thông tin điện tử để che giấu hành vi phạm tội.

Các nghi phạm thường sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác, mạo danh người khác liên hệ với ngân hàng, các công ty dịch vụ viễn thông để mở tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký thuê bao điện thoại di động sử dụng vào việc phạm tội.

Nhiều nạn nhân bị lừa đảo thay vì lập tức trình báo sự việc cho cơ quan công an thì lại đi liên hệ các tài khoản giả danh luật sư với mong muốn được thu hồi tiền lừa đảo.

Công an TP. Hà Nội khuyến cáo để tránh mắc bẫy của kẻ xấu, mỗi người dân cần cảnh giác, nói với đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo trên, tuyệt đối không chuyển tiền cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa có thông tin cụ thể.

Mọi người dân nên đọc, tìm hiểu về những khuyến cáo của công an và các tin, bài phản ánh của các cơ quan thông tấn, báo chí về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng để không bị sập bẫy của những nghi phạm lừa đảo.

Khi phát hiện có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo sự việc đến cơ quan công an để giải quyết vụ việc.


Ngọc Mai

Gọi video call lừa đảo gọi trúng công an

Sau khi liên tiếp chuyển máy, "công an Hà Nội" giật mình khi thấy đầu dây bên kia là công an, chuyển giọng nói mình bị ép thuốc, dí điện.

Chia sẻ Facebook