Cảnh báo bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết ở trẻ tăng cao tại Đồng Nai
Những ngày gần đây, tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, số trẻ nhập viện điều trị do bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng nhanh.
Số ca bệnh tay chân miệng tăng cao
Bé N.V.K (2 tuổi, trú tại Bắc Sơn, Trảng Bom, Đồng Nai) đã điều trị bệnh tay chân miệng 5 ngày nay, nhưng những vết loét ở miệng, tay chân, phần lưng vẫn còn nhiều.
Chị N.T.T. - mẹ của bé cho biết: Trước khi nhập viện, bé có biểu hiện biếng ăn 2 ngày, qua ngày hôm sau, bé sốt cao liên tục. Mặc dù được uống thuốc hạ sốt nhưng bé vẫn không hết sốt, nên gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám bệnh. Các bác sĩ xác định bé bị tay chân miệng, phải nhập viện điều trị, do bé bị lở miệng quá nhiều, ăn uống không được.
Cũng theo chị T., hàng ngày bé đi nhà trẻ, trong lớp có 20 cháu, nhưng không có cháu nào bị bệnh tay chân miệng nên chị cũng không biết con mình bị lây từ đâu. Hiện, tình trạng sức khỏe bé đã tốt hơn, bé đã ăn uống được nhiều hơn.
BSCKI. Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết: Từ đầu tháng 4 trở lại đây, bệnh tay chân miệng tăng cao, hiện khoa đang điều trị cho gần 40 ca tay chân miệng độ 2A trở lên. Đa số các trẻ nhập viện từ 1 - 3 tuổi, một số trẻ nhỏ hơn từ 6 - 8 tháng. Các trẻ đều có biểu hiện sốt cao, mệt, nổi bóng nước, chưa có ca nào quá nặng phải can thiệp lọc máu.
"Đa số các trẻ mắc tay chân miệng đều đi nhà trẻ, có thể các trẻ lây cho nhau nên làm bệnh tăng lên. Các bậc phụ huynh chăm sóc trẻ mỗi ngày cần chú ý các biểu hiện trẻ biếng ăn, có vết loét trong miệng, đây là biểu hiện đầu tiên của tay chân miệng. Ngoài ra, khi tắm rửa cho bé cần chú ý ở bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông xem có những vết bóng nước hay không. Ngoài ra nếu trẻ sốt cao liên tục, biếng ăn thì phải lưu ý vì đây là dấu hiệu rõ nét của tay chân miệng và nên đưa trẻ đi khám bệnh để được điều trị kịp thời" - bác sĩ Quyền khuyến cáo.
Nhiều trẻ sốc sốt xuất huyết nặng
Sau 4 ngày điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, đến nay, bé gái 8 tuổi con của chị P.T.T.V., (trú tại Bình Sơn, Long Thành, Đồng Nai) đã hết sốt, tình trạng sức khỏe tốt hơn, tuy nhiên bé vẫn còn mệt mỏi và phải thở CPAP.
Chị V. cho biết: Trước khi nhập viện, bé bị sốt liên tục 2 ngày, mệt mỏi, đau nhức nên chị đã cho bé vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, sau đó được bệnh viện chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Tại đây, bé được các bác sĩ chẩn đoán sốc sốt xuất huyết cần nhập viện theo dõi điều trị.
ThS.BS Trần Lê Duy Cường, Phó Khoa Hồi tích cực Chống độc cho biết: Khoa có chỉ tiêu 28 giường bệnh, tuy nhiên hàng ngày khoa tiếp nhận điều trị từ 38 - 40 bệnh nhân, trong đó số ca sốt xuất huyết dao động từ 15 - 20 ca. Trong đó, số ca sốt xuất huyết nặng có sốc rất nhiều, các lứa tuổi hay gặp từ 4 - 15 tuổi. Đặc biệt một số trẻ mắc sốt xuất huyết bị bệnh nền kèm theo như tan máu bẩm sinh, tim bẩm sinh hay trên nền cơ địa béo phì, việc theo dõi phải kỹ càng, phải đo huyết áp, xét nghiệm máu thường xuyên vì những trẻ có bệnh nền thường bị sốt xuất huyết nặng hơn, quá trình điều trị cũng khó khăn hơn.
"Một số trẻ do gia đình chủ quan, đưa bé vào viện muộn, trong tình trạng huyết áp tụt, mạch không bắt được đó đó việc điều trị cho trẻ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, mệt mỏi, đau nhức phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị sớm, tránh những biến chứng nặng khó điều trị" - bác sĩ Cường nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, hiện bệnh viện đang bắt đầu quá tải do số lượng trẻ em mắc 3 bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn hô hấp tăng cao. So với năm trước, hiện nay bệnh sốt xuất huyết đang tăng cao cả về số lượng ca bệnh và số ca bệnh nặng. Hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho gần 100 ca sốt xuất huyết, trong đó số ca sốc sốt xuất huyết chiếm khá nhiều với gần 30% bệnh nhân.
Để đáp ứng nhu cầu thu dung điều trị bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, cách đây vài tháng, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ các dịch truyền, thuốc men, trang thiết bị máy móc. Bệnh viện cũng đã tổ chức lớp tập huấn về chăm sóc, điều trị theo dõi bệnh nhân tay chân miệng, sốt xuất huyết cho toàn tỉnh và tập huấn cho bác sĩ, điều dưỡng ở bệnh viện nhằm mục đích thu dung, phát hiện, điều trị bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tốt nhất.
"Từ đầu năm đến nay, nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng tại bệnh viện đều được điều trị bình phục, qua khỏi. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần lưu tâm phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết để trẻ được điều trị sớm, vì khi điều trị sớm sẽ có kết quả tốt hơn nhiều so với trẻ sốt xuất huyết bị phát hiện muộn" - bác sĩ Nghĩa khuyến cáo.